2 ngày 6 và mùng 7/12/2012 vừa qua, TAND tỉnh Khánh Hòa đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử bị cáo Nguyễn Xuân Thông (SN 1986, ngụ xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) cùng 14 đồng phạm về tội “Cướp tài sản”. Thật trớ trêu khi tang vật trong vụ cướp này chính là chiếc xe bò “chính chủ” mà chúng đã “để quên” khi đi mua đồ trộm cắp mà có.
Một ngày mùa hè năm 2011, Nguyễn Xuân Thông khi ấy đã 25 tuổi nhưng không có nghề nghiệp ổn định mà vẫn lang thang ở nhà. Đang lúc nhàn rỗi, Thông có ý định tu sửa lại một số chỗ trong ngôi nhà đang ở cho đỡ luộm thuộm. Thế nhưng, vì ham của rẻ, Thông nghe được thông tin tại một công trình xây dựng ở Suối Hành, thông Thống Nhất (xã Cam Phước Đông, TP.Cam Ranh) có người “tuồn” xi măng ra bán với giá rẻ như bèo. Thế là anh chàng này đã liên hệ được mối để thực hiện phi vụ giao dịch bất chính.
|
Các bị cáo trong vụ án “cướp xe bò chính chủ” |
Tối 14/6/2011, Thông rủ thêm em họ mình là Nguyễn Văn Lâm cùng đánh xe bò đến để mua xi măng do trộm cắp mà có được. Trước đó, Thông có liên hệ với Nguyễn Chấu là công nhân công trình để “đặt hàng”. Để tránh bị lộ, Thông tháo bò thả ở khu vực gần đó rồi kéo xe đến điểm hẹn. Đến nơi, Thông gặp và đưa cho Chấu 500.000 đồng rồi cùng Lâm bốc hàng lên xe bò. Tuy nhiên, bốc đến bao xi măng thứ 7 thì một số công nhân trong công trường đi qua gần đó phát hiện và hô hoán.
Thông và Lâm vội bỏ chạy, vứt lại chiếc xe bò. Tuy nhiên, lúc chạy trốn Lâm bị vấp ngã và tụt lại phía sau. Thấy tình thế nguy ngập, Thông chạy thục mạng để tìm người ứng cứu. Người được Thông tìm đến là Võ Quang Chiến (SN 1991), sống ở gần đó. Tại nhà Chiến lúc đó còn có 9 “hảo hán” là bạn bè và người quen của Chiến đang tụ tập. Những thanh niên này đều ở độ tuổi 9X.
Như người chết đuối vớ được cọc, Thông liền nói tình hình của mình rằng hắn đi mua xi măng ở công trường nhưng bị đuổi bắt một cách tức tưởi, còn Lâm không biết có bị bắt hay không, không biết sống chết như thế nào.
Thông kể xong và rủ cả bọn đến công trình giải cứu Lâm và cướp lại cỗ xe bò, cả bọn nổi máu anh hùng nhao nhao đồng ý. Sau đó mỗi người tỏa đi một nơi kiếm cho mình một cây gậy gỗ làm vũ khí chiến đấu rồi hẹn nhau ở gần công trình xây dựng. Trên đường đi, nhóm thanh niên hăng máu này còn rủ thêm 5 “đồng minh” khác nữa để tăng cường “thanh thế”.
Trong 5 thanh niên mới nhập bọn có một gã mang mã tấu, một gã mang dao rựa. 5 chiếc xe máy “kẹp ba” (mỗi xe chở 3 người) đi đến gần lán trại nơi công nhân công trường nằm nghỉ thì gặp nhau. Trước khi lâm trận, Thông đứng ra củng cố tinh thần cho anh em một lần nữa để lấy khí thế, sau đó cử 2 người ở lại trông xe còn 13 người khác lừ lừ tiến về lán trại.
Tiếp cận mục tiêu không một tiếng động, nhóm Thông dùng mã tấu, dao dựa, gậy gỗ đồng loạt lao vào đánh úp đối phương. Lực lượng của Thông có 13 người còn nhóm công nhân chỉ có 6, do chênh lệch về số lượng và vũ khí nên nhóm công nhân chống cự yếu ớt rồi nhanh chóng chịu trận “quy hàng”. Trận tập kích thành công mỹ mãn khiến nhóm thanh niên ai đấy đều hả hê, còn nhóm công nhân bị đánh đến bầm dập (sau này kết quả giám định cho thấy tỷ lệ thương tật vĩnh viễn của mỗi người bọn họ từ 2 đến 7%).
Khi các công nhân không còn khả năng kháng cự, nhóm của Thông mới biết rằng Lâm đã an toàn trốn thoát từ trước. Thông đứng ra lấy lại 500.000 đồng đã đưa cho Chấu lúc tối. Trước khi ra về, cả nhóm không quên mang theo chiếc xe bò trở về. Cả nhóm rôm rả cười cười nói nói trên đường, kể về chiến tích vừa lập được mà không ngờ rằng những hành động ấy sẽ khiến chũng lũ lượt theo nhau hầu tòa.
