Trường hợp của Rahaf không phải là duy nhất nhưng câu chuyện của cô đã thu hút sự chú ý của giới truyền thông quốc tế và tác động mạnh đến hệ thống giám hộ vốn gây nhiều tranh cãi ở Saudi Arabia.
Lời kêu cứu trên mạng xã hội
“Tôi là cô gái đã trốn khỏi Kuwait đến Thái Lan. Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm thực sự nếu tôi bị buộc phải quay lại Saudi Arabia”, Rahaf Mohammed al-Qunun (SN 2001) viết trên Twitter vào ngày 6/1/2019 bằng tiếng Ả-rập. Thời điểm đó, cô đã ở sân bay Bangkok, sắp bị trục xuất về quê nhà và cầu xin sự giúp đỡ.
Trong suốt 48 tiếng, Rahaf đã chia sẻ trực tiếp về việc trốn chạy của mình. Trong chuyến du lịch tại Kuwait cùng gia đình, Rahaf tìm cách trốn thoát, bay sang Thái Lan và mong muốn được đến Australia, nơi cô dự định làm đơn xin tị nạn. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại khi cô bị giữ lại lúc quá cảnh ở Bangkok (Thái Lan). Một người bí ẩn nói với cô rằng anh ta sẽ giúp cô xin visa, nhưng sau đó người này trở lại cùng với nhà chức trách Thái Lan nói với Rahaf rằng cô sẽ sớm bị trục xuất về nước.
“Khi tôi rời khỏi máy bay, một nhân viên sân bay đã thu hộ chiếu của tôi với lý do sẽ giúp tôi làm thị thực. Người này sau đó quay trở lại cùng an ninh sân bay và thông báo cha mẹ của tôi không cho phép điều đó và tôi sẽ phải quay trở lại Saudi Arabia trên chuyến bay của Kuwait Airways”, Rahaf kể.
Cô gái trẻ bị giam lỏng ở một khách sạn dành riêng cho những người chờ nối chuyến bay ở Bangkok. Tại đây, Rahaf lên mạng xã hội bày tỏ về tình thế nguy hiểm của mình. Cô đăng hơn 80 lời thỉnh cầu lên mạng xã hội Twitter, trong đó có cả nội dung khẩn cầu Tổng thống Mỹ can thiệp để cô khỏi bị trục xuất về với gia đình mình. Cũng theo lời Rahaf, cô bị gia đình bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần. Cô quả quyết mình sẽ bị giết nếu bị trục xuất về Saudi Arabia.
Bằng tất cả sự may mắn, lời kêu cứu bằng tiếng mẹ đẻ của cô đã nhận được phản hồi từ thế giới bên ngoài, bắt đầu từ các tổ chức nhân quyền. “Khi tôi bị buộc quay lại, họ sẽ giết tôi”, Rahaf nói với tờ New York Times. Trả lời phỏng vấn của tờ báo này, thiếu nữ mô tả gia đình cô sống ở thành phố Hail, phía Bắc Saudi Arabia. Cô gái từng bị nhốt trong phòng 6 tháng vì đã cắt tóc theo ý mình và gia đình không chấp thuận. Các anh trai của Rahaf cũng thường xuyên đánh đập cô.
Rahaf đăng video trên trang Twitter của mình và nói rõ mong muốn được tị nạn, việc bị trục xuất về cơ bản là “án tử hình” đối với cô. Những đoạn video đăng tải trên mạng truyền thông xã hội của Rahaf nhận được phản hồi tích cực, đã có 50.000 cư dân mạng cùng các hãng thông tấn quốc tế theo dõi. Các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, AFP vào cuộc ngay sau đó dẫn đến sự can thiệp của Cao ủy Liên Hợp quốc về người tị nạn (UNHCR).
|
“Chính quyền Thái Lan phải ngừng việc trục xuất, cho phép al-Qunun tiếp tục được bay đến Australia hoặc tị nạn ở Thái Lan”, Michael Page (Phó Giám đốc khu vực Trung Đông của Tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại Mỹ) nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 7/1/2019.
Kết quả, Cơ quan Di trú Thái Lan tuyên bố họ sẽ không đưa Rahaf về nước và bố trí cho Rahaf gặp gỡ các quan chức UNHCR. Điều đó không có nghĩa là Thái Lan đã chấp nhận cho thiếu nữ người Saudi Arabia được tị nạn. Tuy vậy, Rahaf đã có thêm một chút thời gian. Chính phủ Thái Lan vẫn có thể trục xuất cô, nhưng với sự theo dõi của truyền thông xã hội và sự giúp đỡ của các tổ chức như Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), ít nhất Rahaf sẽ có thể tìm thấy tự do bằng cách xin tị nạn ở một đất nước khác.
