Công ty tài chính tái cơ cấu để tồn tại

Theo yêu cầu của Chính phủ, Các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước không đầu tư ngoài ngành và đến năm 2015 phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm (tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán). Thực tế này đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và hoạt động trong tương lai của nhiều công ty tài chính (CTTC) thuộc các TĐ, TCT.  

Theo yêu cầu của Chính phủ, Các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước không đầu tư ngoài ngành và đến năm 2015 phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực nhạy cảm (tài chính, bảo hiểm, bất động sản, chứng khoán). Thực tế này đã đặt ra câu hỏi về sự tồn tại và hoạt động trong tương lai của nhiều công ty tài chính (CTTC) thuộc các TĐ, TCT.

Lợi thế của CTTC

CTTC ra đời là một tất yếu của nền kinh tế thị trường. Thực tiễn tại Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, CTTC đã đóng góp vai trò quan trọng giúp phát huy vai trò chủ đạo của các TĐ kinh tế mũi nhọn. Sự ra đời của các CTTC góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và phát huy sức mạnh của TĐ trên thị trường trong và ngoài nước.

Tái cấu trúc CTTC gắn với yêu cầu phải thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán. Theo đó, CTTC phải co lại hoạt động theo đúng chức năng, tiêu chí chứ không chồng chéo như hiện nay; hoặc phải sáp nhập, hoặc giải thể nếu cảm thấy có thể gây rủi ro cho nền kinh tế. Ngoài ra, CTTC cũng có thể hợp nhất với một NHTM và chuyển sang hoạt động theo mô hình NHTM.

TS. CAO SỸ KIÊM,
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam

CTTC thuộc các tập đoàn kinh tế có lợi thế cạnh tranh so với các ngân hàng thương mại (NHTM) trong hoạt động tín dụng ở ngành, lĩnh vực thuộc TĐ do nắm bắt được thông tin, cũng như am hiểu về chuyên môn.

Lợi ích của CTTC mang lại cho các TĐ kinh tế nói riêng và toàn bộ nền kinh tế nói chung rất lớn. Không phải ngẫu nhiên mà trên thế giới, các TĐ lớn thường có ít nhất một CTTC làm công cụ để TĐ điều tiết và sử dụng vốn một cách hiệu quả và thuận lợi nhất.

Trong phạm vi nội bộ TĐ hoặc nhóm công ty có quan hệ lợi ích gắn bó, CTTC có thể dễ dàng huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các công ty thành viên để tập trung vốn đầu tư. Với tính nội bộ cao trong hoạt động nghiệp vụ, CTTC có thể kiểm soát rủi ro và tập trung vốn lớn cho các dự án quan trọng trong nội bộ TĐ.

Đến nay, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp phép thành lập 18 CTTC, trong đó có 6 CTTC 100% vốn nước ngoài, 4 CTTC TNHH một thành viên do TĐ, TCT nhà nước là chủ sở hữu và 8 CTTC cổ phần có các cổ đông là TĐ, TCT nhà nước chiếm tỷ lệ sở hữu vốn cổ phần trên 25%.

Thường các CTTC sẽ chịu áp lực cạnh tranh ở mức độ thấp hơn so với NHTM. Theo cam kết WTO, chỉ NHTM và CTTC nước ngoài mới được thành lập CTTC liên doanh và CTTC 100% vốn đầu tư nước ngoài nhưng phải có tổng tài sản trên 10 tỷ USD vào cuối năm trước thời điểm nộp đơn.

Đánh giá về vai trò của các CTTC, cơ quan Thanh tra Giám sát NHNN từng nhìn nhận các CTTC đã thể hiện vai trò trong việc hỗ trợ quản lý tài chính, thu xếp vốn trong và ngoài nước cho các TĐ, TCT nhà nước. Đồng thời là một kênh cung cấp vốn trung, dài hạn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Chưa khai thác lợi thế sẵn có

Sự phát triển của thị trường chứng khoán (TTCK) và quy mô ngày càng tăng của các NHTM đã tạo sức ép không nhỏ đến hoạt động của các CTTC. Nhiều doanh nghiệp trong cùng TĐ, TCT đã giảm dần sự phụ thuộc vào CTTC, thông qua việc mở rộng hợp tác với các NHTM.

