Hàng loạt vấn đề đang đặt ra như chất lượng giảng dạy, sự thống nhất của giáo trình…, gây không ít trở ngại cho công tác dạy tiếng Việt trong khi một số giáo viên buộc phải xa nghề vì lương thấp.
Còn nhiều khó khăn
Ông Nguyễn Quốc Việt, Lãnh sự quán Việt Nam tại tỉnh Savannakhet (Lào) cho biết: “Hiện chúng ta vẫn đem giáo trình trong nước sang Lào để dạy, nên chất lượng không cao. Ví dụ như giáo trình thử nghiệm Tiếng Việt vui, nhưng đây là tiếng Việt dạy cho người lớn, chứ không phải cho trẻ em”, ông Việt nói.
Theo ông Đặng Công Nhân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hữu nghị tỉnh Champasak, phó Chủ tịch Hội người VN ở Champasak, ở Lào, tiếng Việt được xem như là một ngoại ngữ, nhưng chúng ta lại không có giáo trình viết riêng cho các cháu. Mỗi tỉnh, mỗi giáo viên, một giáo trình. Chưa nói đội ngũ giáo viên mỗi tỉnh cũng khác nhau, nhận lương khác nhau”. Giáo trình dạy tiếng Việt ở Trường tiểu học Hữu nghị chủ yếu do các giáo viên tự biên soạn, nên không thống nhất.
Trong khi đó, giáo viên do Bộ GD-ĐT cử sang được Nhà nước trả lương 700-720 USD/tháng. Còn lương các giáo viên tỉnh cử sang, hoặc giáo viên tại chỗ chỉ khoảng từ 1 - 1,2 triệu đồng, được trích từ nguồn thu học phí của Hội NVNONN tỉnh Champasak. “Đa số giáo viên đều rất trẻ, năng động, nhiệt tình, nhưng chưa có điều kiện để gắn bó lâu dài”, ông Nhân nói.
|
Giảng viên ĐH Huế dạy tiếng Việt cho kiều bào ở Lào. Ảnh: Xuân Phiệt |
Cô giáo Nguyễn Thị Minh Nghĩa (Trường tiểu học Hữu nghị Champasak), người có 24 năm gắn bó với trường, tâm sự: “Chúng tôi cũng muốn gắn bó, nhưng gánh nặng cơm, áo, gạo tiền đè nặng lên vai, nên chúng tôi quyết định nghỉ. Với mức sống ngày càng cao như hiện nay, chúng tôi mong các ngành chức năng tạo điều kiện cho giáo viên một mức lương tương xứng”.
Ông Nhân cho rằng, do lương thấp, nên nhiều giáo viên ở đây dù gắn bó đến gần 20 năm vẫn bỏ nghề để chuyển sang làm những việc khác hoặc đi học. “Cả trường tôi có khoảng 1.200 học sinh, nhưng chỉ có một giáo viên, nên phải mời thêm kiều bào tham gia. Điều khó khăn là những người này chưa từng được đào tạo kỹ năng sư phạm”, ông Nhân nói.
Nhu cầu học tiếng Việt rất lớn
Không riêng gì tại tỉnh Champasak, việc giảng dạy tiếng Việt ở một số tỉnh của Lào hiện đang vấp phải nhiều khó khăn. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính cho biết: “Hàng năm, tỉnh đều cử giáo viên sang giúp các hội người VN ở Khammouan và Savannakhet dạy tiếng Viêt, đồng thời trao tặng một số sách vở cho các cháu. Tuy nhiên, nỗ lực này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu giảng dạy cho con em kiều bào”. Theo ông Việt, việc cử một, hai người sang giảng dạy chỉ như “muối bỏ bể”, bởi nhu cầu là rất lớn.
Theo ông Nhân, tình trạng thiếu giáo viên ảnh hưởng đáng kể tới việc học tiếng Việt của thế hệ trẻ. “Hiện chúng tôi đang kiến nghị Bộ GD-ĐT xin thêm giáo viên sang dạy tiếng Việt tại Lào, bồi dưỡng nghiệp vụ giảng dạy tiếng Việt cho kiều bào, và dành 5 suất học bổng cho con em người Việt về nước học tập”, ông cho biết.
Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban NN về NVNONN Nguyễn Thanh Sơn khẳng định, chương trình giảng dạy và bảo tồn tiếng Việt cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài nhận được sự quan tâm hết sức to lớn và sâu sắc của Đảng, Nhà nước. Ba năm qua, Bộ GD-ĐT là cơ quan trực tiếp triển khai đề án giảng dạy tiếng Việt cho cộng đồng người VN ở nước ngoài. Hiện Ủy ban NN về NVNONN đang phối hợp với Bộ GD-ĐT đưa một số chương trình này đến các quốc gia, các châu lục để thăm dò thực tế và qua đó, đánh giá yêu cầu cụ thể. Đây là cơ sở để chỉnh lý giáo trình, phổ cập trình độ giảng dạy cho giáo viên dạy. Nỗ lực giảng dạy, bảo tồn và phát triển tiếng Việt là điều kiện tiên quyết, giúp củng cố tình đoàn kết của cộng đồng VN ở nước ngoài và hướng về đất nước. V.H (ghi) |
Theo Đất Việt