"Cuộc chiến" đỗ ô tô

Chưa bao giờ, việc tìm kiếm một chỗ đỗ xe ô tô tại Hà Nội lại nan giải như hiện nay. Nhiều chủ xe chen nhau để được vào chỗ đỗ hợp pháp, số còn lại nơm nớp lo bị xử phạt

Chưa bao giờ, việc tìm kiếm một chỗ đỗ xe ô tô tại Hà Nội lại nan giải như hiện nay. Nhiều chủ xe chen nhau để được vào chỗ đỗ hợp pháp, số còn lại nơm nớp lo bị xử phạt. Và không ít trường hợp không dám đi ô tô đến công sở.

Nhà giàu đã khóc!

Bãi đỗ xe trên phố Đinh Tiên Hoàng dọc bờ hồ Hoàn Kiếm vào 14h chiều 24-5 đã không còn trống một chỗ đỗ ô tô. Trên vỉa hè, hàng trăm xe máy ken đặc. Phần đường dành đỗ ô tô các xe đã nêm cứng. Anh Toàn (ở Hàng Bột) đã nhận được một lời từ chối khéo. Vậy là anh đã phải tìm chỗ đỗ xe mãi tận đê Trần Quang Khải sau đó đi xe ôm về cơ quan tại phố Lương Văn Can. 

Trước đó, khi đi khảo sát một số điểm trông giữ xe như Ngọc Khánh, Trần Nhật Duật và một số điểm khu vực Hoàn Kiếm, câu hỏi đầu tiên mà các nhân viên trông xe hỏi là: “Anh gửi bao lâu?”. Nếu nói “gửi lâu” chắc chắn bị từ chối. Tại điểm đỗ Trần Nhật Duật, sau khi trình bày lý do, xe của tôi được sắp vào một vị trí gần như là còn trống duy nhất.
Mô tả ảnh.

Đối phó với tình trạng kẹt chỗ đỗ, nhiều người có ô tô nghĩ ra cách đi làm bằng ô tô, đỗ trước cơ quan. Sau đó trong giờ làm việc đi đâu thì đi taxi, xe ôm. Hoặc dự phòng thêm một con xe máy với mũ bảo hiểm đầy đủ.

Anh Nguyễn Mạnh H, công tác tại phố Hàng Chuối luôn chọn phương án này. “Đi ô tô để đưa, đón con đi học. Còn đến cơ quan rồi nếu đi xe tiếp là mất ngay chỗ đỗ. Hơn thế nếu đỗ loạng quạng còn bị phạt nặng. Phương châm là xe máy, ô tô phối kết hợp”- Anh H. phân bua.

Tình hình đỗ xe thêm ngột ngạt khi các cơ quan chức năng của Hà Nội thực thi Nghị định 34. Theo đó, một trong bảy lỗi được ưu tiên xử phạt là lỗi đỗ, dừng xe trái phép. Trong một tuần ra quân, hàng trăm ô tô bị xử lý nặng thậm chí bị cẩu, nhốt. Điều này đã tăng thêm sức ép cho các chủ xe.

Cơ quan tôi có khoảng 20 ô tô riêng, trước kia đa số vẫn đi xe đến cơ quan. Nay xử phạt nặng, hầu hết xe chỉ để ở nhà”- anh Lê Xuân Tr. (trụ sở ở phố Bà Triệu) chia sẻ.

Theo quan sát của chúng tôi, trên phố Bà Triệu, Hai Bà Trưng dường như không còn một điểm đỗ ô tô nào được cấp phép. Cả tuyến phố dài với hàng chục trụ sở các cơ quan, các siêu thị, cửa hàng kinh doanh nhưng cũng không có điểm đỗ nào. Điều đó gây bức xúc rất lớn cho chủ xe mỗi khi có việc tại phố này. 

Đại diện sở GTVT Hà Nội cũng cho biết, các tuyến phố huyết mạch như: Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt, hiện chỉ cấp phép đỗ xe ô tô một bên đường. Như vậy có nghĩa là, trong khi nhu cầu đỗ xe tăng, thì chỗ đỗ giảm đi một nửa. Sức ép về chỗ đỗ xe vì thế tăng lên gấp bội.

