Công ty CP Dịch vụ Môi trường Mesco: Giặt tẩy đồ vải y tế trong cụm công nghiệp có đúng quy định?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trước những phản ánh về việc Công ty CP Dịch vụ Môi trường Mesco (Cty Mesco) có dấu hiệu vi phạm trong quá trình hoạt động trong Cụm công nghiệp (CCN) Từ Liêm (Hà Nội), đại diện Ban Quản lý dự án Đầu tư Xây dựng quận Bắc Từ Liêm (BQLDA) cho biết, sẽ trao đổi. phối hợp với các đơn vị của quận Nam Từ Liêm (Phòng Tài nguyên & Môi trường, Công an…) để kiểm tra, xử lý. 
Đồ vải bẩn của bệnh viện được đưa về xưởng giặt nhưng không thực hiện đúng biện pháp phòng chống lây nhiễm.
Đồ vải bẩn của bệnh viện được đưa về xưởng giặt nhưng không thực hiện đúng biện pháp phòng chống lây nhiễm.

Quy trình giặt đồ vải bệnh viện có vấn đề

Thực hiện dịch vụ giặt tẩy đồ vải y tế của nhiều bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, Cty Mesco có một xưởng giặt đặt tại CCN Từ Liêm (phường Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội). Tuy nhiên, những gì phóng viên ghi nhận tại xưởng giặt này cho thấy quy trình giặt đồ vải y tế đang có dấu hiệu mất an toàn. Cụ thể, đồ vải bẩn từ bệnh viện đưa về xưởng giặt được để lộn xộn trên xe đẩy mà không để trong túi buộc kín. Công nhân vận chuyển đồ vải bẩn cũng không đeo găng tay, đeo khẩu trang… để đảm bảo chống nhiễm khuẩn…

Theo một số chuyên gia, đồ vải bẩn của bệnh viện sẽ dính có máu, chất thải và chất bài tiết của bệnh nhân… nên chứa các mầm bệnh, vi sinh vật có hại… Nếu đồ bẩn này không được phân loại đúng và không được đựng trong cái túi buộc kín, hoặc công nhân không sử dụng găng tay… thì nguy cơ lây truyền bệnh ra môi trường là rất cao. Nguy hiểm hơn nếu trường hợp xe chuyên chở đồ bẩn từ bệnh viện về xưởng giặt đồng thời cũng là xe chuyên chở đồ sạch đến viện, hoặc vị trí “xuống” đồ bẩn cũng là nơi xuất hàng, hoặc công nhân tiếp nhận đồ bẩn nhưng sau đó lại tiếp xúc với đồ sạch…  

Nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng… Bộ Y tế đã có những quy định hết sức chặt chẽ trong việc kiểm soát nhiễm khuẩn, trong đó có các yêu cầu về quản lý và xử lý đồ vải y tế của các cơ sở khám chữa bệnh (KCB).

Để thực hiện quy định trên thì các cơ sở KCB đều ban hành các quy định cụ thể về quy trình giặt tẩy đồ vải y tế, trong đó có đề ra các yêu cầu chính như: áo quần bẩn được đựng trong bao vải hoặc bao nilong, người tiếp xúc phải mang găng tay, khẩu trang…, việc thực hiện giặt là phải theo “quy trình một chiều” (bảo đảm tách bạch các hoạt động nhận đồ vải bẩn, phân loại, giặt, phơi, làm khô, gấp và đóng gói, lưu trữ, vận chuyển...; Có thiết kế không gian riêng giữa khu vực để đồ sạch và đồ bẩn…).

Trường hợp cơ sở KCB ký hợp đồng cung cấp dịch vụ với đơn vị bên ngoài để giặt là đồ vải, Bộ Y tế quy định rõ, cơ sở KCB phải lựa chọn đơn vị có đủ tư cách pháp nhân... và chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ do đơn vị bên ngoài cung cấp. Cơ sở KCB phải “thường xuyên giám sát, kiểm tra việc tuân thủ quy định, quy trình kỹ thuật, bảo đảm chất lượng dịch vụ” .

Vì vậy, nếu ký hợp đồng với đơn vị bên ngoài, các cơ sở KCB đều có điều khoản yêu cầu đối tác phải tuân thủ quy trình kiểm soát chất lượng do cơ sở KCB  đã đề ra. 

Tuy nhiên, không hiểu việc “giám sát” của Bên A đối với Cty Mesco như thế nào mà quy trình giặt vẫn bị “hổng” như trên. Đó là chưa kể “quy trình một chiều” cũng không được tuân thủ nghiêm chỉnh khi xưởng giặt chỉ có một cửa ra vào và khu để đồ bẩn, đồ sạch đều không có sự ngăn tách không gian riêng biệt.