Cuối năm 2011, VKSND TP.Cam Ranh đã hoàn tất hồ sơ và quyết đinh khởi tố bị can đối với 15 đối tượng nói trên về tội “Cướp tài sản”. Do các bị hại không yêu cầu khởi tố hình sự nên cơ quan chức năng không xem xét về tội “Cố ý gây thương tích” với 15 bị cáo.
Trong phiên tòa sơ thẩm xử tại TAND TP.Cam Ranh hồi đầu năm 2012, 15 bị cáo tùy theo mức độ nặng nhẹ mà nhận mức án từ 3 đến 7 năm tù, trong đó có 2 người được hưởng án treo. Các bị cáo đều làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt gửi lên TAND tỉnh Khánh Hòa.
Trong phiên xử phúc thẩm ngày 6 và 7/12/2012 vừa qua, cả 15 bị cáo đứng trước tòa mặt mày đều ngơ ngác. Nhiều bị cáo vẫn chưa hiểu hết hành vi phạm tội của mình nên cứ một mực kêu oan. Tại tòa, Thông nhận mình là người khơi mào mọi chuyện, tuy nhiên Thông không biết rằng chiếc xe bò của mình đánh đi chở hàng chính là nguyên nhân khiến cả bọn rơi vào vòng lao lý.
Thông thưa trước tòa: “Bị cáo chỉ nghĩ mình phạm tội đánh người gây thương tích chứ không phạm tội “Cướp tài sản”. Bị cáo không hề có ý định cướp tài sản, chỉ nghĩ đó là cỗ xe bò của mình thì phải lấy về. Nếu muốn cướp tài sản, bị cáo đã lấy xi măng chứ không để lại”. Sau Thông, một số bị cáo khác cũng kêu oan, họ cho rằng mình chỉ giúp Thông lấy lại xe bò chứ không cướp tài sản.
Trước những lời nói thiếu hiểu biết pháp luật của các bị cáo, chủ tọa phiên tòa đã kiên nhẫn phân tích, giảng giải cho tất cả mọi người cùng hiểu. Đầu tiên là hành động mua xi măng do trộm cắp mà có của Thông đã là vi phạm pháp luật. Thứ hai, xe bò tuy là tài sản của bị cáo Thông nhưng lại là vật chứng liên quan đến vụ trộm nên các công nhân được quyền giữ lại vì mọi công dân đều có quyền bắt trộm.
Lúc này, chiếc xe bò đã trở thành vật chứng của một vụ án. Vì thế, việc các bị cáo ngang nhiên đánh người, lấy xe bò về, bất chấp ý kiến của các công nhân là đã phạm tội “Cướp tài sản”. Hơn nữa, khi được Thông rủ đi cướp lại xe bò, các bị cáo khác đã không khuyên can, lại còn vào hùa đánh người, cướp xe bò là rất đáng trách. Nếu các bị hại yêu cầu khởi tố thì các bị cáo còn bị xét xử về tội “Cố ý gây thương tích”.
Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự TP.Cam Ranh đã xác định cỗ xe bò trị giá 2.560.000 đồng. Người đến dự phiên tòa lúc này mới xì xào bàn tán rằng rất may cho các bị cáo lúc bị bắt chỉ có chiếc xe không, con bò đã được thả ra trước đó chứ không hình phạt chắc hẳn đã nặng hơn vì giá trị tài sản cướp được lớn hơn nhiều lần.
Tại phiên tòa, Hội đồng xét xử cũng nhận định hành vi của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, cần xử phạt nghiêm minh, tuy nhiên, do nhận thức pháp luật của các bị cáo còn hạn chế nên TAND tỉnh Khánh Hòa chấp nhận kháng cáo, giảm án cho các bị cáo. 15 bị cáo đều là những thanh niên học hành không đến nơi đến chốn, tuổi đời đều còn rất trẻ (18-26 tuổi) mà đã vướng vòng lao lý là một điều đáng tiếc. Tất cả các bị cáo đều được giảm một phần án từ tòa sơ thẩm. Trong đó 4 bị cáo được hưởng án treo.
Kết thúc vụ án người ta nhìn lại, giá như Thông không không ham rẻ mà mua xi măng ăn trộm và khi bị giữ xe bò, Thông bình tĩnh cùng bạn bè đàng hoàng đến xin lại cộ bò thì mọi việc đã khác. Ngoài ra, Thông còn có một cách khác là nhờ chính quyền địa phương can thiệp để giải quyết. Tuy nhiên trong phút sốc nổi của tuổi trẻ, Thông cùng bạn bè của mình đã gây ra chuyện đáng tiếc. Đây là bài học cho các bị cáo, và cũng là bài học cho những ai thiếu hiểu biết và coi thường pháp luật.
Song Giang - Đông Phong