Da diết một nỗi nhớ quê

Tuyển tập “Đà Lạt nhớ Huế” do Hội đồng hương Huế tại Đà Lạt vừa ấn hành, là rung cảm của những người con xa quê dành cho Huế thương.
Tuyển tập “Đà Lạt nhớ Huế” do Hội đồng hương Huế tại Đà Lạt vừa ấn hành, là rung cảm của những người con xa quê dành cho Huế thương. Lật mở 168 trang sách, 55 tùy bút, tản văn, viết ngắn, thơ của 48 tác giả đã dội vào người đọc  một tiếng lòng; đó là tình yêu, là nỗi nhớ quê hương da diết.
 
Nhớ quê, nhớ từng dấu chân tuổi thơ in trên Hoàng thành, Ngọ môn, Trường Tiền; nhớ những trưa hè rong chơi, thả hồn với sáo diều trên dòng An Cựu, ven hào sâu bên bờ thành rêu phong cổ kính. “Nhớ ngôi nhà thân quen, nhớ con đường đi học, nhớ mảnh vườn thơm tho cây trái, nhớ ánh trăng vằng vặc chiếu sáng sau lũy tre già và cả đường đi lối lại trước thưở lên mười. Những lúc nghĩ đến quê hương, hồn ta đang chập chờn dạo chơi trên con đường lát đầy quá khứ” (Trúc Lâm làng quê tôi - Thi sơn Phan Văn Thảo). Nhớ những địa danh đã trở thành tiếng gọi thiêng liêng mỗi khi cất lên: phá Tam Giang, Cầu ngói Thanh Toàn, núi ngự Bình, Sông Hương, Chùa Linh Mụ, núi rừng Bạch Mã, Làng Phước Yên… Đó là những bức tranh phong cảnh  hữu tình. “Hình ảnh đẹp thơ mộng của dòng sông An Cựu vẫn đọng mãi trong tôi, nhất là những lúc sông cạn nước trong vắt trông rõ mồm một những bầy cá lội lẫn trong rêu, bèo tận đáy sông” (Sông An Cựu - thơ ấu đời tôi, Mạc Khải). Nhà thơ Việt Trang đã viết cả một khúc tâm tình “Gởi Huế ngàn năm” - để tác giả Thanh Đà Lạt đã giới thiệu ông: “Ai phải sống tha hương mà không đau đáu niềm nhớ quê nhà.
Có một người xa xứ nặng tình quê mà làm thơ hơn trăm bài vẫn chưa nguôi sầu nhớ. Đó là nhà thơ Việt Trang của phố núi Đà Lạt… Ông từ giã Huế một sớm đìu hiu tuổi hai mươi để làm con sơn ca bay ngược lên đỉnh núi Lang Biang… Nhưng cảnh đẹp của xứ hoa anh đào cùng hạnh phúc gia đình, tình bè bạn vẫn không làm ông nguôi nỗi nhớ quê. Trong tâm tình đó, Việt Trang đã viết rất nhiều bài thơ nói lên tâm sự của người con Huế xa quê, trong đó một phần được in thành tập Gửi Huế ngàn năm”.

Hết nhớ đất, lại nhớ người, những người con lỗi lạc của Huế, hiến cả đời mình cho quê hương, cho dân tộc như: Cha tôi  -Giáo sư Đặng Văn Ngữ (Đạo diễn điện ảnh, NSND Đặng Nhật Minh), Ông Tiễn anh về cõi vô cùng (Trần Ngọc Trác) viết về người nhạc sĩ tài hoa Trịnh Công Sơn). Bên cạnh đó, nhiều bài viết có giá trị học thuật cao về đất và người xứ Huế: Tồng quan về Mộc bản triều Nguyễn ở Đà Lạt (Nguyễn Huy Khuyến), Vài nét về lăng tẩm của các Vua triều Nguyễn (Phan Cư)… Trên quê mới, người Huế  đã vượt qua khó khăn, có cuộc sống no đủ, đùm bọc nhau trong khó khăn hoạn nạn, chung tay dựng xây quê mới Đà Lạt. Nhiều tấm gương điển hình về cần cù lao động, những tấm gương vượt khó, sản xuất kinh doanh giỏi: Nguyễn Đức Hòa - Lão bộc qua các triều đại (Trọng Văn) một cận thần của vua Bảo Đại, một lão bộc trung thành, mẫn cán, “Một người con của Huế suốt cả cuộc đời mình không ngại khó khăn vất vả, trải qua bao biến thiên của xã hội vẫn một lòng trung trinh với quê hương đất nước và làm đúng chức phận của mình”.  “Có một người Huế xa quê tàn mà không phế” (Đăng Dũng) viết về anh Nguyễn Đắc Tùng khuyết tật 2 tay, hàng ngày ngồi trên xe lăm đi bán vé số khắp phố phường Đà Lạt vẫn lạc quan vượt lên số phận nghiệt ngã, tự động viên chính mình: “Quyết tâm xây dựng bạn ơi/Tàn mà không phế người đời quý ta/Việc gì rồi cũng sẽ qua/Tự tin mà sống đó là hiển vinh”, đó là những tấm gương làm  kinh tế giỏi của anh chị Dung Việt (kinh doanh nội thất vải), vợ chồng bà Nguyễn Thị Phú, vợ chồng ông Hoàng Văn Bính bà Lê Thị Huê, vợ chồng ông Nguyễn Văn Thức.

Xa quê, nhưng phong tục tập quán, những món ăn giản dị vẫn là nỗi nhớ khắc khoải. Mỗi khi Tết đến Xuân về lại “Nhớ tết Huế xưa” (Huy Dũng) Nhớ nhất là giọng nói, âm điệu quê hương trong lời ăn tiếng nói “phải phiên dịch từ tiếng Việt sang tiếng Việt” thật thú vị: “Khoai to bồn thì tốt cộ/Đậu ba lá thì vừa un/Gà mất mạ thì lâu khun” được “dịch nghĩa”: Khoai to vồng (luống) thì tốt củ/Đậu ba lá thì vừa vun/Gà mất mẹ thì lâu khôn” (Gái thiếu trai thì thậm khổ - Thân Trọng Sơn). Nhớ đau đáu những món ăn dân giã của xứ Huế, để đến bây giờ đi bốn phương trời cũng “không có sơn hào hải vị nào ngon bằng” - Ông Phan Cự tâm sự: “Bây giờ mỗi lần về thăm quê, tôi thường tìm kiếm thưởng thức những món ngon quê mùa dân dã, những món ăn đã từng nuôi tôi lớn lên, trưởng thành cho đến ngày xa quê. Thương lắm, quê nghèo tôi ơi” (Món ăn quê tôi).

Quê hương luôn là mạch nguồn xúc cảm. “Đà Lạt nhớ Huế” là cộng cảm rất thật của hơn 20 ngàn người con Huế đang sinh sống ở Đà Lạt nhớ về quê hương. Một nỗi nhớ đã tích tụ từ đầu những năm 30 của thế kỷ trước - khi những cư dân Huế đầu tiên đặt chân đến Đà Lạt - đến hôm nay mới có dịp được bật lên. Đọc tuyển tập Đà Lạt nhớ Huế, để thêm một lần rung cảm. Để càng thấu hiểu: Ai cũng có quê hương để nhớ, để thương và để quay về. Chúng tôi xin giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.
Quỳnh Uyển

Đọc thêm