Một góc xưởng giặt
 Một góc xưởng giặt

Bao giờ kiểm tra, xử lý?

Trao đổi với phóng viên, ông Phương Sơn Hà, Phó Trưởng phòng Dịch vụ công ích và phát triển CCN Từ Liêm (BQLDA quận Bắc Từ Liêm) cho biết, Cty Mesco thuê lại đất của một công ty khác để mở xưởng giặt tại CCN từ khoảng 2 năm nay.  Về xử lý nước thải, các doanh nghiệp (DN) được xả nước thải ra hệ thống thu gom để đưa về khu xử lý tập trung, nhưng phải xử lý sơ bộ trước.

Đối với xưởng giặt của Mesco thì ông Hà “không nắm rõ” đã xử lý sơ bộ như thế nào. Tuy nhiên, ông này khẳng định, nếu chỉ đào hố ga hoặc đặt tấm chặn rác thì “không thể coi là xử lý sơ bộ được”. 

Khi được hỏi cụ thể về hoạt động của Mesco tại CCN, ông Hà cho hay, theo quy định thì DN được quyền cho thuê lại đất tại CCN và phải có báo cáo với BQL. Hiện có khoảng trên 20 DN thuê lại đất như Cty Mesco nhưng hầu như các DN này đều không báo cáo cho BQL.

Đáng nói, tuy xưởng giặt đồ vải bệnh viện của Cty Mesco hoạt động tại CCN đã từ hai năm nay nhưng tại buổi làm việc với phóng viên, cả ông Hà lẫn ông Nguyễn Hải An (Phó Giám đốc BQLDA  quận Bắc Từ Liêm) đều không cung cấp được các thông tin cụ thể hoặc tài liệu liên quan đến việc sử dụng đất, hợp đồng xả nước thải với CCN, hoặc phương án bảo vệ môi trường, phòng chống cháy nổ…của DN này.

Khi phóng viên đề nghị đại diện BQL trực tiếp xuống kiểm tra việc sử dụng đất, sử dụng nước (vì có dấu hiệu khoan giếng, khai thác nước ngầm trái quy định) cũng như việc xả nước thải của xưởng giặt Mesco thì ông Nguyễn Hải An đã từ chối và cho biết, BQLDA không có thẩm quyền. Nếu muốn xuống kiểm tra, Ban phải phối hợp với cơ quan chức năng của quận Nam Từ Liêm (do xưởng giặt nằm trên địa bàn quận Nam Từ Liêm) như: Phòng Tài nguyên & Môi trường, Công an quận…Việc kiểm tra tới đây như thế nào, Ban sẽ thông tin lại cho báo chí sau.

Khi được hỏi, việc DN cho thuê lại đất tại CCN liệu có phá vỡ quy hoạch sử dụng đất; quá tải hệ thống cung cấp điện, nước hoặc vượt quá khả năng xử lý nước thải (do quá công suất hoặc do nước thải có chứa mầm bệnh, vi khuẩn bệnh viện…) hay không, cả ông Hà lẫn ông Hải đều không trả lời thẳng mà chỉ cho rằng, doanh nghiệp được quyền thuê lại đất, theo quy định tại Điều 24, Nghị định 68/2017/NĐ-CP.

Về vấn đề trên, một số Luật sư cho hay, đúng là Điều 24 Nghị định 68 có quy định về việc tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN được cho thuê lại phần đất, nhà xưởng, kho bãi, văn phòng và tài sản trên đất thuê. Tuy nhiên, ngay tại Điều luật này đã nêu rõ, việc cho thuê phải “theo quy định của pháp luật”.

Điều 25, Điều 26 Nghị định 68 còn nêu “tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN phải sử dụng đất, triển khai dự án đầu tư, hoạt động sản xuất, kinh doanh đúng nội dung hợp đồng kinh tế với chủ đầu tư; Thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường, phòng, chống cháy nổ, an ninh trật tự…; thực hiện kế hoạch bảo vệ môi trường hoặc báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật.

Còn tại Điều 18, Quyết định 44/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội “Quy định quản lý CCN trên địa bàn TP Hà Nội” có nêu rõ quyền của Ban quản lý CCN là “Giám sát, giúp đỡ các doanh nghiệp công nghiệp thực hiện đầu tư xây dựng nhà xưởng và hoạt động sản xuất kinh doanh đúng pháp luật, các quy định của UBND TP và Điều lệ quản lý CCN ”

Trong trường hợp đối với Cty Mesco trên đây, liệu BQL đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ “giám sát” của mình theo các nội dung trên? 

Đọc thêm