CPI năm 2021 tăng 1,84%, mức tăng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Theo báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 giảm 0,18% so với tháng trước. Lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nguyên nhân được chỉ ra là do tình hình giá xăng dầu, giá gas trong tháng 12 giảm theo giá nhiên liệu thế giới; dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi cả nước; học phí học kỳ I năm học 2021-2022 tiếp tục được miễn, giảm tại một số địa phương. Bình quân năm 2021, CPI tăng 1,84% so với năm trước - mức tăng thấp nhất kể từ năm 2016.

4 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm và 7 nhóm có chỉ số giá tăng. Trong đó nhóm giao thông có mức giảm nhiều nhất với 1,71%; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép có mức tăng cao nhất với 0,22%.

Đáng chú ý, lạm phát cơ bản 12 tháng tăng 0,81%. Lạm phát cơ bản bình quân năm 2021 tăng 0,81% so với bình quân năm 2020. Chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nguyên nhiên vật liệu dùng cho sản xuất, chỉ số giá xuất khẩu và nhập khẩu năm 2021 tăng so với năm trước.

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 12, quý IV và bình quân các năm giai đoạn 2017-2021 (%) (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Tốc độ tăng/giảm CPI của tháng 12, quý IV và bình quân các năm giai đoạn 2017-2021 (%) (Nguồn: Tổng cục Thống kê).

Theo Tổng cục Thống kê, tỷ giá thương mại hàng hóa năm 2021 giảm 2,49% so với năm 2020, phản ánh giá xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài không thuận lợi so với giá nhập khẩu hàng hóa từ nước ngoài về Việt Nam.

Ngoài ra, cũng theo Tổng cục Thống kê, giá vàng trong nước biến động trái chiều với giá vàng thế giới. Bình quân giá vàng thế giới đến ngày 25/12/2021 giảm 1,8% so với tháng 11/2021 do đồng đô la và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng theo kỳ vọng lãi suất Mỹ năm sau tăng lên.

Ngược lại, ở trong nước, chỉ số giá vàng tháng 12/2021 tăng 0,25% so với tháng trước; tăng 1% so với tháng 12-2020 và bình quân cả năm tăng 8,67% so với năm trước.

Theo Tổng cục Thống kê, giá nhiều mặt hàng tăng mạnh so với năm 2020, lạm phát gia tăng nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đại dịch đã gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu làm tăng giá nguyên liệu sản xuất là thách thức không nhỏ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các quốc gia.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp đồng bộ để ngăn chặn dịch bệnh và ổn định giá cả thị trường.