Thảm họa kinh hoàng đối với con tàu du lịch hạng sang Costa Concordia của Italia đã xảy ra tối thứ Sáu tuần trước khi nó va phải đá ngầm ở gần hòn đảo Giglio. 4.229 người, trong đó đa số là du khách người Italia, Pháp và Đức, đến giờ vẫn chưa hết hoảng. Cho tới hôm qua, 5 người được chính thức xác nhận là đã chết, số người mất tích vẫn còn khoảng từ 40 đến 60.
|
Costa Concordia nghiêng 80 độ sang bên trái hôm 14/1 gần đảo Toscane. |
Trước đó, Tỉnh trưởng Grossetto, ông Giseppe Linardi, đã xác nhận thông tin “3 người chết” và nhưng nói rằng còn 41 người mất tích. Ông Giseppe Linardi còn phải đối chiếu hai bản danh sách những người có mặt trên tàu, 4231 hay 4229 hành khách và thủy thủ đoàn. Vị tỉnh trưởng kể có trường hợp 4 người Mỹ đã được cho là mất tích nhưng sau đó lại được tìm thấy tại nhà một người dân ở Giglio.
Hai trong số 3 người thiệt mạng là hành khách Pháp, người còn lại là thủy thủ người Peru. Tuy nhiên, phát ngôn viên của lực lượng canh giữ bờ biển Cosimo Nicastro cho rằng còn từ 50 đến 60 người mất tích.
Đêm ngày 14 rạng sáng ngày 15/1, một cặp vợ chồng Hàn Quốc 29 tuổi đi nghỉ tuần trăng mật đã được cứu sống khỏi xác Costa Concordia sau khi trải qua 24 giờ bị kẹt trong tàu. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết thêm, tổng số có 35 người Hàn Quốc, trong đó có hai thành viên thủy thủ đoàn, đã được tìm thấy. Về phần mình, Manila cho hay, có tới 300 người Philippines trong số khoảng 1.000 người làm việc trên con tàu Costa Concordia và rằng 21 người trong số họ đã bị thương.
Theo thống kê đến chiều qua, vụ tai nạn đã khiến 42 người bị thương, trong đó có 2 trường hợp bị thương nặng, một người phụ nữ bị thương ở đầu và một người đàn ông bị thương ở cột sống. Nhưng 26 người khác thì có thể đã rời bệnh viện khi sức khỏe ổn định. Các nguồn tin y tế cho hay, đa số họ bị gãy tay, gãy chân hoặc bị hạ thân nhiệt sau khi bị ngâm mình trong nước lạnh giá.
Ennio Aquilino, chỉ huy lực lượng cứu hộ Grossetto, cho biết, lực lượng cứu hộ đã đưa được lên khỏi mặt nước 100 người và cứu sống khoảng 60 người bị kẹt trong con tàu. Cho tới chiều qua, hơn 4.200 may mắn sống sót sau vụ tai nạn đã được đưa từ Giglio tới cảng Santo Stefano, sau đó được đưa trở về nhà họ ở Italia, ở nước ngoài hoặc tới các khách sạn trong khu vực.
Phần lớn những người trên tàu đã vào đất liền bằng thuyền cứu sinh nhưng cũng có một số người tự bơi vào bờ. Một số hành khách bị kẹt trên tàu đã được thuyền cứu sinh, máy bay trực thăng đưa đến nơi an toàn trong khi một số hành khách khác nhảy xuống biển trong thời tiết giá lạnh.
Costa Concordia được xem như một “thiên đường vui chơi giải trí” với 58 dãy phòng với các ban công, 5 nhà hàng, 13 quán bar, 5 bồn tắm nước nóng và 4 bể bơi. Lúc xảy ra tai nạn, các hành khách đang ăn tối hoặc một số người đã lên giường đi ngủ. “Chúng tôi nghe thấy một tiếng động rất mạnh, các món ăn và dao kéo rơi xuống đất, ánh sáng phụt tắt nhưng nhân viên nói với chúng tôi là không lo lắng”, du khách Roberto Bombardieri cho biết. |
Trong khi đó, suốt cả ngày 14/1, lực lượng cứu hộ và thợ lặn đã cố gắng tìm kiếm người sống sót, kiểm tra các phần nổi, phần chìm của con tàu nghiêng tới 80 độ và một nửa ở dưới nước.
