Cuộc sống khốn khó của hai nghệ sỹ đường phố Sài gòn

Tết sắp đến gần, hai anh em Bảo Minh và Bảo Khang ngày siêng năng tập luyện những môn xiếc mới, tối đến lại rảo khắp các quán nhậu để xin từng tiếng vỗ tay của mọi người. Nhìn bóng dáng liêu xiêu, pha chút bụi đời của hai anh em “nghệ sĩ đường phố” Bảo Minh - Bảo Khang mới thấy hết được những gian nan, tủi cực của những người chuyên bám vỉa hè mưu sinh.

Với những tiết mục xiếc, ảo thuật điêu luyện, hai anh em Phạm Bảo Minh, 18 tuổi và Phạm Bảo Khang 12 tuổi (ngụ ở quận 7, TP.HCM) khiến người xem phải trầm trồ thán phục. Ít ai biết rằng sau những giây phút thăng hoa ấy, hai "nghệ sỹ" đó phải đối diện với cuộc sống vô cùng khốn khó.

Bảo Khang đang biểu diễn ở một quán nhậu tại đường bờ kè, Lê Văn Sỹ, quận 3.

“Nghệ sĩ” xuống đường

Mỗi khi màn đêm buông xuống, Bảo Minh lại cùng người em Bảo Khang của mình lại đi biểu diễn kiếm ăn. Hai anh em chia nhau mỗi người đi một hướng đến các quán nhậu để biểu diễn, đến khoảng 11 giờ đêm lại chở nhau về. Đồ nghề của hai anh em Bảo Minh chỉ gồm hai chiếc thùng gỗ. Nếu chăm chỉ “lội bộ” hàng đêm đến các quán nhậu thì mỗi đêm hai anh em Bảo Minh cũng kiếm được khoảng 500 nghìn đồng.

So về tay nghề thì Bảo Minh đã có hơn 5 năm trong nghề xiếc “Kung –fu”, còn Bảo Khang thì chỉ mới vào nghề được một năm nay. Tuy không nổi tiếng bằng những “nghệ sĩ đường phố” đàn anh khác nhưng được cái, anh em Bảo Minh rất siêng năng chạy show ở các đám cưới, hội chợ các tỉnh nên cuộc sống của anh em họ cũng đỡ vất vả và được xem là thu nhập chính trong gia đình.

Bảo Minh bật mí, thật ra Bảo Khang không phải là em ruột của mình mà là do Bảo Minh “lượm” về từ tay của một người đàn bà chuyên làm nghề kinh doanh xiếc “đường phố”. Người đàn bà ấy tên D., làm nghề buôn bán trái cây ở hẻm 83, khu vực Cầu Ông Lớn, phường Tân Phong, quận 7, TP.HCM.

Bảo Minh đã nhận Bảo Khang về làm em nuôi và dạy cho những món nghề nâng cao để đi biểu diễn. Tên thật của Bảo Khang là Phạm Văn Nhớ, quê ở Bạc Liêu.

Ba mẹ Nhớ đang cũng ở trọ quận 7 và sinh sống bằng nghề thợ hồ. Hiện, Bảo Khang đang học lớp 3 tại một lớp Tình thương ở quận 7.  

Cuộc đời của Bảo Minh cũng lận đận không thua kém, 6 tuổi, Bảo Minh đã phải chịu cảnh mồ côi cha. Nhà ít ruộng đất, một mình mẹ Bảo Minh phải vất vả nuôi ba đứa con.  Cuộc sống thiếu trước hụt sau nên mẹ quyết định cho Bảo Minh nghỉ học khi đang học lớp 3, rồi kéo nhau lên Sài Gòn mưu sinh ở gần khu vực Cầu Ông Lớn, quận 7.

Mẹ Bảo Minh và người chị xin vào làm công nhân với mức lương tạm sống qua ngày. Những ngày ở nhà một mình buồn, Bảo Minh trốn mẹ đi theo đoàn múa lân.

Chính những ngày theo đoàn múa lân Quang Trung Đường, Bảo Minh đã học lỏm được những môn xiếc cơ bản như: Múa lửa, nuốt rắn, đế thống... Nhờ tính gan lì, đam mê nên Bảo Minh học rất nhanh và có tính sáng tạo phát huy thêm những môn xiếc mới, lạ.

