Đà Nẵng có bao giờ đẹp thế này chăng?

“Đà Nẵng làm được, tại sao Hà Nội lại bó tay?”
“Đà Nẵng làm được, tại sao Hà Nội lại bó tay?”

Đó là hàng chữ lớn, tít một tường thuật về kỳ họp cuối năm 2010 của HĐND thành phố Hà Nội, trên trang đầu báo Lao Động số ra ngày 10-12-2010. Nhiều đại biểu rất bức xúc về hiện tượng bỏ ra nhiều trăm tỷ đồng làm con đường được xem là “đắt nhất hành tinh” vậy mà lại để tồn tại, xuất hiện nhiều căn nhà siêu mỏng, siêu méo gây mất mỹ quan thủ đô. Họ thảo luận sôi nổi và nêu ý kiến.

Chúng ta, người Đà Nẵng, nghĩ gì về việc trên.

Trước hết, chúng ta đều rõ “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, Hà Nội là thành phố lớn, lớn thuyền thì cũng lớn sóng. Chúng ta chia sẻ, thông cảm với Hà Nội vì sao chưa xóa được nhà siêu mỏng, siêu méo. Chúng ta không bao giờ được phép cho mình là bậc nhất.

Song, từ nhận xét đó, có thể hiểu là lời khen, sự biểu dương Đà Nẵng, chúng ta càng hiểu, yêu và tin hơn ở thành phố của mình, công việc của mình.

Những người lãnh đạo và quản lý thành phố, với tấm lòng vì thành phố, có cách nhìn, cách nghĩ đúng, đề ra quyết sách đúng, có lý, có tình. Quyết sách ấy nhờ vậy được thực hiện nhanh chóng có uy lực.

Một mặt khác rất đông, nếu không nói là tất cả người dân thành phố, đều yêu mến, gắn bó, có trách nhiệm với thành phố. Họ biết lợi ích, tương lai cuộc sống của mình đi cùng sự phát triển của thành phố, dù có nhất thời thiệt thòi phần nào, họ vẫn chấp nhận tích cực.

Những người lãnh đạo về quản lý thành phố luôn ghi nhận và biết ơn những công dân thành phố đã lặng lẽ trong từng việc, qua từng ngày đóng góp làm nên những thành tựu của Đà Nẵng.

Ai cũng nói trong những thành tựu của Đà Nẵng, tốc độ đô thị hóa và công cuộc xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị là nổi bật nhất, và điều nổi bật hơn cả sự tuyệt vời của lòng dân Đà Nẵng, ngọn nguồn của sức mạnh đồng thuận.

“Bài học tin ở dân, dựa vào dân và có trách nhiệm với dân, hết lòng vì dân là bài học đầu tiên và muôn thuở, là bài học của mọi lúc, mọi nơi, là bài học lớn và sâu sắc nhất của chúng ta trong suốt chặng đường vừa qua”. (Diễn văn của Bí thư Thành ủy tại lễ kỷ niệm 35 năm Ngày Đà Nẵng hoàn toàn giải phóng).

Chúng ta ở đây không chỉ là đồng chí Bí thư Thành ủy, là Đảng bộ và chính quyền thành phố mà cũng còn là rất nhiều, rất nhiều trong hơn 90.000 hộ dân thuộc diện di dời giải tỏa.

Đà Nẵng đang thay đổi từng ngày, đang đẹp hơn qua từng ngày, không chỉ có những kết quả về xây dựng cơ sở hạ tầng, chỉnh trang đô thị, thay trời đổi đất sắp đặt lại giang sơn.

Những việc chúng ta đã làm được là rất lớn, rất đang tự hào, song những việc trước mắt phải làm, những mục tiêu phải đạt tới của Đà Nẵng là rất lớn lao, đầy thử thách.

Đại hội Đảng bộ lần thứ XX thành phố đã đề ra những nhiệm vụ mà tất cả chúng ta đều thấy phải có sự nỗ lực rất phi thường và đầy sáng tạo thì mới có thể hoàn thành.

Tăng trưởng GDP ở mức hai con số, khi không còn lợi thế của điểm xuất phát thấp, là việc không hề đơn giản. Hơn thế, cái mà chúng ta hướng tới không chỉ là các con số.

Làm thế nào để chia sẻ với những người mẹ đã vất vả cả đời, giờ đây mỗi ngày đi chợ, cầm trong tay mấy tờ bạc nhỏ, lại phải nhọc lòng tính toán, lựa chọn mớ cá vụn, bó rau, trái cà, bởi vật giá leo thang.

Làm thế nào để không còn cảnh những người nghèo, chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, khổ đau vì cùng quẫn bởi trong người chỉ có tấm thẻ Bảo hiểm Y tế miễn phí và trong nhà không có thứ gì có giá để có thể cầm, bán kiếm ít tiền cho những khoản đồng chi trả, họ không thể nào mường tưởng nổi.

