Ngày 6-8, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học Quy hoạch thành phố Đà Nẵng - hội nhập và phát triển (ảnh). Tham gia Hội thảo có các đồng chí: Phùng Tấn Viết, Phó Chủ tịch UBND thành phố; Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu đến từ các Viện kiến trúc, quy hoạch, các trường đại học trên cả nước.
Tại hội thảo, các đại biểu tập trung phân tích, đánh giá thực trạng quy hoạch hiện nay của thành phố cũng như đưa ra những góp ý về định hướng quy hoạch trong tương lai. Theo Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam Trần Ngọc Chính, Đà Nẵng trong những năm qua đã thực sự trở thành điểm sáng về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển của cả nước. Bởi thành phố mạnh dạn quy hoạch một cách đồng bộ, có tầm nhìn tốt và sức đột phá nhanh. Còn theo GS-TS Lê Hồng Kế, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, hiện nay Đà Nẵng cơ bản đã thành công trong việc thực hiện hầu hết các ý tưởng lớn trong Dự án Quy hoạch chung thành phố đến năm 2020.
Ngoài ra, các đại biểu còn cho rằng, việc Đà Nẵng phấn đấu trở thành thành phố môi trường là một hướng đi phù hợp với xu thế tất yếu của sự phát triển đô thị hiện nay, đó là “phát triển hài hòa giữa hiện đại và truyền thống, hướng tới phát triển bền vững và phát triển đô thị bền vững”, trong đó chú ý đến sự phát triển thân thiện với môi trường, đưa hệ sinh thái tự nhiên vào đô thị, tạo nên sự cân bằng giữa các hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái đô thị...
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển hiện nay, các đại biểu cũng nhấn mạnh rằng, thành phố Đà Nẵng cần có cách tiếp cận mới phù hợp hơn trong công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai. Hội thảo còn đưa ra những ý tưởng ban đầu cho định hướng thiết kế đô thị hai bên bờ sông Hàn và Quy hoạch khu danh thắng Ngũ Hành Sơn hướng đến một di sản văn hóa.
Hội thảo là dịp để lãnh đạo và ngành chức năng thành phố lắng nghe những đóng góp của các chuyên gia trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị hạt nhân khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Tin và ảnh: VĂN NỞ