Dịch phấn trắng đang đẩy hàng ngàn nông dân Đắc Nông xuống bờ vực phá sản. Người cựu chiến binh mới vài ngày trước được UBND tỉnh tặng bằng khen do có công đưa cây chanh dây về cho bà con nông dân Đắc Nông, rất có thể ngày mai sẽ lên “đoạn đầu đài”. Ai sẽ cứu cây chanh dây, cứu người nông dân Đắc Nông?
Chanh dây tại xưởng sơ chế Lê Thanh Bàng- Đắc Nông |
. Từ kỳ tích đưa chanh dây lên vùng đất nóng
Sinh năm 1958 ở vùng quê Phủ Cừ- Hưng Yên, cái nghèo đã đẩy người lính Lê Thanh Bàng vào Nam mưu sinh năm 1996. Đi khắp trời Nam, năm 1998, ông Bàng quyết định định cư tại Hưng Bình- Đắc Nông.
Ban đầu, gia đình ông cũng trồng tiêu, trồng điều như những gia đình khác. Song chỉ được vài năm, cây tiêu, cây điều đều không trụ lại được với vùng đất nóng này.
Ông và những người nông dân khác lại chặt bỏ và trồng cây cao su. Cơ duyên đến với cây chanh dây của ông thật tình cờ. “Năm 2007, tôi xem ti vi giới thiệu về cây chanh dây đem lại đời sống cao cho người nông dân tỉnh Lâm Đồng. Như có một luống sáng chạy qua óc, tôi bật nghĩ ngay : sao mình không đưa cây chanh dây về phát triển ở Đắc Nông?”.
Nghĩ là làm, ông khăn gói sang Lâm Đồng, đi khắp các vùng trồng chanh dây để tìm hiểu. Sau đó ông về làm đề án trình UBND xã Hưng Bình phát triển cây chanh dây ở xã ( lúc đó ông Bàng là chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hưng Bình).
Đồng ý cho ông Bàng làm nhưng “những người trong cuộc” không khỏi băn khoăn bởi cây chanh dây là loài cây đỏng đảnh, phụ thuộc vào thời tiết, thiếu nước cũng không được, thừa nước cũng không xong trong khi khí hậu Đắc Nông tương đối khắc nghiệt. Ông Bàng cũng lo lắng nhưng vẫn quyết tâm làm.
Ông kể mình cũng gặp may khi được cơ sở chanh dây Trường Sim ở Đức Trọng nhiệt tình giúp đỡ, cung cấp cây con giống và hướng dẫn quy trình chăm sóc.
Cuối năm 2007- đầu năm 2008, cây chanh dây chính thức được trồng trên đồng đất Đắc Nông. Thật kỳ lạ là dù thời tiết không thuận lợi như Lâm Đồng song cây chanh dây lại “bám” được đồng đất Đắc Nông. Mấy ha đầu tiên ông Bàng trồng thử nghiệm đều sai quả, quả đẹp, mọng nước và ngọt lạ.
Nhìn vườn chanh dây trĩu quả, tưởng như đã trút được tiếng thở dài nhưng ông Bàng lại lo “dựng tóc gáy” khi HTX Tia Sáng – đơn vị hứa bao tiêu sản phẩm quả chanh dây- “đem con bỏ chợ”.
Một lần nữa ông Bàng lại sang Đức Trọng cầu cứu cơ sở Trường Sim- giờ đã phát triển thành công ty Trường Hoàng- đơn vị sản xuất chanh dây lớn nhất tỉnh Lâm Đồng-. Công ty Trường Hoàng cho xe sang Đắc Nông chở hơn 300 cân chanh đầu tiên của ông Bàng về Đức Trọng.
Sau 3 năm miệt mài đưa chanh dây về Đắc Nông, ông Bàng đã dấy lên một phong trào trồng chanh dây trong tỉnh này và thậm chí “làn sóng” chanh dây còn lan sang các tỉnh lân cận.