Theo AFP ngày 7/1/2019, người đứng đầu cơ quan xuất nhập cảnh Thái Lan, Surachate Hakparn cho biết, đáng lẽ Rahaf phải bị trục xuất vì không có đủ các giấy tờ cần thiết. Nhưng người của UNHCR đã đứng ra bảo lãnh cho cô gái.
Ông Surachate tuyên bố Rahaf được phép ở lại sau cuộc họp với UNHCR: “Thái Lan là đất nước mến khách, Rahaf cho biết cô ấy muốn ở lại đây theo hình thức tị nạn. Chúng tôi tôn trọng quyết định đó và sẽ tìm cách hỗ trợ cô gái này”.
Rahaf sau đó tiếp tục xuất hiện trên mạng xã hội, cô cho biết mình đã được an toàn. Cô cũng tiết lộ mình được trả lại hộ chiếu sau khi bị quan chức Saudi Arabia và Kuwait tịch thu tại sân bay Suvarnabhumi (Bangkok). Tuy nhiên, các quan chức Saudi Arabia đã phủ nhận thông tin này.
Không phải là trường hợp cá biệt
Các chuyên gia đều đồng ý sự vào cuộc nhanh chóng của truyền thông đã cứu cô gái trẻ. Nhưng Australia - quốc gia mà Rahaf mong muốn đến tị nạn lại lưỡng lự trong việc tiếp nhận cô, Canada - quốc gia mà Rahaf chưa bao giờ nghĩ tới đã chìa tay ra giúp đỡ.
UNHCR đã đề xuất Thủ tướng Canada Justin Trudeau tiếp nhận trường hợp này: “Chúng tôi luôn quan tâm đến việc bảo vệ nhân quyền, đặc biệt là quyền phụ nữ. Đó là lý do chúng tôi ủng hộ đề nghị của Liên Hợp quốc. Chúng tôi rất sẵn lòng tiếp nhận al-Qunun theo yêu cầu của UNHCR”, Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố.
Theo RT ngày 11/1/2019, Rahaf Mohammed al-Qunun đã được cấp quyền tị nạn tại Canada. Adam Coogle (chuyên gia HRW ở Trung Đông) hoan nghênh việc chính quyền Thái Lan đã không đưa thiếu nữ Rahaf Mohammed al-Qunun lên chuyến bay trở lại Kuwait như dự định ban đầu.
Trong vòng 24 tiếng sau khi được cấp quyền tị nạn, Rahaf đã đặt chân xuống Toronto trong sự thở phào nhẹ nhõm của nhiều người. Quyết định tiếp nhận Rahaf được cho là càng làm mối quan hệ ngoại giao giữa Saudi Arabia và Canada thêm phần lạnh nhạt. Trước đó, Saudi Arabia từng trục xuất đại sứ Canada vì lên án việc giam giữ các nhà hoạt động nhân quyền.
Trong bối cảnh sự an toàn của cô gái Saudi Arabia Rahaf Mohammed bị đe dọa, ngày 15/1/2019, Giám đốc Điều hành Cơ quan tị nạn Toronto (Costi) cho biết, cơ quan này sẽ thuê nhân viên an ninh để “túc trực” bên cô khi bắt đầu cuộc sống mới tại Canada.
Mario Calla, Giám đốc điều hành Costi được Chính phủ Canada chỉ định giúp đỡ Mohammed định cư tại thành phố Toronto cho biết, cô gái người Saudi Arabia nói trên đã nhận được rất nhiều lời đe dọa trên mạng, khiến cô lo sợ cho sự an toàn của bản thân.
Tại buổi họp báo, Giám đốc Calla cho biết, Costi đã thuê một nhân viên bảo vệ và lên kế hoạch để “đảm bảo rằng cô ấy sẽ không bao giờ cô độc”. “Tôi cho rằng thật khó để đánh giá mức độ nghiêm trọng của những mối đe dọa này. Chúng tôi đang xem xét chúng một cách nghiêm túc”, Calla cho biết thêm.
Cũng trong ngày 15/1, Rahaf đã tuyên bố với báo giới về việc từ bỏ họ al-Qunun của mình tại Toronto. Tuyên bố này được nhân viên tư vấn định cư Saba Abbas thay cô đọc bằng tiếng Anh. Trong bản tuyên bố, thiếu nữ người Saudi Arabia chia sẻ: “Tôi hiểu rằng mọi người ở đây và trên thế giới đều cầu chúc cho tôi những điều tốt đẹp và muốn tiếp tục dõi tình hình cuộc sống của tôi, nhưng... tôi muốn bắt đầu sống một cuộc sống bình thường, giống như bao người phụ nữ trẻ khác ở Canada”.