Chẳng hạn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), dù có CTTC Điện lực nhưng vẫn tìm đến sự hỗ trợ vốn của ngân hàng cho các dự án điện. Nguyên nhân là hoạt động của CTTC đang bộc lộ một số bất cập, một trong những hạn chế của các CTTC so với các NHTM là không được làm dịch vụ thanh toán và nhận tiền gửi dưới 1 năm.

Sửa chữa tàu chở dầu tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam.

Tuy nhiên, nhiều CTTC đã khắc phục bằng việc phát triển thêm nhiều sản phẩm dịch vụ mới như cho vay mua tiêu dùng, vay trả góp… hoặc kết hợp với các NHTM, công ty bảo hiểm triển khai dịch vụ tiện ích khác cho khách hàng cá nhân, tổ chức.

Chẳng hạn, CTTC Dầu khí (PVFC) và CTTC Cao su đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện trong một số lĩnh vực như nguồn vốn, tín dụng, đầu tư và các dịch vụ tài chính nhằm ưu tiên giới thiệu các cơ hội kinh doanh, cơ hội tài chính cho nhau. Hay như CTTC Bưu điện và CTCP Bảo hiểm Bưu điện ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Những dịch vụ này đã giúp CTTC thực hiện được các dịch vụ khác tương tự như một NHTM.

Thế nhưng, dù nỗ lực đa dạng hóa hoạt động, nhưng khả năng cạnh tranh của CTTC là thấp so với mô hình NHTM. Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010, CTTC chỉ được thực hiện một số nghiệp vụ ngân hàng.

Đánh giá về hoạt động của các CTTC hiện nay, nhiều chuyên gia cho rằng các CTTC đang xa dần vai trò, chức năng vốn có của mình. Nhiệm vụ đầu tiên của các CTTC là thu xếp vốn cho các dự án trong lĩnh vực của công ty mẹ, nhưng nhiều CTTC tham gia những dịch vụ tín dụng khác, hoạt động đầu tư ngoài ngành.

Việc các CTTC đang xa rời chức năng vốn có còn biểu hiện qua việc mở rộng phục vụ các khách hàng doanh nghiệp ngoài ngành.

Bên cạnh đó, nhiều CTTC còn đẩy mạnh hoạt động bán lẻ để chia sẻ thị phần với các NHTM. Thực ra việc mở rộng họat động kinh doanh sang lĩnh vực ngoài ngành sẽ mở rộng được danh mục khách hàng, đặc biệt các khách hàng tốt trong các lĩnh vực có nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, việc mở rộng tài trợ vốn và đầu tư sang các lĩnh vực không có kinh nghiệm sẽ dẫn đến rủi ro, ảnh hưởng đến nguồn vốn của các TĐ kinh tế mà CTTC đang sử dụng. Trong khi đó, về năng lực quản trị, hệ thống mạng lưới, hệ thống công nghệ… nhiều CTTC còn rất hạn chế.

Những yếu kém tồn tại của CTTC hiện nay thể hiện qua các mặt như: kênh phân phối còn hạn chế; mạng lưới giao dịch ít; sản phẩm dịch vụ ít; không được huy động vốn từ cá nhân. Những điểm yếu này sẽ làm suy giảm sức cạnh tranh của CTTC trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, các CTTC gặp khó khăn trong việc khai thác tiềm năng của khách hàng, kể cả việc giữ được khách hàng hiện tại do nhu cầu phải có các công cụ tiện ích trong công việc và cuộc sống. Năm 2012, các ngân hàng tập trung đầu tư công nghệ chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới sau tái cấu trúc.

Nghĩa là sẽ có sự cạnh tranh mạnh mẽ về dịch vụ thông qua sức mạnh công nghệ, cạnh tranh về giá, nên các CTTC sẽ đối mặt với các khó khăn rất lớn từ việc phát triển thị phần, thậm chí giữ thị phần hiện tại.

