Đầu tuần tới, cựu Tổng thống Bờ Biển Nga Laurent Gbagbo lần đầu tiên sẽ phải ra hầu trước Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) và đối mặt với các tội danh gây tội ác chống lại loài người trong các vụ bạo lực sau bầu cử 2010-2011. Hiện ông này đang bị giam giữ tại một nhà tù VIP chuyên dành cho các cựu lãnh đạo bị truy tố và chờ ngày ra hầu tòa.
|
Ông Laurent Gbagbo vào ngày bị bắt tại Abidjan hôm 11/4/2011. Ảnh: AFP |
Nhà tù VIP
Cựu Tổng thống Bờ Biển Ngà sau khi được đưa tới Hà Lan hôm 30/11 đã bị giam giữ tại trung tâm giam giữ của ICC ở La Haye. Trung tâm này thuộc nhà tù Scheveningen, nơi nhiều người Hà Lan trước đây từng bị bọn phát xít tra tấn và hành quyết. Người ta gọi đây là nhà tù VIP vì toàn những nhân vật “có máu mặt” bị giam giữ tại đây.
Nhà tù Scheveningen không giống với những nhà tù khác. Mỗi một tù nhân có một xà lim rộng 152 mở suốt cả ngày với một chiếc giường, một cái bàn, một góc bếp, một góc phòng tắm và vài cái kệ. Các tù nhân được truy cập Internet và sử dụng điện thoại. Họ cũng có thể sử dụng một phòng thể dục, một phòng giải trí và một “phòng hôn nhân” dành cho những lần gặp lại vợ (chồng) mình.
Trên trang web của ICC, người ta thấy có lời nhắc nhở người quản lý khu nhà tù phải “cố gắng đảm bảo tốt sức khỏe tinh thần và thể chất cho những người bị giam giữ” ở đây. Nhà tù Scheveningen được đánh giá là đáp ứng những tiêu chuẩn nghặt nghèo nhất của luật pháp quốc tế.
Tù nhân nổi tiếng nhất ở Scheveningen là Radovan Karadzic, cựu Tổng thống Serbia ở Bosnia bị bắt giữ năm 2008. Radovan Karadzic là nhà lãnh đạo đầu tiên bị tòa án quốc tế buộc tội, trước cả nhà lãnh đạo Nam Tư cũ Slobodan Milosevic, lãnh đạo Tchad Hissene Habre hay mới đây là Tổng thống Sudan Omar el-Bechir.
Ông Gbagbo được cho là cũng sẽ có số phận giống như 20 người khác bị Tòa hình sự Nam Tư cũ buộc tội và đặc biệt là Ratko Mladic – người mang biệt danh “đồ tể vùng Balkan” bị cáo buộc tội diệt chủng, gây tội ác chống nhân loại và vi phạm pháp luật cũng như tập quán chiến tranh. Cựu lãnh đạo quân đội Serbia này đã bị bắt và dẫn độ tới La Haye hồi tháng 5 vừa qua.
Một “người láng giềng” khác của Gbagbo là gương mặt trung tâm trong các cuộc nội chiến vốn tàn phá Liberia và Sierra Leone từ năm 1989 đến năm 2003 khiến gần 400.000 người chết. Đó là Charles Taylor, cựu Tổng thống Cộng hòa Liberia. Ông này đã bị Tòa án đặc biệt về Sierra Leone buộc các tội danh gây tội ác chống lại loài người, tội ác chiến tranh và các hành vi vi phạm luật pháp nhân đạo quốc tế khác vào năm 2003. Charles Taylor bị bắt giữ năm 2006 tại Nigeria, nơi ông ta sống lưu vong, sau đó bị dẫn độ sang Hà Lan.
|
Nhà tù Scheveningen. Ảnh: HO/AFP |
Không phải “hồ sơ cuối cùng”
Trong một thông cáo báo chí, ICC cho biết: “Lần xuất hiện đầu tiên của ông Laurent Gbagbo được lên kế hoạch vào lúc 14h00 (tức 13h00 GMT) ngày 5/12”. Tại tòa án, các thẩm phán sẽ kiểm tra căn cước của ông Gbagbo và đảm bảo rằng vị cựu Tổng thống đã được thông tin rõ ràng về những tội danh chống lại ông và những quyền mà ông được hưởng theo Quy chế Rome, ICC viết rõ.
“Sau lần xuất hiện đầu tiên này, ngày tổ chức phiên tòa xác nhận tội danh – giai đoạn tiếp theo của quá trình tố tụng – sẽ được ấn định. Cựu Tổng thống Laurent Gbagbo, 66 tuổi, là cựu nguyên thủ quốc gia đầu tiên bị truy tố ra trước ICC.
Ông Laurent Gbagbo bị tình nghi gây tội ác chống nhân loại trong các vụ bạo lực sau bầu cử năm 2010 – 2011 như giết người, cưỡng hiếp, ngược đãi và các hành vi vô nhân đạo khác từ ngày 16/12/2010 đến ngày 12/4/2011. Ông Gbagbo trước đây đã từ chối nhường lại quyền lực sau cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2010 khiến đất nước Bờ Biển Ngà chìm trong một cuộc khủng hoảng đẫm máu cướp đi mạng sống của 3.000 người. Từ hồi tháng 4, vị cựu Tổng thống đã bị giam giữ tại một khu dinh thự ở Korhogo, miền Bắc Bờ Biển Ngà.
“Đây là hồ sơ đầu tiên ở Bờ Biển Ngà. Đó sẽ không phải là hồ sơ cuối cùng, mà chỉ là sự bắt đầu thôi”, Công tố viên ICC Luis Moreno-Ocampo bình luận về vụ việc. Đảng của ông Laurent Gbagbo, Mặt trận Nhân dân Bờ Biển Ngà, hôm 30/11 đã lên án việc chuyển cựu Tổng thống Gbagbo tới La Haye, đồng thời cho rằng đó là “vụ bắt cóc chính trị” và tuyên bố đảng này “ngừng tham gia mọi tiến trình hòa hợp” dân tộc.
Về phần mình, phát ngôn viên chính phủ đương nhiệm Bruno Kone phản ứng rằng, sự kiện đưa ông Gbagbo ra trước ICC tạo nên một “yếu tố chủ chốt” để sang trang cuộc khủng hoảng hậu bầu cử ở Bờ Biển Ngà.
Quang Minh (Theo AFP, BBC, Figaro)