Đến nay, “gia tài” xiếc của Bảo Minh rất phong phú gồm: Nuốt kéo, nuốt cá kèo, ăn bóng đèn, nuốt rắn, xỏ rắn, múa lửa, nuốt kiếm... Bảo Minh cho biết, đầu tư nhiều thời gian công sức nhất là môn nuốt kiếm. Để học được môn nguy hiểm này Bảo Minh phải bái gia sư Hoàng Sang làm sư phụ. Nuốt kiếm là môn xiếc đòi hỏi người học phải gan dạ, liều lĩnh và chịu khó tập luyện. Để luyện thuần thục môn nuốt kiếm phải mất vài tháng, có người phải tập luyện cả năm trời mới ra biểu diễn được. Nhưng với Bảo Minh thì chỉ học vài ngày là đã tự tin ra ngoài “kiếm cơm”.

Vui buồn chuyện nghề

Từ khi tách nhóm riêng, con đường nghệ thuật của Bảo Minh cũng lắm gian nan. Cái khó của Bảo Minh là còn non trẻ và thiếu vốn. Bởi còn trẻ, không có nhiều mối quan hệ nên Bảo Minh chỉ biểu diễn ở các quán nhậu vỉa hè, dần dà  mới nhận được show ở các đám ma, đám cưới và hội chợ ở các vùng ven. Còn ước mơ được biễu diễn ở các sân khấu lớn là chuyện xa vời, nhưng Bảo Minh đang cố gắng để thực hiện ước mơ đó.

Bảo Minh với tiết mục đặc biệt

 Mức giá đi show của Bảo Minh cũng thấp hơn các bậc đàn anh, một show biểu diễn tại gia trong thành phố chỉ có 500 nghìn đồng. Còn đi tỉnh khoảng 800 nghìn đồng, nhưng phải biểu diễn hai người.

Tuy sống bám vào vỉa hè, đường phố nhưng anh em Bảo Minh vẫn giữ cho mình cái chất “nghệ sĩ” của nghề. Dù không nói ra, nhưng mọi người vẫn nhìn “nghệ sĩ đường phố” như anh em Bảo Minh là những đứa trẻ trong nhóm lang thang, bụi đời và bất trị.

Đa số những đứa trẻ xiếc vỉa hè đều xuất thân từ những thân phận mồ côi hoặc gia đình nghèo khó phải tự bươn trải. Bản thân anh em Bảo Minh cũng đã gặp phải nhiều trường hợp gia chủ quỵt tiền, trả tiền không đúng như hợp đồng hay ném tiền như bố thí, những khi như thế dù “tức điên” nhưng Bảo Minh đành kiềm chế, không phản kháng sợ ảnh hưởng đến hình ảnh nghề nghiệp.

Bảo Minh tâm sự: “Dù biểu diễn ở “đầu đường xó chợ” thì xiếc cũng là một môn nghệ thuật, người biễu diễn cũng là một nghệ sĩ. Mà nghệ sĩ thì cần phải giữ mình trước công chúng.

Năm năm trong nghề xiếc, hơn 10 lần Bảo Minh gặp sự cố “tai nạn nghề nghiệp”. Nhẹ nhất cũng ra máu mũi, máu họng khi luồn rắn, nuốt rắn. Còn năm 2011, trong một lần biễu diễn trong chương trình hội chợ ở quận 12, TP. cậu phải nằm viện 3 tháng điều trị hết 20 triệu đồng. Nguyên nhân là do đồ nghề quá cũ kĩ nên khi đến tiết mục nuốt kiếm, chẳng may kiếm bị xước làm tổn thương ruột.

Nằm viện ba tháng, mẹ Bảo Minh phải về quê cầm cố hết ruộng đất, vay tiền ngân hàng lo điều trị. Để “bù lỗ” cho vụ tai nạn, Bảo Minh đã lén đem đồ nghề vào bệnh viện để  tập luyện những môn mới, với mong muốn khi ra viện sẽ “xuất chiêu” kiếm tiền chuộc lại ruộng đất và cũng muốn sắm thêm dụng cụ để tự chế những đồ nghề cho an toàn hơn.

Tết sắp đến gần, trong những ngày này, hai anh em Bảo Minh và Bảo Khang ngày siêng năng tập luyện những môn xiếc mới, tối đến lại rảo khắp các quán nhậu để xin từng tiếng vỗ tay của mọi người. Nhìn bóng dáng liêu xiêu, pha chút bụi đời của hai anh em “nghệ sĩ đường phố” Bảo Minh - Bảo Khang mới thấy hết được những gian nan, tủi cực của những người chuyên bám vỉa hè mưu sinh. Dù là gì đi nữa thì những mưu sinh của họ cũng chính đáng và họ rất đáng được nhận những tiếng vỗ tay chân thành nhất.

Giang Minh – T.Nhi

Đọc thêm