Mohammed cảm ơn các tổ chức đã giúp đỡ cô trong quá trình di chuyển đến Canada. Mohammed cho biết: “Tôi là một trong những người may mắn. Tôi biết có những người phụ nữ không thể làm gì để thay đổi thực tế, hoặc không may mắn đã biến mất sau khi tìm cách trốn thoát”.
Đại diện của UNHCR thì cho hay, Rahaf không phải là trường hợp cô gái trẻ đầu tiên muốn bỏ trốn khỏi Saudi Arabia. Vào tháng 4/2017, Dina Lasloom, một công dân trẻ tuổi của nước này đã bị bắt tại sân bay Manila (Philippines) vì lý do muốn tránh một cuộc hôn nhân cưỡng ép.
Cô gái ấy đã bị trục xuất về nước vào ngày hôm sau và đến nay không rõ tung tích. Hãng tin Bloomberg trích dẫn một nguồn tin giấu tên trong Chính phủ Saudi Arabia cho biết, Lasloom đang bị giam giữ tại nhà tù dành cho phụ nữ. HRW không có thông tin chính thức về số phận của Lasloom.
“Chúng tôi đã ghi nhận một số trường hợp như vậy trong nhiều năm qua. Một lần nữa, phụ nữ ở Saudi Arabia bị ngược đãi và bị khước từ một cuộc sống tự quyết vì các thành viên nam trong gia đình muốn được nắm quyền kiểm soát”, ông Adam Coogle nói.
Nhà hoạt động dân quyền Yahya Assiri (đang sống ở Anh) cho rằng, những cô gái trẻ Saudi Arabia có thể bị đối xử không công bằng trong gia đình mình. Nhà nước lẽ ra phải bảo vệ họ, nhưng vì không được bảo vệ, một số cô gái đã buộc phải chọn một con đường khác, chẳng hạn như trốn ra nước ngoài.
Theo ông Adam Coogle, cơ hội trốn thoát của những phụ nữ yếu thế này phụ thuộc rất nhiều vào con đường mà họ đã chọn. Một số người tìm cách vào một quốc gia có hệ thống tị nạn phát triển tốt, chẳng hạn như một quốc gia châu Âu hoặc Mỹ và đã thành công, trong khi có người cố trốn thoát sang Australia nhưng đã bị chặn lại ở những quốc gia mà Saudi Arabia có thể gây áp lực ngoại giao.
Câu chuyện truyền cảm hứng?
Cuộc trốn chạy của Rahaf Mohammed al-Qunun khỏi chính gia đình đã khiến truyền thông thế giới nổi sóng, mở màn cho những tố cáo tương tự từ Saudi Arabia - nơi luật “giám hộ” vẫn được ủng hộ rộng rãi.
Hệ thống giám hộ của Saudi Arabia đã bị chỉ trích là phân biệt giới tính. Theo đó, phụ nữ Saudi Arabia sẽ chỉ được tự do trong khoảng không gian được tạo ra bởi “những người bảo vệ”. Họ là những người đàn ông xung quanh người phụ nữ đó, từ chồng, cha đến anh trai. Phụ nữ phải chịu sự giám hộ của một nam giới và phải xin phép người giám hộ khi thực hiện những hoạt động cơ bản trong các lĩnh vực như giáo dục, công việc, hôn nhân, du lịch và thậm chí là điều trị y khoa. Luật cũng yêu cầu phụ nữ phải mặc áo choàng dài và mạng che mặt và phải được người giám hộ cho phép trong phần lớn các hoạt động liên quan tới pháp luật.
Rahaf đã đặt chân đến Canada, hành trình trốn chạy của cô có lẽ đã kết thúc trong sự im lặng nếu truyền thông không vào cuộc ngăn cản chính quyền Thái Lan trục xuất cô về nước.
Vụ việc đã tạo ra cuộc tranh luận hiếm hoi khi một số người trẻ Saudi Arabia, bao gồm cả nam giới, đã khẩn khoản yêu cầu chính quyền Riyadh phá bỏ hệ thống giám hộ hà khắc. Quan niệm cho rằng mong muốn từ khi sinh ra của người phụ nữ là trở thành bà nội trợ đang làm tê liệt sự phát triển của xã hội chúng ta - một nam giới người Saudi Arabia viết trên Twitter.