Luca Cari, một phát ngôn viên của lực lượng cứu hộ, tỏ ra lo ngại con tàu bị mắc kẹt trên những tảng đá trượt ra biển khiến nó có thể trôi ra chỗ có độ sâu 100 mét. Một quan chức của Bộ Môi trường Italia đã loại bỏ mọi nguy cơ ô nhiễm môi trường, đồng thời khẳng định “đó là một con tàu mới, hai đáy”.
Thuyền trưởng của con tàu là Francesco Schettino và cấp phó của ông này là Ciro Ambrosio đã bị bắt giữ, bị cáo buộc giết hại nhiều người và bỏ trốn lúc con tàu gặp nạn.
Thuyền trưởng của con tàu đã “tiếp cận một cách rất vụng về vào hòn đảo Giglio khiến con tàu va phải một tảng đá ngầm, dập nát sườn trái, nghiêng dần sang phía bên trái và làm nước biển nhanh chóng tràn vào tàu chỉ trong hai, ba phút”, công tố viên Grosseto Francesco Verusio nói với báo giới. Thuyền trưởng Schettino trước đó khăng khăng khẳng định đã “va phải một mũi đá” không có trên bản đồ hàng hải, một giả thuyết được lực lượng canh phòng bờ biển loại trừ.
Con tàu Costa Concordia đã xuất phát từ Civitavecchia vào lúc 18h00 GMT hôm 13/1 với 4.229 người trên tàu, trong đó có hơn 3.000 khách du lịch (989 người Italia, 569 người Đức, 462 người Pháp, 177 người Tây Ban Nha, 129 người Mỹ).
Theo một bản thông cáo của Costa Crociere, con tàu hạng sang này thực hiện một chuyến du lịch xuyên Địa Trung Hải bắt đầu từ Savone với các điểm dừng dự kiến là Civitavecchia, Palermo, Cagliari, Palma de Majorque, Barcelona và Marseille”.
|
Hành khách chưa hết bàng hoảng sau tai nạn. |
Lúc đầu thuyền trưởng muốn trấn an du khách với thông báo trục trặc điện. “Vào khoảng 21h45 giờ địa phương (20h45 GMT), có hai tiếng còi báo động và chúng tôi cố giữ bình tĩnh để tránh hoảng loạn trong hành khách”, một người làm chương trình trên con tàu cho biết. Và hai giờ sau đó quyết định đưa hành khách thoát khỏi con tàu bắt đầu được đưa ra.
Nhiều du khách mô tả lại cảnh chen lấn trên tàu như “cảnh tận thế” và “hoảng loạn”. Mọi người cố gắng leo lên những chiếc thuyền cứu sinh trong tiếng khóc và nước mắt của khoảng 50 trẻ em cũng như nhiều người già tham gia chuyến du ngoạn.
Một du khách là nhà báo, Mara Parmegiani, đã chỉ trích sự bất cẩn, không chuẩn bị trước của đoàn thủy thủ: “Có nhiều vấn đề xảy ra lúc những chiếc thuyền cứu sinh được hạ xuống biển” và người lái tàu “đã phải thay thế”, trong khi một số áo phao cứu hộ bị trục trặc và ánh sáng trong trường hợp khẩn cấp cũng không có.
Một cuộc điều tra đã được mở ra để làm rõ nguyên nhân gây ra thảm họa này cũng như về công tác cứu hộ hành khách của con tàu. Hiện chiếc hộp đen của con tàu, trong đó ghi lại các cuộc trao đổi) đã được tìm thấy và giao cho cơ quan tư pháp Italia.
Thảm họa đối với tàu Costa Concordia được một số hành khách lo sợ và so sánh với vụ tai nạn của con tàu Titanic bị chìm giữa biển năm 1912, cướp đi sinh mạng của hơn 1.500 người.
Quang Minh (theo AFP, BBC, Reuters)