Cuộc chiến giành “phần bánh” thị trường bán lẻ Việt Nam

Tăng trưởng với tốc độ chóng mặt - gần 25%, thị trường bán lẻ việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn nhiều "ông lớn" trong ngành bán lẻ nước ngoài.

Cuộc chiến giành “phần bánh” thị trường bán lẻ Việt Nam ảnh 1
 

Tăng trưởng với tốc độ chóng mặt - gần 25%, thị trường bán lẻ việt Nam vẫn là mảnh đất màu mỡ hấp dẫn nhiều "ông lớn" trong ngành bán lẻ nước ngoài.

Một năm hứa hẹn cho doanh nghiệp nội…
 
Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) vừa tổ chức Diễn đàn "Toàn cảnh phân phối - bán lẻ Việt Nam năm 2011". TS Đinh Thị Mỹ Loan – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký AVR thẳng thắn: Các nhà bán lẻ Việt Nam luôn nhận thức  điểm yếu của mình, đặc biệt là tính chính nghiệp chưa cao, chưa thể “đọ sức” với các tập đoàn nước ngoài…

Tuy vậy, chặng đường 4 năm sau khi gia nhập WTO, ngành bán lẻ Việt Nam đã định vị được “thân thế” của mình, nằm trong top 15 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Các DN bán lẻ đã thực sự nỗ lực kết nối sản xuất với tiêu dùng, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và tích cực tham gia bình ổn thị trường…

Nói về kế hoạch cho năm mới, theo bà Loan, mục tiêu của  các DN bán lẻ trong nước là đoàn kết, sáng tạo và phát triển, phát huy lợi thế từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Có thể dự báo, trong năm nay, ngành bán lẻ sẽ có bước chuyển mình rõ nét. Tại các đô thị lớn, các đại siêu thị sẽ phát triển bùng nổ để rồi sẽ chậm dần vào các năm sau đó. Tại Hà Nội, đây cũng sẽ là năm các hình thức siêu thị nhỏ, hay việc kết hợp bán lẻ truyền thống và hiện đại sẽ phát triển mạnh, như chợ Cửa Nam, chợ Hàng Da, chợ Hôm, chợ Mơ….

Đặc biệt, các trung tâm mua sắm, cửa hàng bách hóa chuyên các sản phẩm trung – cao cấp cũng sẽ nở rộ đáp ứng nhu cầu đa dạng của người tiêu dùng. Mặt khác, kênh bán lẻ truyền thống cũng tiếp tục “tự làm mới mình”. Kênh bán lẻ qua mạng trực tuyến  cũng hứa hẹn sẽ gặt hái thành công. Tuy nhiên, hình thức mua sắm tại chợ hoặc các cửa hàng bán lẻ truyền thống vẫn chiếm tỷ trọng lớn đến năm 2015, do “thói quen và tâm lý của người Việt Nam không dễ gì thay đổi”.

Các “ông lớn” nước ngoài dự phần…

Báo cáo xếp hạng mới đây của AT Kearney - hãng tư vấn quản lý tại Mỹ, đã “đánh tụt” ngành bán lẻ Việt Nam từ vị trí số 1 năm 2008 xuống thứ 6 trong năm 2009 và “rớt” xuống thứ 14 trong năm 2010. Dù vậy, khó ngăn được các “ông lớn” ngành bán lẻ nước ngoài ngấp nghé đổ vào Việt Nam. Vẫn còn đó những sự rụt rè nhưng thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn luôn là mảnh đất màu mỡ…

Tranh giành vị trí dẫn đầu tại Việt Nam, hiện các hãng bán lẻ của Nhật Bản và Hàn Quốc đang ráo riết mở các trung tâm mua sắm lớn và các đại siêu thị mở cửa 24/24h. Siêu thị FamilyMart (Nhật Bản) - với sự hợp tác của Công ty Itochu và Tập đoàn Phú Thái – đã được thiết lập ở TP.Hồ Chí Minh; cũng tại thành phố này, hãng Lotte của Hàn Quốc đã mở hai siêu thị Lotte Mart… Bên cạnh đó, nhiều tập đoàn bán lẻ lớn nước ngoài cũng đang “khởi động” cho việc “đặt chân” vào thị trường…

Theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2010, doanh thu của ngành bán lẻ Việt Nam đã đạt 77,8 tỷ USD, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tăng 24,5%. Quy mô cũng như tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ Việt Nam vẫn liên tục tăng chóng mặt trong những năm qua. Cũng bởi vậy, dự báo cuộc chiến giành “phần bánh” giữa các doanh nghiệp nội, ngoại sẽ ngày càng gay gắt.

 
Theo Mai Hoa
PLVN

Đọc thêm