Cuộc trốn chạy của Rahaf như giội gáo nước lạnh vào chính quyền Riyadh đang nằm dưới sự điều hành thực tế của Thái tử Mohammed bin Salman. Kể từ khi lên nắm quyền, vị Thái tử sinh năm 1985 đã tiến hành một loạt cải cách đem lại nhiều tự do hơn cho phụ nữ. Chúng bao gồm cho phép phụ nữ đến rạp chiếu phim và chương trình biểu diễn ca nhạc, tham gia các trận bóng đá cùng với nam giới và đảm nhận những công việc từng nằm ngoài giới hạn hẹp những gì họ có thể làm.
Đặc biệt, một cải cách mang tính lịch sử do Thái tử Mohammed bin Salman khởi xướng chính là bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe. Ngày 26/9/2018, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud đã ban hành một sắc lệnh hoàng gia cho phép phụ nữ nước này được phép tự lái xe. Sắc lệnh cũng khẳng định việc cấp giấy phép lái xe cho phụ nữ là phù hợp với các quy định hồi giáo và luật giao thông.
Nội dung đạo luật mới bao gồm một số quy định về giao thông mới, bao gồm việc cấp giấy phép lái xe cho cả nam giới và phụ nữ. Quốc vương Ả-rập cũng ra lệnh thành lập một ủy ban cao cấp bao gồm đại diện các Bộ Nội vụ, Tài chính, Lao động và Phát triển xã hội để nghiên cứu chuẩn bị triển khai các luật mới.
Sắc lệnh bắt đầu được chính thức triển khai vào tháng 6/2018. Trước khi đạo luật mới được ban hành, Saudi Arabia là quốc gia duy nhất còn lại trên thế giới cấm phụ nữ lái xe. Do lệnh cấm này, các gia đình ở Saudi Arabia thường phải thuê các lái xe riêng để đưa các thành viên nữ của gia đình tới trường học, nơi làm việc và các địa điểm khác.
Theo số liệu thống kê do kênh truyền hình Al Arabiya công bố trước khi bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, có gần 800.000 nam giới, phần lớn là từ các quốc gia Nam Á, được thuê làm lái xe cho các phụ nữ Ả-rập.
Trong đoạn video đăng tải trên Twitter, Hoàng thân Al-Waleed bin Talal hoan nghênh “một bước tiến vĩ đại mang đến tự do cho phụ nữ” và ngồi bên cạnh con gái đang lái xe hơi. Nữ xướng ngôn viên truyền hình Sabika al-Dosari gọi đây là “thời khắc lịch sử cho phụ nữ Saudi Arabia” rồi lái xe vượt qua biên giới hướng đến Bahrain.
Trên mạng xã hội, nhiều phụ nữ chia sẻ kế hoạch lái xe đi uống cà phê hoặc du lịch. Hãng tin Bloomberg dự đoán việc dỡ bỏ lệnh cấm giúp phụ nữ có nhiều cơ hội việc làm và tính đến năm 2030 sẽ đóng góp thêm 90 tỷ USD cho tăng trưởng kinh tế ở Saudi Arabia.
Trong nhiều tháng liên tiếp, truyền thông Saudi tràn ngập các tin tức về nữ bếp trưởng đầu tiên, nữ MC đầu tiên và thậm chí là nữ tay đua đầu tiên. Lần đầu tiên, phụ nữ được nhìn thấy bên cạnh đàn ông trong các buổi hòa nhạc và các cuộc gặp mặt ở những nơi công cộng mà không cần kiêng dè đến cảnh sát tôn giáo.
Nhưng các nhà phê bình nhận xét, trong khi làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ, động lực của cuộc cải cách sẽ vẫn bị xem là nỗ lực làm đẹp mặt cho một số thành phần trong xã hội Saudi Arabia cho đến khi nào vương quốc bãi bỏ một hệ thống trao cho đàn ông quyền lực độc đoán đối với người thân khác giới của họ.
“Các cải cách xã hội ở Saudi Arabia rất thực tế và chúng sẽ cải thiện cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ. Nhưng hệ thống giám hộ vẫn đàn áp và cản trở quyền đi lại của họ”, Giáo sư Bessma Momani tại Đại học Waterloo (Canada) nói với AFP.
Vì vậy năm 2019, bằng câu chuyện truyền cảm hứng của mình về việc đấu tranh giành nhiều quyền tự do hơn cho phụ nữ, cô gái trẻ Rahaf Mohammed được Tạp chí Time bình chọn vào danh sách 25 người nổi tiếng có tầm ảnh hưởng nhất thế giới, bên cạnh những tên tuổi đình đám như rapper Lil Nas X, nhóm nhạc Hàn Quốc BTS, nữ ngôi sao ca nhạc nổi tiếng của Hollywood...