Covid-19 tác động đến phụ nữ Việt Nam thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo bà Nguyễn Hồng Hà, đại diện lâm thời Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới phụ nữ ở Việt Nam và tạo thêm khoảng cách về giới trên thị trường lao động...
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Đại sứ quán Australia phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) mới phối hợp công bố Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên có một báo cáo tổng quát về bình đẳng giới được thực hiện ở Việt Nam.

Tại buổi công bố Báo cáo, bà Nguyễn Hồng Hà cho rằng, đại dịch COVID-19 đã tác động nặng nề tới phụ nữ ở Việt Nam và tạo thêm khoảng cách về giới trên thị trường lao động. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ giảm sâu hơn so với nam giới, khiến chênh lệch theo giới tăng nhẹ lên 10,8%.

Báo cáo Tổng quan về Bình đẳng giới ở Việt Nam năm 2021 áp dụng lăng kính rộng hơn về bình đăng giới, bao gồm bản dạng giới và xu hướng tính dục, nhấn mạnh các vấn đề mang tính liên tầng như dân tộc, tình trạng khuyết tật, độ tuổi…, nên được xem là nguồn bằng chứng đáng tin cậy để định hướng các ưu tiên về nguồn tài chính, xây dựng chương trình và vận động chính sách nhằm thúc đẩy các kết quả và khắc phục những rào cản đối với bình đẳng giới ở Việt Nam. Báo cáo được kỳ vọng sẽ góp phần giúp Việt Nam giám sát các chỉ tiêu liên quan đến bình đẳng giới trong các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên Hợp Quốc.

“Vào thời điểm hiện nay, khi Việt Nam đang trong quá trình phục hồi từ đại dịch COVID-19, đây chính là cơ hội để xây dựng một tương lai công bằng hơn cách đưa bình đẳng giới làm cốt lõi của các nỗ lực phục hồi và thực hiện các chiến lược đáp ứng giới", bà Nguyễn Hồng Hà nhấn mạnh.

Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới

Ngày 23/10/2021, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã ký Quyết định số 1790/QĐ-TTg, ngày 23/10/2021, phê duyệt Chương trình Truyền thông về bình đẳng giới đến năm 2030. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình truyền thông riêng về bình đẳng giới với tầm nhìn đến năm 2030. Theo đó, chương trình đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nhận thức về bình đẳng giới của các nhóm đối tượng trong cộng đồng tăng từ 10 - 15% so với năm 2025; đến năm 2025 đạt ít nhất 70% cơ quan truyền thông áp dụng thí điểm và đến năm 2030 đạt 90% cơ quan truyền thông chính thức áp dụng Bộ chỉ số về giới trong truyền thông; đến năm 2025 đạt 95% và đến năm 2030 đạt 100% các hương ước, quy ước của cộng đồng đã được thông qua không có sự phân biệt đối xử về giới…

Đọc thêm