Công ty tài chính không được cho vay tiêu dùng quá 100 triệu đồng/khách

(PLO) - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa ban hành Thông tư số 43/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định cho vay tiêu dùng của công ty tài chính. Theo đó, một công ty tài chính không được cho một khách hàng vay tiêu dùng quá 100 triệu đồng, trừ khoản vay mua ô tô và được thế chấp bằng chính ô tô đó.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cho vay tiêu dùng là gì? 

Theo quy định tại Thông tư này, cho vay tiêu dùng là việc công ty tài chính cho vay bằng đồng Việt Nam đối với khách hàng là cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của khách hàng, gia đình của khách hàng đó với tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đối với một khách hàng tại công ty tài chính đó không vượt quá 100 triệu đồng. Mức tổng dư nợ quy định tại khoản này không áp dụng đối với cho vay tiêu dùng để mua ôtô và sử dụng ôtô đó làm tài sản bảo đảm cho chính khoản vay đó theo quy định của pháp luật.

Nhu cầu vốn mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ được nêu phía trên bao gồm: mua phương tiện đi lại, đồ dùng, trang thiết bị gia đình; chi phí học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể dục, thể thao; chi phí sửa chữa nhà ở. Các quy định khác về cho vay liên quan đến hoạt động cho vay tiêu dùng của công ty tài chính không được quy định tại Thông tư này, công ty tài chính thực hiện theo quy định về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống theo quy định của Ngân hàng Nhà nước về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Hoạt động cho vay tiêu dùng được thực hiện theo thỏa thuận giữa công ty tài chính và khách hàng, phù hợp với quy định tại Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan. 

Công ty tài chính thực hiện cho vay tiêu dùng được mở điểm giới thiệu dịch vụ tại nơi cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng để giới thiệu các sản phẩm cho vay tiêu dùng, thu thập thông tin, nhu cầu vay vốn của khách hàng nhằm hỗ trợ hoạt động cho vay tiêu dùng. Công ty tài chính chịu trách nhiệm về hoạt động của điểm giới thiệu dịch vụ, bảo đảm thông tin về sản phẩm cho vay tiêu dùng cung cấp cho khách hàng tại các điểm giới thiệu dịch vụ được thống nhất, đầy đủ và trung thực.

Không được đe dọa khách hàng để đòi nợ

Thông tư này quy định rõ, căn cứ quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Thông tư này và các quy định của pháp luật có liên quan, công ty tài chính ban hành quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng, quản lý tiền vay phù hợp với đặc điểm hoạt động kinh doanh của công ty tài chính.

Quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống và phải có các nội dung cụ thể về: điều kiện cho vay; các nhu cầu vốn không được cho vay; phương thức cho vay; lãi suất cho vay và phương pháp tính lãi tiền vay; thu nợ; điều kiện, quy trình và thủ tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ; chuyển nợ quá hạn...

Trong quy định nội bộ cũng phải có thông tin về quy trình thẩm định, phê duyệt và quyết định cho vay; quy trình kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng; phân cấp, ủy quyền và trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ của khách hàng...

Một trong những yêu cầu mà quy định nội bộ của công ty tài chính cần đó, đó là quy định biện pháp đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với đặc thù của khách hàng và quy định của pháp luật, trong đó thời gian nhắc nợ do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhưng phải trong khoảng thời gian từ 7 giờ đến 21 giờ và không bao gồm biện pháp đe dọa đối với khách hàng.

Bên cạnh thông tin về chấm dứt cho vay, xử lý nợ; miễn, giảm lãi tiền vay, phí, quy định nội bộ cần phải có thông tin về các quy tắc, chuẩn mực ứng xử trong cho vay tiêu dùng và các biện pháp bảo đảm việc tuân thủ đầy đủ các quy tắc, chuẩn mực này, chuẩn mực đạo đức, quyền hạn và nghĩa vụ của nhân viên tại điểm giới thiệu dịch vụ...

Ít nhất mỗi năm một lần, công ty tài chính phải rà soát, đánh giá quy định nội bộ về cho vay tiêu dùng để xem xét, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với những thay đổi của pháp luật liên quan và thực tế hoạt động của công ty tài chính.

Trong Hợp đồng cho vay tiêu dùng, hai bên phải nêu rõ thông tin về lãi suất cho vay tiêu dùng theo thỏa thuận và mức lãi suất cho vay tiêu dùng quy đổi theo tỷ lệ %/năm; lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; phương pháp tính lãi tiền vay; loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay; việc trả nợ gốc, lãi tiền vay và thứ tự thu hồi nợ gốc, lãi tiền vay; hình thức thông báo cho khách hàng về lịch trả nợ gốc, lãi tiền vay khi có điều chỉnh; quy định về việc trả nợ trước hạn; các biện pháp để đôn đốc, thu hồi nợ phù hợp với quy định của pháp luật; chế tài áp dụng và biện pháp xử lý trong trường hợp khách hàng không trả nợ đúng hạn; xử lý nợ vay; phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại; quyền và trách nhiệm của các bên...

Công ty tài chính có các hợp đồng cho vay tiêu dùng được ký kết trước ngày 15/3 – ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành và phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm ký kết, công ty tài chính được tiếp tục thực hiện theo các hợp đồng đã ký kết cho đến hết thời hạn của hợp đồng. 

Đọc thêm