Chính vì vậy, đề án về tái cấu trúc hệ thống CTTC cũng đang nhận được nhiều quan tâm. Tuy nhiên, đến nay đường hướng ra sao dường như vẫn chưa rõ ràng.

Chưa rõ lộ trình tái cơ cấu CTTC

Theo yêu cầu của Chính phủ, đến năm 2015 các TĐ, TCT phải thoái vốn ra khỏi những lĩnh vực ngành nghề kinh doanh không phải là chính. Câu hỏi được đặt ra là xác định vai trò, vị trí của các CTTC sẽ như thế nào trong trường hợp các TĐ, TCT thoái vốn khỏi các CTTC?

Tái cơ cấu CTTC phải đồng bộ với việc tái cơ cấu TĐ, TCT, tài chính, ngân hàng. Trong tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay, chỉ tái cơ cấu ngân hàng tương đối rõ, còn lộ trình tái cơ cấu các TĐ, TCT thông qua việc thoái vốn đầu tư khỏi các lĩnh vực ngoài ngành đã có, nhưng chưa có bước đi cụ thể. Có thể trong quý III, việc tái cơ cấu CTTC sẽ cụ thể hơn.

Ông VŨ VIẾT NGOẠN,
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia

Chính vì vậy, câu chuyện về tái cấu trúc, bài toán tồn tại của CTTC không còn là chuyện nội bộ mỗi TĐ, TCT. Sự ảnh hưởng trong trường hợp này có thể không lớn như đối với một NHTM nhưng cũng không hề nhỏ, bởi nhiều CTTC đã có quy mô vượt xa phạm vi phục vụ cho riêng hệ thống TĐ, TCT. Thậm chí có CTTC quy mô tổng tài sản ngang ngửa so với nhiều NHTM.

Theo các chuyên gia, có 2 phương án sắp xếp các CTTC. Phương án thứ nhất: các CTTC tiếp tục hoạt động dưới mô hình của CTTC đơn thuần. Để thực hiện theo cách thức này, các CTTC có 2 lựa chọn, thông qua sự hỗ trợ từ tập đoàn mẹ, CTTC nâng cao năng lực, hoàn thiện, phát triển chuyên sâu nhằm phát huy ngày càng cao vai trò chức năng của mình.

Với giải pháp trên, các CTTC sẽ phục vụ ngày càng nhiều lợi ích hơn cho TĐ mẹ, nhưng phạm vi hoạt động nội bộ, chuyên sâu. Nhưng việc thay đổi này sẽ chịu chi phối hoàn toàn bởi hoạt động, năng lực của TĐ mẹ. Lựa chọn thứ 2 là các CTTC nâng cao năng lực thông qua việc trở thành công ty đại chúng, hướng đến việc mở rộng hoạt động và đáp ứng đa dạng của nhiều nhóm đối tượng khách hàng bên ngoài.

Theo lựa chọn này, CTTC sẽ tận dụng được lợi thế từ các cổ đông, nhóm cổ đông. Tuy nhiên sự hỗ trợ từ phía TĐ mẹ cũng sẽ giảm tương ứng. Từ đó, để tồn tại và phát triển, các CTTC phải thay đổi theo hướng đa dạng hóa hoạt động, sản phẩm dịch vụ, nâng cao năng lực quản trị. Giải pháp này buộc các CTTC sẽ ngày càng đại chúng; hoạt động, sản phẩm dịch vụ đa dạng, hiệu quả và cạnh tranh.

Phương án thứ hai: CTTC chuyển đổi mô hình hoạt động. Trong phương án này, CTTC có thể sáp nhập với một NHTM. Đây là giải pháp phù hợp với CTTC có quy mô nhỏ. Ngoài ra, CTTC cũng có thể hợp nhất với ngân hàng trở thành một tổ chức mới. Đây là giải pháp phù hợp với công ty tài chính có quy mô tài sản lớn.

Sau khi sáp nhập, tổ chức mới sẽ mang những lợi thế về năng lực tài chính (từ phía CTTC) và về mạng lưới, hệ thống công nghệ, sản phẩm dịch vụ, khách hàng (từ phía ngân hàng).

Theo Đầu tư Tài chính

Đọc thêm