Công trình “1/4 thế kỷ”

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -Hôm qua (8/9), sau 23 năm được duyệt, 5 năm thi công, một cây cầu ở huyện Nhà Bè (TP HCM) chính thức thông xe. Đứng ở góc độ quy mô và vai trò, cây cầu có tổng mức đầu tư không lớn, cũng chỉ góp phần giúp tăng kết nối giao thông cho phía Nam TP HCM. Nhưng ở góc độ chậm trễ, thì dự án này lập một “kỷ lục”.
Cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM). (Ảnh: Tiền phong.
Cầu Long Kiểng mới bắc qua sông Phước Kiểng, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè, TPHCM). (Ảnh: Tiền phong.

Được duyệt từ năm 2001, nhưng gặp nhiều vướng mắc liên quan đến quy mô, nguồn vốn, giải phóng mặt bằng, phải chờ điều chỉnh, nên 17 năm sau, đến tháng 8/2018, cầu mới khởi công, dự kiến hoàn thành sau 2 năm, thay cầu sắt cũ kế bên đã xuống cấp.

Tuy nhiên, tới lúc này dự án lại tiếp tục vướng giải phóng mặt bằng nên cuối 2019, công trình phải dừng khi mới xây xong 7 trụ cầu. Dự án có hàng trăm hộ dân bị ảnh hưởng, nhưng chưa xác định được quỹ nền tái định cư cho dự án nên huyện chưa trình phương án tính giá bồi thường. Sau gần 3 năm ngưng trệ, tháng 9/2022 huyện Nhà Bè hoàn tất đền bù, giao mặt bằng cho chủ đầu tư.

Một lãnh đạo HĐND TP HCM nói đây là công trình “1/4 thế kỷ”, bởi quá trình triển khai kéo dài tới 22 năm. Vị cán bộ này kể trong lần kiểm tra dự án hồi tháng 3/2021, gặp một cụ già sinh năm 1937 và cụ chia sẻ “chỉ mong sống đến ngày cầu hoàn thành”, nên lãnh đạo TP rất trăn trở, muốn đẩy nhanh tiến độ dự án.

Vấn đề đáng nói là tại TP HCM nói riêng và tại các địa phương nói chung, tình trạng dự án giao thông chậm trễ không hiếm gặp. Riêng tại TP HCM, đại diện Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho biết, đến đầu tháng 6/2020, trong số 75 dự án đơn vị thi công, có tới 43 dự án vướng mặt bằng, nhiều công trình dừng thi công 2 - 3 năm. Ngoài lý do chưa có mặt bằng, còn nhiều nguyên nhân khác như thiếu vốn, vướng mắc pháp lý… Còn “vòng luẩn quẩn” là chưa có mặt bằng thì chưa được bố trí vốn. Và một số chủ đầu tư dù có được bố trí vốn trước, có khi cũng không dám nhận, vì e ngại trường hợp không giải phóng mặt bằng được đúng tiến độ, sẽ phải chịu trách nhiệm. Thế nên, một số dự án giao thông “mọc” lên rồi dở dang nằm chờ, càng làm ách tắc giao thông hơn.

Kinh nghiệm trong thời gian vừa qua với một số dự án giao thông trọng điểm quốc gia, là cần có cơ chế và quyết tâm để đẩy nhanh tiến độ. Cả ngàn km cao tốc đã được chúng ta hoàn thành trong thời gian rất ngắn, với quan điểm “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, các bên từ địa phương - chủ đầu tư - nhà thầu - tư vấn giám sát đều phối hợp chặt chẽ từ khâu vận động giải phóng mặt bằng - giải ngân - thi công và khi đã có mặt bằng thì luôn bám sát công trường, đẩy nhanh tiến độ thi công. Nếu đưa được tinh thần này vào thực hiện các dự án giao thông nói chung, những dự án “1/4 thế kỷ” như nêu trên sẽ không còn tái diễn.

Đọc thêm