Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông đường thủy (C68 - Bộ Công an), trong 7 năm qua (từ 2003-2010), trên các tuyến đường thủy nội địa toàn quốc xảy ra gần 3.300 vụ phạm pháp trong đó có gần 1.400 vụ phạm pháp hình sự, gần 1.700 vụ về kinh tế. Tình hình tội phạm trên đường thủy hết sức phức tạp và có chiều hướng gia tăng.
Tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy từ nước ngoài vào Việt Nam bằng đường thủy vẫn luôn là yếu tố tiềm ẩn cao. Khi bị các lực lượng chức năng kiểm soát chặt các con đường trên bộ và đường hàng không thì có xu hướng các đối tượng tăng cường vận chuyển ma túy trên đường thủy. Thậm chí chúng sử dụng cả container để cất giấu và vận chuyển ma túy trên tàu thủy với số lượng lớn vào nước ta tiêu thụ hoặc trung chuyển đi nước thứ ba. Điển hình là vụ, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy - Bộ Công an, Cục Cảnh sát biển phối hợp với lực lượng chức năng của Hải Phòng và Quảng Ninh phát hiện lô hàng có biểu hiện nghi ngờ gồm hai container đăng ký mặt hàng là quần bò được cập cảng Hải Phòng từ Pakistan trước khi tái xuất đi Trung Quốc, Canada. Chuyến hàng này được các lực lượng chức năng vận chuyển có kiểm soát từ cảng Chùa Vẽ, Hải Phòng ra Móng Cái, Quảng Ninh. Tại đây, lô hàng được kiểm tra và một trong hai container được phát hiện chứa đầy cần sa với lượng ma túy khổng lồ có khối lượng 8,8 tấn.
|
Các bánh cần sa được ngụy trang quần bò xung quanh, sau đó xếp chặt vào 2 container chở dưới dạng mặt hàng quần bò vận chuyển bằng đường biển. Số ma túy trên được chế dưới dạng mủ cần sa, được giấu trong 400 thùng các tông. Chúng được chia làm 2 loại, một loại đóng thành 1,1kg một bánh và một loại được đóng thành 2,2kg một bánh. Các bánh đều được bọc bằng túi nilon màu đỏ và bên ngoài ghi nhiều dòng chữ bằng tiếng Latin. Số ma túy có giá trị ước tính lên tới 170 triệu USD và là số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay phát hiện ở Việt Nam…
Tội phạm về kinh tế diễn ra phức tạp trên các tuyến biển và hầu hết các tuyến sông, kênh rạch trên toàn quốc. Đặc biệt là tình hình nhập lậu thuốc lá ngoại, vật liệu xây dựng, quần áo, vải các loại, đồ chơi trẻ em… do Trung Quốc sản xuất và xuất khẩu than đá, khoáng sản, lâm sản, động vật hoang dã, quý hiếm sang Trung Quốc trên các tuyến biển giáp Trung Quốc tại Hải Phòng, Quảng Ninh và các tỉnh Bắc Trung bộ; buôn lậu thuốc lá ngoại, xăng dầu, hàng điện tử, điện lạnh, hàng gia dụng… trên tuyến biển từ TP.HCM, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, trên các tuyến sông, kênh từ Campuchia về TP.HCM và các tỉnh Tây Nam Bộ (chiếm hơn 96% số vụ buôn lậu được phát hiện trên đường thủy toàn quốc). Ngoài ra, là tình trạng khai thác cát trái phép, kinh doanh xăng dầu, làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức, trong đó phổ biến là làm giả bằng thuyền trưởng, máy trưởng như đã xảy ra ở một số tỉnh phía Nam.
Tình hình phức tạp nhất trên đường thủy là tình hình tội phạm hình sự, trong đó nổi lên là hoạt động của bọn tội phạm cướp, cưỡng đoạt tài sản trên tuyến biển Quảng Ninh, Cà Mau, Kiên Giang và một số tuyến sông ở các tỉnh miền Bắc. Bọn tội phạm trộm cắp cũng hoành hành trên hầu hết các tuyến đường thủy nhưng tập trung chủ yếu là tại các tỉnh Nam Bộ (chiếm tới 84% tổng số vụ). Phát hiện nhiều vụ mua bán, tàng trữ trái phép chất nổ để đánh bắt, khai thác thủy hải sản trái phép trên tuyến biển miền Trung. Đáng lo ngại là tình trạng lợi dụng đường thủy để đánh bạc quy mô lớn đã xảy ra ở các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Phú Thọ, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, TP.HCM, Bến Tre…
Điển hình là vụ Công an tỉnh Hải Dương đã bắt quả tang vụ đánh bạc lớn trong một chiếc tàu vỏ xi măng lưới thép không biển kiểm soát đang neo đậu trên sông Thái Bình địa phận xã Nhân Huệ, huyện Chí Linh. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã bắt giữ 18 đối tượng là con bạc cư trú ở nhiều địa phương như Hải Dương, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Phòng, thu giữ 28 triệu đồng.
Ngoài ra phải kể đến vụ tàu cánh ngầm BIM của Công ty TNHH Mũi Ngọc, tỉnh Quảng Ninh bị bọn tội phạm đặt 31,5kg thuốc nổ nhằm mục đích đe dọa tống tiền; vụ các đối tượng khai thác cát trái phép trên sông Thương thuộc địa bàn huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang dùng vũ khí chống trả lực lượng CSGT đường thủy thuộc công an tỉnh làm một đồng chí CSGT hy sinh; vụ 3 đối tượng dùng súng bắn chết 6 người và làm bị thương 1 người xảy ra ở cảng Làng Khánh, TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh; Vụ băng nhóm khai thác cát trái phép tấn công người dân trên sông Mã, đoạn thuộc địa phận xã Thiệu Thịnh, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, làm chết 3 người, 6 người bị thương nặng…
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, lực lượng Công an trong đó có lực lượng CSGT đường thủy và các lực lượng chức năng đã có nhiều biện pháp phòng ngừa và trấn áp quyết liệt tội phạm hoạt động trên các tuyến đường thủy. Tuy nhiên, tình hình vẫn diễn biến phức tạp khi bọn tội phạm gia tăng hoạt động và ngày càng manh động với nhiều thủ đoạn tinh vi, nguy hiểm hơn. Do vậy, cuộc chiến giữ bình yên cho các tuyến sông nước sẽ còn nhiều cam go, thử thách.
Nguồn: Báo An ninh Thủ đô