30 xe giành nhau một điểm đỗ

Hiện đơn vị chủ lực đảm nhiệm đỗ xe cho thành phố là Cty khai thác điểm đỗ xe Hà Nội cũng chỉ được quản 159 điểm đỗ xe, diện tích 23,8ha. Với diện tích như vậy, các điểm đỗ xe mới đạt 0,45% quỹ đất xây dựng đô thị dành cho giao thông tĩnh. Theo Cty này, trong số các điểm đỗ xe chỉ có 6 điểm là được quy hoạch gồm: Bãi Ngọc Khánh, Dịch Vọng, Gia Thụy Nam Thăng Long, Mỹ Đình 1 và 2 với diện tích 14,4 ha, sức chứa khoảng 2.500 xe. 
Điều đáng nói là hầu hết các điểm đỗ ô tô của Hà Nội trông cậy chính vào các con đường. Các bãi xe dã chiến trên đường đảm nhiệm 7.500 xe. Đại diện Cty khai thác điểm đỗ xe cũng thừa nhận có một nghịch lý là trong lúc Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng mật độ phương tiện tham gia giao thông chiếm đến 50% toàn thành phố thì diện tích đỗ xe lại thấp nhất thành phố vì đất vàng không thể dành đỗ xe. Theo phòng CSGT- CATP Hà Nội tính đến hết tháng 4-2010, toàn thành phố có khoảng 310.000 xe ô tô, cộng với khoảng 50.000 xe ô tô ngoại tỉnh hoạt động tại thành phố nâng số ô tô thường xuyên tại Hà Nội vào khoảng 360.000 xe. Tuy nhiên, khả năng đáp ứng điểm đỗ chỉ khoảng 10.000 chỗ. Trong số đó phần nửa dành cho đỗ theo tháng và số dành cho đỗ luân chuyển trong ngày còn khoảng 5.000 chỗ đỗ. Theo các chuyên gia, nếu 50% số ô tô kể trên có nhu cầu đỗ, tức 180.000 chỗ đỗ mỗi ngày thì khả năng đáp ứng điểm đỗ chỉ đạt khoảng 3%. Tức là 33 xe ô tô phải giành nhau một chỗ đỗ xe hợp pháp. Xem ra “cuộc chiến đỗ xe” ngày càng khốc liệt.
Theo Phòng CSGT-CATP Hà Nội, sau 4 ngày thực hiện Nghị định 34, đơn vị này xử lý 5.560 trường hợp vi phạm, trong đó ô tô con và xe tải là 2.079 trường hợp, lỗi đi sai phần đường và dừng đỗ sai quy định là gần 400 trường hợp. Tổng số tiền phạt sau 4 ngày là hơn 1,5 tỷ đồng…
Câu hỏi đặt ra là vậy 97% xe còn lại đỗ ở đâu? Chúng sẽ đỗ ở những nơi không được đỗ, đỗ nhờ trong các cơ quan, trường học, bệnh viện. Một số lượng lớn không tìm được chỗ đỗ đành chạy rông trên đường tạo thêm áp lực ùn tắc giao thông. Ông Thạch Như Sĩ, Chánh Thanh tra Sở GTVT cho rằng, việc xử lý xe dừng đỗ trái phép mới nhằm giải quyết phần ngọn. Nhiều lái xe vì cực chẳng đã nên đành đỗ liều vì nhu cầu đỗ xe là có thật và cũng rất cấp bách. Là đơn vị trực tiếp xử lý các lỗi dừng, đỗ xe nhưng ông Sĩ đã đưa ra kiến nghị giải pháp: Thứ nhất nên rà soát và xem xét để có thể tổ chức đỗ xe lại trên các tuyến quan trọng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo... Kế đến, trong lúc thành phố chưa thể xây dựng được các điểm đỗ xe thì nên mạnh dạn trưng dụng một số diện tích công cộng phục vụ công tác này như: Dùng một phần sân Cung Hữu Nghị Hà Nội, Cung Thiếu nhi và một số cơ quan có diện tích rộng đảm bảo nhu cầu đỗ xe. Hơn thế, một số cơ quan trước kia được có thiết kế bãi đỗ xe ngầm song chuyển mục đích kinh doanh sẽ phải quay lại phục vụ đỗ xe... Có thể thấy, việc xử lý các vi phạm dừng đỗ ô tô là cần thiết, song việc tổ chức các bãi đỗ xe ngăn nắp, trật tự đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân cũng là việc đáng làm. Nếu chỉ lo xử phạt mà quên nhiệm vụ tổ chức, xây dựng mới các bãi đỗ xe xem ra hiệu quả thật khó bền.
TP Hồ Chí Minh: Đầu tư thu phí ô tô vào trung tâm theo phương thức BTO

Chiều 24-5, tại Sở GTVT TPHCM, Cty Cổ phần Tiên Phong – đơn vị được UBND thành phố chọn xây dựng đề án thu phí ô tô vào trung tâm thành phố đã báo cáo cuối kỳ phương án thu phí.

Theo đó, ô tô vào khu vực bao gồm toàn bộ phường Bến Thành, Bến Nghé, Phạm Ngũ Lão, Đa Kao và một phần địa bàn các phường Tân Định, Cô Giang, Cầu Kho (tất cả thuộc quận 1) sẽ bị thu phí với mức phí tùy thuộc vào mức độ ùn tắc giao thông của khu vực và sẽ do UBND TPHCM quyết định.

Việc triển khai phương án thu phí được đề xuất theo hình thức đầu tư BTO (nhà đầu tư bỏ vốn xây dựng rồi chuyển giao cho nhà nước, sau đó nhà nước giao lại cho nhà đầu tư theo hợp đồng). Cty Tiên Phong đề xuất sử dụng giải pháp công nghệ giao tiếp sóng ngắn (DSRC) và công nghệ nhận dạng biển số bằng hình ảnh (ANPR) tích hợp với hệ thống giám sát, xử phạt và các trung tâm điều khiển của các cơ quan chức năng.

Huy Thịnh

Theo
Phùng Sưởng
Tiền Phong

Đọc thêm