Sơ chế chanh dây để xuất khẩu- ảnh PV |
Ngồi ở cơ sở ông một buổi sáng có thể gặp hàng chục nông dân tới tận nơi đặt mua cây giống và tìm hiểu quy trình chăm sóc chanh dây. Đó là chưa kể chiếc điện thoại di động của ông Bàng cũng liên tục reo với những cuộc gọi của nông dân liên quan đến cây chanh dây.
Bà con “ham” cũng phải thôi vì so với các loại cây trồng khác từng “bá chủ” vùng đất này, không cây nào sinh lợi nhuận cao như cây chanh dây. Trồng chanh dây chỉ 6 tháng đã cho thu hoạch, một năm cây cho quả 4 vụ chính, chăm bón đúng cách 1 ha chanh dây cho 80-100 tấn quả/năm.
Ông Bàng cho biết giá hiện thời cơ sở ông thu mua cho bà con là 6.500/ kg. Như vậy với trung bình 80 tấn quả/ha/năm, người trồng chanh dây thu về gần 500 triệu đồng/năm. Trong khi vốn đầu tư ban đầu không cao, chỉ khoảng 100 triệu đồng/ ha. 100 triệu này được chia đều cho 3 năm vì vòng đời của cây kéo dài được tới 3 năm, như vậy, người nông dân chỉ phải đầu tư khoảng 30 triệu/ năm để thu về gần 500 triệu/năm/ha.
Năm 2009, công ty Trường Hoàng đầu tư cho cơ sở chanh dây của ông Bàng 2 xưởng chế biến, sơ chế chanh dây và tiếp tục bao tiêu toàn bộ sản phẩm. Hiện mỗi ngày cơ sở của ông Bàng thu mua bình quân một ngày từ 5-7 tấn chanh dây.
“ Tới đây cơ sở của tôi sẽ sáp nhập thành 1 nhánh của Công ty Trường Hoàng, công ty giao cho cơ sở tôi phát triển vùng nguyên liệu ở Đắc Nông, Bình Phước, Buôn Mê Thuột, cung cấp cây giống, bao tiêu sản phẩm toàn bộ cho bà con nông dân”, ông Bàng cho biết.
. Đến cơ duyên với “hiệp sĩ” chanh dây
Đang lúc hăng say với mô hình chanh dây được nhân rộng, nơi nơi nhắc đến chanh dây, nhà nhà trồng chanh dây thì đầu năm 2010 ông Bàng liên tiếp nhận được thông tin từ bà con về bệnh phấn trắng đang hại cây chanh dây. Vùng Đắc Nông và các tỉnh lân cận đều từng là vùng trồng cây tiêu và bệnh phấn trắng trên cây tiêu đã từng khiến người nông dân điêu đứng đến mức rồi phải chặt bỏ cây tiêu. Nay cây chanh vừa bám đồng đất Đắc Nông lại bị bệnh phấn trắng xâm hại.
Ông Bàng đi hỏi khắp nơi, sang Lâm Đồng tham vấn ý kiến những người có thâm niên trồng chanh dây. Họ đều bảo bệnh phấn trắng như bệnh ung thư, phải chặt bỏ. “ Tôi lo quá, không ăn được, không ngủ được. Đêm nằm cứ ngẫm nghĩ, hàng tỷ đồng mình và bà con bảo ra trồng chanh dây chẳng nhẽ một phút tan tành vậy sao.” Gương mặt đen sạm, khắc khổ của người lính Lê Thanh Bàng vẫn như còn nét bàng hoàng khi kể lại với tôi về những ngày bệnh phấn trắng hoành hành trên cây chanh Đắc Nông.
Nhớ lại chỉ vài tháng trước, ông Bàng bảo cơ duyên hay trời thương mà ông gặp được công ty CP Thanh Hà- một công ty sản xuất phân bón nổi tiếng với các sản phẩm phân bón qua lá. “ Tôi xem VTV1 và thấy ông Kết, giám đốc công ty dùng phân bón qua lá mà cứu được cả cây đa tân trào, cứu dịch lúa bị vàng lùn. Tôi đã điện thoại cho ông Kết nhờ ông về Đắc Nông cứu cây chanh leo”.
