"Cụ Rùa yếu quá rồi...!"

Theo ghi chép của PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ  đạo khẩn cấp bảo vệ  Rùa Hồ Gươm, liên tục trong 18 ngày từ  đầu tháng 2 đến nay, cụ  Rùa đã nổi tới 28 lần, có lúc kéo dài rất lâu.

Theo ghi chép của PGS-TS Hà Đình Đức, thành viên Ban chỉ  đạo khẩn cấp bảo vệ  Rùa Hồ Gươm, liên tục trong 18 ngày từ  đầu tháng 2 đến nay, cụ  Rùa đã nổi tới 28 lần, có lúc kéo dài rất lâu. Những thống kê này cho thấy hàng loạt dấu hiệu bất thường liên quan đến sức khỏe và các vết thương trên mình cụ Rùa. Ông Đức khẳng định, công tác cứu chữa cho cụ Rùa đã trở nên cực kỳ cấp thiết. Người dân quan tâm đến tình trạng sức khỏe của cụ thì phán đoán có lẽ cụ ngoi lên nhiều là để kêu cứu. Nếu để chậm hơn nữa có thể cụ sẽ rơi vào tình trạng nguy kịch. TS Bùi Quang Tề, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản cho rằng, cụ đã bị lở loét ở dọc phần giữa mai lưng, cũng có thể do đang mắc bệnh viêm phổi do vi khuẩn nên cụ Rùa không thể ở dưới nước lâu mà thường xuyên phải nổi lên để hô hấp. Nước quá bẩn càng khiến vết thương xấu thêm.
Cụ Rùa lại nổi lên trong ngày 21-2 (Ảnh Hoàng Long)
Cụ Rùa lại nổi lên trong ngày 21-2 (Ảnh Hoàng Long)
Xẩm tối ngày 20-2, cụ Rùa tiếp tục nổi lên mạn hồ Gươm giáp bãi đỗ xe ôtô đường Đinh Tiên Hoàng, khi đó trời lạnh và không có nắng. Điều đó chứng tỏ Cụ Rùa nổi không phải nổi lên để sưởi nắng như một số người nhận định. Từ Tết Nguyên đán đến nay, cụ Rùa hầu như ngày nào cũng nổi, thậm chí có ngày cụ nổi đến 2 lần, mỗi lần kéo dài hàng tiếng đồng hồ. 9h30 phút sáng nay, ngày 21-2 cụ Rùa lại nổi liên tục đến tận trưa mới lặn. Nhìn cụ rùa nổi lên mặt nước thở với dáng vẻ mệt mỏi, chậm chạp cùng những vết loét rộng dọc mai và vai, nhiều người dân Hà Nội đã thốt lên xót xa: Cụ yếu quá rồi. Bà Trần Thị  Quý, 55 tuổi ở 35 Hàng Đồng, Hà Nội  đã khóc nấc lên khi gọi cho phóng viên Báo Đại Đoàn kết: Cháu ơi, đến nhanh mà chụp ảnh cụ Rùa, nhìn cụ ngoi lên, lặn xuống mệt mỏi lắm. Bà Quý cũng cho hay vì quá lo lắng cho sức khoẻ của cụ Rùa và bức xúc bởi các cơ quan ban ngành của Thủ đô chưa có biện pháp hữu hiệu cứu chữa cho cụ Rùa, bà đã tìm cách gọi điện thoại cho Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Thảo nhưng không được. Bà lại được người ta cung cấp một số điện thoại của một cán bộ thành phố, nghe nói vị này được phân công theo dõi về cụ Rùa. Thấy bà Quý khẩn thiết “kêu” thay cụ Rùa, vị này “nhiệt tình” cung cấp cho một số điện thoại khác. Kiên trì gọi theo số máy được cho, bà Quý nhận được lời hứa “2 giờ chiều chúng tôi sẽ có mặt ở Hồ Gươm để khảo sát tình hình”. Đến chiều, bà Quý và hàng ngàn người dân lo lắng theo dõi từng biến động của cụ Rùa không thấy đoàn kiểm tra xuất hiện như đã hứa. Ai đó thở dài: Chắc tiếng kêu của cụ không thấu! 16h chiều ngày 21-2, cụ  Rùa lại chậm chạp nổi lên phía nhà hàng Thủy Tạ. Trong khi đó được biết tại UBND Thành phố Hà Nội, những người có trách nhiệm đang họp bàn về cách cứu cụ Rùa ( rất nhiều phóng viên báo chí không được tham dự để đưa tin). Không biết kết luận ra sao. Nhưng ngoài bờ hồ, chật kín người dân Thủ đô và rất nhiều người nước ngoài đang lo lắng theo dõi sức khỏe của cụ. Nhiều người ngậm ngùi, xót xa thốt lên: Để báu vật linh thiêng này mất đi là có lỗi với tổ tiên. Không biết các vị lãnh đạo thành phố có nghe thấy không?
Theo Tâm Như
Đại Đoàn Kết

Đọc thêm