Cuộc săn lùng "Bông huệ nữ hoàng" bằng kim cương

Đạo diễn Nga trẻ tuổi Aleksandr Kott đã bị niềm say mê cuốn vào việc quay những thước phim trinh thám "Những kẻ săn lùng kim cương".

Đạo diễn Nga trẻ tuổi Aleksandr Kott đã bị niềm say mê cuốn vào việc quay những thước phim trinh thám "Những kẻ săn lùng kim cương".

Chỉ vừa hồi mùa xuân Aleksandr Kott đã cho ra mắt bộ phim lịch sử tầm cỡ "Pháo đài Brest", kể về chiến công của những người lính xô-viết trong những tháng năm Chiến tranh thế giới II. Họ đã là những người đầu tiên hứng lấy đòn tấn công khủng khiếp của bọn phát-xít Hitler khi chúng tấn công vào Liên bang Xô-viết, và hơn một tháng ròng đã giữ vững pháo đài ở biên cương miền Tây đất nước.

Bộ phim mới của Aleksandr Kott, dù là hoàn toàn khác về loại hình và nội dung, nhưng cũng dựa trên những sự kiện có thực. Năm 1980 đã xảy ra một vụ trộm trong căn hộ bà quả phụ của nhà văn xô-viết nổi tiếng Aleksei Tolstoy. Trong số những của quí và kỷ vật gia bảo bị đánh cắp, có món trang sức để cài áo "Bông huệ nữ hoàng", làm theo dạng bông hoa bằng vàng khảm những mảnh kim cương dẹt rất hiếm. Có không ít huyền thoại gắn với kiệt tác kim hoàn này. Thí dụ, chuyện kể rằng thoạt đầu đồ trang sức thuộc về nàng tùy nữ yêu quí của Nữ hoàng Pháp Marie Antoinette, còn đến thế kỷ XVIII thì chiếc ghim cài áo về nước Nga. Trị giá của bông huệ không dưới nửa triệu dollar.

...Việc điều tra vụ trộm láo xược được giao cho thanh tra viên Shakhov. Và thoạt tiên trong số những nghi phạm có phu nhân một nhà ngoại giao Pháp. Nhưng đó là những dấu vết giả. Mạch điều tra dẫn Shakhov đến phía hoàn toàn khác. Trả lời phỏng vấn của Đài "Tiếng nói nước Nga", đạo diễn Aleksandr Kott kể như sau:

"Hiện nay chúng tôi đang quay cảnh hiện trường vụ trộm trong tư gia quả phụ phu nhân Bá tước Aleksei Tolstoy.  Câu chuyện này đương thời đã làm chấn động cả Matxcơva, vì bà quả phụ của bá tước thuộc hàng có quyền bất khả xâm phạm. Vật quí bị đánh cắp là đồ kim cương, vốn trước đây từng được nhắc tới trong những vụ việc áp-phe mờ ám khác nhau. Trong công việc của mình, điều tra viên đã đi quá xa. Bóng đen ngờ vực trong vụ việc om xòm này đã phủ lên cả những lãnh đạo cao cấp nhất của đất nước, lên những bà vợ của họ, vì thế giới thượng lưu xô-viết bày ra đủ cách để ngăn cản việc phá án. Kịch tính của viên thanh tra là ở chỗ anh ta phải đứng trước lựa chọn: dừng lại, nhận sự cất nhắc thăng chức và sống sung sướng; hoặc là đi đến cùng chống lại hệ thống, chẳng khác nào tự đâm đầu vào cửa tử...Điều tra viên đã tuân theo cách xử sự nguyên tắc.

Qua tóm lược như thế, cũng có thể thấy không phải là ngẫu nhiên khi đạo diễn cho rằng "Những kẻ săn lùng kim cương" không chỉ là phim trinh thám, mà còn là câu chuyện về đạo đức của giới thượng tầng xô-viết.  Còn Shakhov không chỉ là điều tra viên mà còn là dũng sĩ đối mặt với một hệ thống Nhà nước mục ruỗng thối nát.

Một trong những vai chính trong phim, "trùm mafia kim cương" Boris Buryatshe do diễn viên thượng thặng Evgenhi Mironov đảm nhận. Hiển nhiên ông là nghệ sĩ của tầm diễn xuất hết sức rộng lớn, nhưng dù tính đến sở trường ưu thế bề dầy kinh nghiệm trong nghề nghiệp đó, vẫn khó hình dung  Mironov trong hình mẫu ông trùm Digan với biệt hiệu "Kim cương", là tình nhân của Galina Brezhneva (ái nữ của nhà lãnh đạo đất nước thuở ấy là ông Leonid Brezhnev)...Bộ tóc giả chải bóng mượt, mỗi ngón tay đều lấp lánh nhẫn kim cương to xụ, móng tay chau chuốt kỹ, con chó cảnh ôm trên lòng..."Tôi còn chưa bao giờ đóng những vai như thế. Tự dưng muốn quậy một lần", - Evgenhi Mironov cười vui.

"Tôi có được một tổng hợp hình mẫu nhân vật. Một gã trai bao, lợi dụng thế lực của Galina để gây bao chuyện biển thủ khác nhau, mà lại cứ dễ dàng biến hóa và công nhiên đến thế!  Nhưng rồi cũng chóng tàn như kiếp con bọ gậy mà thôi.   Hoạt cảnh đáng sợ nhất là người và mãnh thú, do tôi tự nghĩ ra: tôi sẽ diễn trong rạp xiếc cùng với một sư tử thực thụ".

Bí ẩn về vụ đánh cắp "Bông huệ nữ hoàng" cho đến nay vẫn  chưa được giải mã. Các chuyên viên e rằng sẽ chẳng bao giờ tìm thấy món nữ trang  đó, vì chiếc gim cài áo hình bông hoa có lẽ đã bị cắt ra và tẩu tán, đem bán rời từng phần.

Theo đài TNNN

Đọc thêm