Làm thế nào để những sinh viên, công nhân lao động hết phải chen chúc, chui rúc trong những căn nhà trọ siêu chật, thiếu điều kiện vệ sinh tối thiểu mà phải chịu số tiền thuê trên trời.

Chúng ta phải tìm ra lời giải cho bài toán người Đà Nẵng làm gì để giàu lên – nói như các nhà kinh tế học là để người lao động đều có việc làm ổn định với những sản phẩm, dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Và cùng với những vấn đề trên, chúng ta lại làm thế nào để mình và cộng đồng dân thành phố được sống yên bình, thanh thản, không phải xót lòng, bất an về những hiện tượng xã hội bức xúc.

*

Cách đây 40 năm, những đêm mưa và đói lạnh giữa rừng Trường Sơn, những ngày rúc hầm chống giặc càn ở ven sông Thu Bồn, chúng tôi thường hiên ngang đọc những câu thơ đầy hào khí của Chế Lan Viên. Những ngày đánh Mỹ, đuổi xe tăng ngoài đồng và bắn trực thăng rơi là những ngày đẹp nhất.

Mỗi gié lúa đều muốn thêm nhiều hạt
Gỗ trăm cây cũng muốn hóa nên trầm
Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt
Mỗi con sông đều hóa sóng Bạch Đằng

Vậy mà sao hôm nay đi trên những con đường 5 sao mới mở “hoa cỏ nồng nàn thơm mãi bước chân em”, qua những cây cầu mới bắc ngang sông Hàn, ngắm nhìn những ô cửa lấp loáng ánh sáng của nhưng ngôi nhà mới xây ở chỗ vốn  là xóm nhà chồ, khu ổ chuột, tôi muốn cất cao một câu thơ, một câu hát, một câu hỏi:

Đà Nẵng có bao giờ đẹp thế này chăng?
Sao lại thấy phân vân ngập ngừng.

Theo lẽ thường tình, trong cuộc sống hòa bình khó có những lúc xuất hiện cái đẹp “Không tiền khoáng hậu”, điều có thể trong thời chiến như Chế Lan Viên đã viết: Những ngày đánh Mỹ là những ngày đẹp nhất. Dù mai sau đời muôn vạn lần hơn”.

Đà Nẵng mới bắt đầu công cuộc xây dựng hơn chục năm nay, cái đẹp nhất của Đà Nẵng chưa hiển lộ, còn đang ở phía trước.

Đà Nẵng đang sửa soạn cho một vẻ đẹp hoàn hảo, kỳ thú, điều này đã rõ ràng trong quy hoạch, kế hoạch.
Đó là Khu du lịch đô thị sinh thái Cẩm Lệ-Hòa Xuân, Thủy Tú-Hòa Hiệp, là Khu du lịch phức hợp cao cấp Làng Vân, là Công viên văn hóa Ngũ Hành Sơn.

Đó là Khu công nghiệp công nghệ cao, Khu công nghệ thông tin Hòa Liên.

Đó là những công trình kiến trúc hoành tráng, tân kỳ ở giữa lòng thành phố nơi đầu phía đông cầu sông Hàn, đầu phía tây cầu Thuận Phước, nơi chân thành Điện Hải, nơi vốn là sân vận động Chi Lăng, ở mảnh đất vàng trung tâm của trung tâm Đà Nẵng sát kề với Nhà hát Trưng Vương.

Hãy hình dung, khi những dự án, những công trình đó hoàn thành, vẻ đẹp mà hôm nay chúng ta thấy trên những bức vẽ phối cảnh lớn đầy màu sắc, rất bắt mắt được dựng ở ngay nơi các công trình ấy sẽ mọc lên là vẻ đẹp thực của cuộc đời thành phố, sống động và hấp dẫn.

Nó không chỉ là những vẻ đẹp để ta nhìn ngắm, thưởng lãm, nó là nơi sinh sống và làm ăn, sáng tạo và yêu thương của hàng vạn người Đà Nẵng, của một thế hệ người Đà Nẵng.

Mong sao – và nhất định – quá trình thực hiện những dự án, dựng xây những công trình ấy sẽ là quá trình đào luyện, nâng cao, làm mới một thế hệ người Đà Nẵng.

Đó là cái đẹp nhất của một Đà Nẵng đẹp hơn bao giờ hết, những con người ấy cho chúng ta vững tin ở tương lai của Đà Nẵng, ở chính những con người ấy.

Họ sẽ là những người làm nên dàn hợp xướng lớn hát vang bài ca “Đà Nẵng có bao giờ đẹp thế này chăng?”.

Bởi họ không chỉ đặt ra câu hỏi, mà chính họ từ gương mặt và tầm vóc, trong hồn cốt và phong cách đã ngân vang câu trả lời.

Nguyễn Đình An

Đọc thêm