"Cử tri có quyền bầu cũng phải có quyền bãi miễn ĐBQH"

Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TPHCM) góp ý, ở khoản 2, Điều 7 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, về phát huy dân chủ, Hiến pháp cần khẳng định rõ, cử tri có quyền bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội thì cũng có quyền bỏ phiếu bãi miễn Đại biểu Quốc hội khi Đại biểu đó không xứng đáng.

[links()]Ủy ban MTTQ TP HCM hôm qua tổ chức hội nghị lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992. Các đại biểu cho rằng, Hiến pháp cần tập trung hơn nữa vào việc phát huy dân chủ, quyền công dân, củng cố sức mạnh của cả hệ thống từ lãnh đạo đến nhân dân, từ tổ chức đến cá nhân…

Luật sư Trương Thị Hòa (đoàn Luật sư TPHCM) góp ý, ở khoản 2, Điều 7 về phát huy dân chủ, Hiến pháp cần khẳng định rõ, cử tri có quyền bỏ phiếu bầu Đại biểu Quốc hội thì cũng có quyền bỏ phiếu bãi miễn Đại biểu Quốc hội khi Đại biểu đó không xứng đáng.

Luật sư Trương Thị Hòa nêu ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992
Luật sư Trương Thị Hòa nêu ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992

“Lâu nay nhiều ý kiến cho rằng, làm như vậy sẽ tốn kém nhưng theo tôi đó là quyền của công dân mà quyền thì phải được đảm bảo thực hiện” – bà Hòa nói. Ngoài ra ở đoạn kết của lời mở đầu Hiến pháp cần khẳng định ngay từ đầu mục tiêu của chúng ta “hết lòng vì độc lập dân tộc”. Khẳng định chủ quyền quốc gia bao gồm toàn vẹn lãnh thổ, các hải đảo chưa đủ mà phải cụ thể hóa “đáy biển, lòng đất”.

Đại biểu Đặng Văn Khoa, Uỷ viên Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, chủ tịch hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường TPHCM góp ý: Về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân phải đảm bảo, không được giới hạn một cách tùy tiện, cắt xén bởi những cấp, ngành một cách chủ quan tùy tiện.

Theo đại biểu Khoa, những câu như “Theo quy định của pháp luật” nên được sửa bằng “Theo quy định của luật” bởi “luật” do Quốc hội ban hành, còn “pháp luật” có thể do UBND quận, huyện, HĐND ban hành…Đặc biệt tại Điều 30 nói: Công dân có quyền biểu quyết khi nhà nước tổ chức. Câu này nghe có nghĩa nhưng thừa vì khi Nhà nước tổ chức thì công dân biểu quyết là đương nhiên cho nên phải đổi thành “phúc quyết”, thể hiện thế chủ động của người dân.

GS.TS Trần Đông A - Anh hùng Lao động, thầy thuốc nhân dân, nguyên đại biểu Quốc hội - cho rằng, Dự thảo Hiến pháp 1992 là phù hợp với bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, vấn đề đáng quan tâm là “Đoàn kết dân tộc, sức mạnh của Việt Nam là sức mạnh của hệ thống” nhưng hiện nay, biến chất, tham nhũng đang là vấn nạn nhức nhối; lợi ích nhóm chính là nguyên nhân hạn chế dân chủ. Vì thế nên đưa vấn đề phản biện vào Hiến pháp, cần có luật về giám sát và phản biện xã hội để nhân dân, ủy viên Mặt trận các cấp đều giám sát được mọi cơ quan, cán bộ.

Các đại biểu còn góp ý các nội dung chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ tổ quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực hiến pháp và quy trình sửa đổi hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của hiến pháp. Nhìn chung các ý kiến đánh giá cao bản Dự thảo Hiến pháp 1992, đáp ứng được yêu cầu tình hình chung.

Lam Sơn 

Đọc thêm