Cụm công nghiệp bị “khai tử” thành khu đô thị

Bằng quyết định 3491, có thể nói chính quyền TP. Cần Thơ đã “khai tử một phần” những nỗ lực của các lãnh đạo tiền nhiệm trong việc cố gắng tìm cách tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của địa phương.

Bằng quyết định 3491, có thể nói chính quyền TP. Cần Thơ đã “khai tử một phần” những nỗ lực của các lãnh đạo tiền nhiệm trong việc cố gắng tìm cách tạo mặt bằng sản xuất kinh doanh cho lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) của địa phương.

Đại diện HUD tham dự một cuộc họp căng thẳng với các hộ dân và DN do UBND phường An Bình tổ chức

Người “mất” đất xót xa

Ngày 15/12/2010, UBND TP. Cần Thơ ký quyết định số 3491/QĐ-UBND về việc  phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án Khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ quốc lộ 91B đến đường Cái Sơn-Hàng Bàng), phường An Bình, quận Ninh Kiều, theo đó, giao Tập đoàn đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) - Bộ Xây dựng - làm chủ đầu tư.  Dự án có diện tích chiếm đất 20,97ha, nằm trong diện tích 38,2ha đã từng được UBND tỉnh Cần Thơ quy hoạch chi tiết 1/500 xây dựng Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng, nêu tại quyết định số 46/2002/QĐ-UB ngày 1/4/2002.

Ông Tăng Hồng, chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Cơ khí Sông Hậu nhớ lại: Tôi vừa kết thúc 14 năm làm đại biểu HĐND hai cấp (thành phố và tỉnh, rồi quận và thành phố) nhưng vẫn còn “vương nợ” câu chuyện mặt bằng sản xuất cho DNNVV. Ông Lê Nam Giới (nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy) đảm nhiệm chức vụ Bí thư Thành ủy Cần Thơ cũ, đã rất trăn trở chuyện mặt bằng sản xuất cho DNNVV, rồi kéo tôi vào cùng lo việc này.

Tiếc rằng, câu chuyện chưa được đẩy đến đến đích, DN nào hưởng ứng chủ trương quy hoạch phải tự thương lượng mua đất của dân, tự tạo mặt bằng và nhà xưởng sản xuất trên giấy đỏ là đất ruộng, đất vườn chứ không được chuyển đổi mục đích sử dụng sang đất chuyên dùng, như chủ trương của chính quyền…

Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng bị… “treo lơ lửng” từ giữa năm 2007. Hàng chục DN đã lỡ “phóng lao” chọn nơi đây để “cắm dùi” rơi vào tình thế “đi cũng dở, ở không xong”.

Giờ đây, câu chuyện về Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng gần như chỉ còn lại là một kỷ niệm để nhắc nhớ về tư duy “quy hoạch chỉ để…quy hoạch”, hậu quả của “việc nói không đi đôi với làm”. Vào thời điểm giữa năm 2010, một Phó chủ tịch UBND TP. Cần Thơ còn tuyên bố: Quy hoạch Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng “không còn phù hợp với Cần Thơ đô thị loại I trực thuộc Trung ương”, và rằng “do tầm nhìn quy hoạch quá ngắn nên phải điều chỉnh”…

Có lẽ đó cũng là “cái lý” để UBND thành phố này ký quyết định 3491 nói trên “mở thêm” dự án khu đô thị mới, bất chấp tình trạng đang dư thừa và không biết đến bao giờ mới lấp đầy các khu dân cư, khu đô thị hiện hữu từ nhiều năm qua.

Người “được” đất không mặn mà?

Tình trạng “bội thực” khu đô thị tại Cần Thơ là điều ai cũng có thể cảm nhận. Chỉ riêng khu đô thị Nam sông Cần Thơ đã có tới hơn chục dự án với tổng diện tích xấp xỉ 2.000 ha. Những “đô thị cỏ dại” kéo dài, không chỉ gây mất mĩ quan thành phố mà  còn lãng phí không biết bao tài nguyên đất đai.

Triển khai thêm dự án khu đô thị đường Nguyễn Văn Cừ,  chiếm đất thêm 20,97ha, quyết định của TP.Cần Thơ đã khiến hơn 60 DN và hơn 200 hộ dân cư nơi đây “đứng ngồi không yên” vì mất tư liệu, mặt bằng sản xuất. Liên tục từ gần 1 năm nay, hơn 30 DN tọa lạc tại “vùng lõi” của Trung tâm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Cái Sơn-Hàng Bàng đã “kêu cứu” khắp các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương, nhưng chỉ nhận được những lời giải thích, trấn an… chung chung.

Trong khi đó, mãi đến ngày 07/11/2011, mới có một cuộc họp do ông Nguyễn Văn Kết - Phó chủ tịch UBND quận Ninh Kiều - chủ trì với đại diện chủ đầu tư, Trung tâm Phát triển Quỹ đất thành phố, Phòng TN-MT quận, cùng 22 cán bộ, nhân viên các ngành hữu quan và… 02 đại diện của DN, hộ dân.

Tại cuộc họp, chủ đầu tư công bố dự thảo Phương án tổng thể (PATT) về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái định cư dự án với tổng kinh phí 309,313 tỷ đồng và mạnh dạn tuyên bố sẽ “chi trả bồi thường trước Tết Nguyên đán” dù chưa thực hiện việc cắm mốc giới. Tuyên bố thì tuyên bố vậy, nhưng nhiều người thấy rằng, HUD khó lòng mà thực hiện cho đúng cam kết.

Một nguồn tin còn cho biết, thật ra HUD cũng không mấy mặn mà khi được TP. Cần Thơ giao đất vào vị trí này, nếu đụng vào “vùng lõi” của khu vực được quy hoạch - nơi có hơn 30 DN, cơ sở sản xuất đang hoạt động ổn định - thì giá trị bồi thường thiệt hại, hỗ trợ và tái bố trí cho mỗi 1.000m2 đất đã xây dựng hạ tầng, nhà xưởng, kho bãi… sẽ là “nhiều tỷ đồng, chứ không chỉ là 400-500 triệu đồng, như đơn giá mà HUD đưa ra”.

Thanh Lâm

Đọc thêm