Cúng Rằm tháng 7 năm nay tốt nhất ngày nào?

0:00 / 0:00
0:00

(PLVN) - Theo quan niệm dân gian, thông thường, lễ cũng Rằm tháng 7 từ ngày 10 đến 15 tháng 7 Âm lịch và tùy từng năm, có thể lựa chọn ngày được cho là tốt nhất. Năm nay, ngày tốt nhất được cho là chính Rằm...

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tháng 7 âm lịch năm 2024 kéo dài từ ngày 4/8 (mùng 1) đến hết ngày 2/9 (30/7 âm lịch). Rằm tháng 7 là một trong những dịp quan trọng, còn được biết đến với tên gọi là lễ Vu Lan hay lễ Xá tội vong nhân.

Theo chuyên gia phong thủy, năm nay, ngày chính Rằm (tức 18/8 dương lịch) được coi là ngày đẹp nhất. Ngày này có những khoảng thời gian gia chủ có thể chọn để dâng lễ: 7h - 9h, 9h - 11h và 13h - 15h.

Một số ngày khác cũng được cho là đẹp, các gia đình chọn cho phù hợp với mình: Ngày 11/7 âm lịch (tức 14/8 dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h, 9h - 11h và 15h - 17h;

Ngày 12/7 âm lịch (tức 15/8 dương lịch), với các khung giờ: 7h - 9h và 13h - 15h;

Ngày 13/7 âm lịch (tức 16/8 dương lịch), với các khung giờ 5h - 7h và chiều từ 15h -17h, 17h - 19h. Đây là ngày Nhâm Tý, những tuổi Mão, Ngọ, Dậu và tuổi có năm sinh âm lịch tận cùng là số 6 như 1946, 1956, 1966, 1976, 1986, 1996, 2006, 2016 không thích hợp để cúng bái.

Tương tự, ngày 14/7 âm lịch (tức 17/8 dương lịch) sẽ ưu tiên các khung giờ: 5h - 7h, 9h - 11h và 15h-17h.

Bên cạnh lễ cúng gia tiên, nhiều gia đình còn bày mâm lễ cúng chúng sinh. Lễ cúng thường được thực hiện trong tháng 7, chuyên gia cho rằng khung giờ đẹp là 17h - 19h và nên hoàn thành lễ cúng trước 12h ngày 15/7 âm lịch.

Đồ lễ Rằm tháng 7

Để chuẩn bị đồ lễ cúng thần linh và gia tiên vào Rằm tháng 7, theo chuyên gia phong thủy, khi làm cơm, các gia đình nên lựa chọn thực đơn theo mùa cho tươi ngon. Thời điểm này tuy đã bước sang mùa thu nhưng tiết trời còn khá nóng, nên lựa chọn đồ ăn có vị mát, tính hàn.

Mâm cúng gia tiên thường là mâm cỗ mặn, có thể có các món như xôi, gà luộc, canh, cơm, cá kho…

Theo quan niệm dân gian, mâm cúng chúng sinh hay cô hồn chỉ nên chuẩn bị các món đồ chay để các "cô hồn" không phát sinh lòng tham. Một mâm lễ cúng "cô hồn" điển hình gồm có:

+ Muối gạo 1 đĩa dùng để rắc ra vỉa hè ngã ba ngã tư đường hoặc sân trước nhà về bốn phương tám hướng sau khi cúng xong.

+ Cháo trắng nấu loãng

+ 12 cục đường thẻ.

+ Hoa quả mua 5 loại 5 màu

+ Giấy áo, giấy tiền vàng bạc.

+ Bắp rang, khoai lang, ngô, sắn luộc...

+ Mía chặt từng khúc nhỏ

+ Bánh, kẹo, tiền mặt loại mệnh giá thấp

+ Nước: 3 ly nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

+ Quần áo chúng sinh.

Lễ cúng chúng sinh sẽ bày và cúng ngoài trời hoặc trước cửa chính ngôi nhà. Gia chủ có thể đọc các bài văn cúng hoặc khấn nôm theo tâm nguyện. Kết thúc lễ "cô hồn", gạo, muối được vãi ra sân, đường, thủ tục hoàn tất khi hương còn đang cháy.

* Mọi thông tin trong bài mang tính tham khảo.

Đọc thêm