Cuộc chiến khó 'nhằn' với 'xe công là của ông'

(PLO) - Khác với cuộc chiến vỉa hè với đối tượng là những người lấn chiếm và hàng rong, cuộc chiến xe công chạm vào toàn “ông lớn” với mặc định là mình có đẳng cấp hơn người và nhất thiết phải thể hiện điều đó.

Sự bành trướng của xe công đã đến mức cần phải hạn chế lại càng sớm càng tốt. Bởi, chẳng những bành trướng về số lượng, sự sang trọng mà cả tiêu chuẩn, cách dùng, xe công vô hình trung đã biến thành xe tư, chẳng hạn, câu nói trở nên rất bình thường, lọt tai “xe riêng của đồng chí A”, phản ánh một thực trạng rõ ràng đó là xe công, trang bị cho đồng chí đó đi lại nhưng  nói là xe riêng thì ai cũng cho là hợp lý.

Vì thế, xe công được sử dụng như xe riêng là chuyện không phải bàn cãi. Ở đây có chuyện công – tư nhập nhằng, đó là vấn đề không thể chấp nhận trong quản lý nhà nước về tài sản.

Thực ra, tình trạng này những người quản lý đã nhìn thấy từ lâu và tìm cách chấn chỉnh nhưng đều thất bại trước sự bành trướng của xe công. Đã có những biện pháp để cấm dùng xe công vào việc riêng, định ra tiêu chuẩn xe công, chức danh nào được đưa đón, cụ thể hơn, cấp phó phải dùng chung xe, khoán tiền đi lại,... Song, tất cả các biện pháp đó đều không hiệu quả trước cái cười xòa “thứ trưởng mà đi xe ôm trông thế nào ấy”, “đến làm việc mà đi taxi không tiện”...

Thế rồi, thử nghiệm của Bộ Tài chính, nơi “nắm” đồng tiền, bát gạo quốc gia đã khoán xe cho cấp thứ trưởng và xem ra đã có kết quả ban đầu, đủ để làm gương.

Tiếp đó, Chính phủ kiến tạo đã chú ý đến các biện pháp quản lý xe công nhằm tránh lãng phí và hiệu quả hơn bằng các bước thực hiện bài bản. Chính quyền Thủ đô nói là làm, niêm phong một số xe công chờ thanh lý.

Những biện pháp đưa ra thiết thực hơn như “khoán” 6,5 triệu mỗi tháng cho chức danh được tiêu chuẩn dùng xe công đưa đón. Kỳ này, hứa hẹn sẽ thành công khi có sự chỉ đạo quyết liệt và cũng quyết liệt thi hành. Cái con số 40.000 xe công và mỗi năm bỏ vào đấy tiền bảo dưỡng, lái xe... đến 130.000 tỷ tiền ngân sách, ai nghe cũng xót xa (tất nhiên, trừ những người dùng xe công như xe riêng).

Khác với cuộc chiến vỉa hè với đối tượng là những người lấn chiếm và hàng rong, đụng chạm tới kế sinh nhai của họ, cuộc chiến xe công này chạm vào toàn “ông lớn” với mặc định là mình có đẳng cấp hơn người và nhất thiết phải thể hiện điều đó, trước hết là cái phương tiện đi lại. Thực tế đã chứng minh, chẳng những xe công thành xe riêng mà còn thay xe mới khi nhậm chức, vượt tiêu chuẩn cho phép, tài xế riêng, không chung đụng với ai, xài xe sang dưới danh nghĩa doanh nghiệp tặng, thậm chí sơn lại màu xe cho hợp, thay biển trắng bằng biển xanh.

Vậy nên, cái não trạng “xe công là xe ông” còn nặng nề lắm trong đầu óc của các vị được phục vụ. Trước hết, cần xóa bỏ não trạng này và cần hơn là những tấm gương từ các vị lãnh đạo, Trung ương cũng như địa phương để gỡ bỏ cái biểu tượng xe biển xanh đương nhiên là hưởng đặc quyền, đặc lợi. 

Đọc thêm