Nhận điện thoại của ông Bàng, dù chẳng biết ông Bàng là ai song nghe ông Bàng kể bệnh cây chanh và bày tỏ nỗi lo lắng nếu không chữa được bệnh phấn trắng, ông Kết nhận lời về Đắc Nông. Một ngày đầu xuân, ông Kết xuống tận vườn trồng chanh dây của bà con nông dân xem xét tình hình rồi “chẩn bệnh” và đưa ra phương án cứu chữa. Chế phẩm sinh học KH-15ml của công ty Thanh Hà được sử dụng theo công thức 15ml + 220ml nước , quy trình xử lý chia làm 3 lần, lần 2 phun cách lần 1 5 ngày, lần 3 phun cách lần 2 khoảng 7 ngày.
Nụ cười của nhà nông ( bên trái) và "hiệp sĩ" chanh dây Nguyễn Anh Kết ( bên phải) trước thành quả "cứu sống chanh dây"- ảnh PV |
Ông Kết còn phân tích cho ông Bàng hiểu rằng cây chanh leo rất sai quả vì vậy nếu gốc bị tổn thương thì quả sẽ teo đi cho nên ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây ở gốc thì bên trên phải cung cấp dưỡng chất thêm cho cây bằng phân bón lá để cây đủ sức nuôi quả.
Thật kỳ diệu, chỉ sau 3 lần xử lý, 3 vườn chanh dây ông Kết làm thí điểm đã hết sạch bệnh phấn trắng và cho trái chất lượng tốt. “Bà con phấn khởi lắm và tôi thì mừng quá vì đã tìm được hướng đi bền vững cho cây chanh leo. Muốn giữ được vùng nguyên liệu, giữ được chất lượng, sản lượng thì chúng tôi phải hợp tác với nhà đưa khoa học như công ty anh Kết, hướng dẫn cho bà con để bà con biết cách phòng ngừa, chăm sóc thì mới đảm bảo sản lượng”.
Trước đề nghị này của ông Bàng, ông Nguyễn Anh Kết - “hiệp sĩ” của cây chanh dây Đắc Nông – chân thành nhận lời và cam kết công ty Thanh Hà sẽ “đồng hành” với người nông dân trồng chanh dây trên vùng đất khó. “ Sản phẩm AH-KH-NH của công ty Thanh Hà giúp cho cây trồng tăng cường sức đề kháng, nhất là ở những vùng khí hậu khắc nghiệt. Chúng tôi sẵn sàng cử chuyên gia hỗ trợ nông dân xử lý dịch bệnh tại vườn cũng như hỗ trợ người nông dân chăm sóc cây trồng khoa học”, ông Kết nói.
Thay lời kết
Hôm tôi trở lại Đắc Nông thì cơ sở chanh dây Lê Thanh Bàng đang vào mùa thu hoạch. Người nông dân khắp nơi trĩu trịt chuyển quả về và hàng chục công nhân đang thoăt thoắt sơ chế sản phẩm tươi chuyển vào nhà lạnh.
Cũng dịp này, công ty Thanh Hà đã tới UBND xã Đắk Sin cùng với ông Bàng tổ chức hội thảo hướng dẫn chăm sóc cây chanh dây cho bà con nông dân. Hàng trăm nông dân đã đổ về đây lắng nghe và đăng ký trồng chanh dây cho vụ mới.
Hồ hởi với kỳ tích cứu sống chanh dây khỏi bệnh phấn trắng, ông Bàng bảo giờ thì ông đã hoàn toàn tự tin và yên tâm tiếp tục nhân rộng mô hình chanh dây ra toàn tỉnh và các tỉnh lân cận:“ Có nhà khoa học trợ giúp, giờ tôi chỉ mong tỉnh, huyện, hỗ trợ thêm cho người dân vay vốn là có hàng ngàn nông dân sẽ nhanh chóng thoát nghèo từ cây chanh dây”, người cựu chiến binh năm xưa nói rồi siết chặt tay giám đốc công ty Thanh Hà Nguyễn Anh Kết.
Thanh Lương