Đặc sắc lễ Ét Đông của người Giơ Lâng ở Kon Tum

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ét Đông là lễ đặc biệt quan trọng, thể hiện sự tôn thờ của đồng bào Giơ Lâng đối với các vị thần tự nhiên, chỉ sau khi ăn lễ Ét Đông, người Giơ Lâng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đình như: làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò…
Già làng A Jring Đeng chuẩn bị làm lễ Ét Đông tại nhà rông.
Già làng A Jring Đeng chuẩn bị làm lễ Ét Đông tại nhà rông.

Tất bật chuẩn bị lễ

Người Giơ Lâng là một nhánh của người Bana sống tập trung chủ yếu ở xã Tân Lập và xã Đăk T’Re (huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum). Lễ Ét Đông (Tết con dúi) là một trong những lễ đặc sắc của họ. Theo quyết định của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch,kể từ ngày 27/5/2021, lễ Ét Đông của người Giơ Lâng ở huyện Kon Rẫy trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đối với người Giơ Lâng, dúi là con vật thiêng, biểu tượng của sự cần cù, siêng năng và ấm no. Thức ăn của dúi rất đa dạng, nó có thể ăn rễ tre, rễ cỏ và bất cứ hoa quả nào gặp phải nên quanh năm suốt tháng chẳng bao giờ sợ thiếu thức ăn. Loài dúi không phá hoại mùa màng của người dân như lũ chuột đồng nên mọi người rất kính trọng.

Lễ Ét Đông thường được tổ chức 2 ngày vào đầu tháng 10 dương lịch hàng năm, khi cây lúa bắt đầu trổ bông, ngậm hạt. Tết con dúi là để cầu mong một năm thu hoạch mùa màng thuận lợi, mọi gia đình trong cộng đồng làng được ấm no, hạnh phúc, là ngày tổ tiên ông bà về thăm con cháu và là ngày gắn kết thêm tình cảm của cả cộng đồng làng.

Đặc biệt, chỉ sau khi ăn lễ Ét Đông, người Giơ Lâng mới được phép triển khai những việc lớn của gia đìnhnhư: làm nhà mới, sửa nhà cũ, cưới hỏi, mua trâu, bò…

Lễ Ét Đông vừa trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ Ét Đông vừa trở thành Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo già làng A Jring Đeng (làng Kon Brăp Ju, xã Tân Lập), sau khi ngày lễ Ét Đông được ấn định bởi hội đồng già làng, mỗi gia đình khi đi rừng hay lên nương rẫy đều chú ý tìm cho được ít nhất là một con dúi, sau đó mang về làm sạch ruột, ướp muối, luộc chín rồi treo lên giàn bếp để dành. Đồng thời, họ cũng chuẩn bị một ghè rượu thật ngon. Đây là lễ vật bắt buộc, không thể thiếu để dâng lên Yàng (thần) trong ngày lễ.

Mặc dù lễ Ét Đông chỉ diễn ra trong 2 ngày đêm nhưng mọi gia đình đều khẩn trương chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó. Mọi thứ được chuẩn bị công phu và cẩn thận. Một số trai trẻ được già làng phân công vào rừng chặt le về làm cây nêu trước nhà rông và dựng ở cổng làng để đón chào khách.

Sau khi luộc chín, con dúi được cắm vào một que tre nhọn, từ đầu đến đuôi được trang trí bằng những hạt cườm đủ màu sắc và bằng những vật liệu cách điệu, tượng trưng cho nền sản xuất nông nghiệp, nương rẫy. Trên đầu que được cột một ngọn đèn làm từ sáp ong. Trên cây que còn có biểu tượng của cây cung để xua đuổi những điều không may mắn, một ít bông gòn để cầu mong sự phồn thịnh cho gia chủ.

Điểm đặc biệt của những cây nêu trong ngày lễ Ét Đông là biểu tượng của bông lúa được những nghệ nhân thể hiện hết sức sinh động. Họ dùng dao nạo lớp vỏ của cây le tạo thành những sợi dài tượng trưng cho sự sinh sôi, nảy nở của cây lúa, loại thức ăn nuôi sống con người từ bao đời nay.

Phong tục mang ý nghĩa tâm linh

Mang nhiều ý nghĩa tâm linh và giá trị cộng đồng nên mọi người đều không bỏ lỡ dịp đón Tết con dúi. Trong ngày lễ, vừa sớm tinh mơ, người chủ nhà lấy lễ vật chuẩn bị sẵn, thắp đèn sáp ong có cột con dúi lên cùng một bát cơm quay vào cây cột giữa nhà - nơi thờ tổ tiên ông bà, khấn và mời về ăn Tết con dúi.

Sau đó, mọi người trong gia đình chia đều bát cơm cúng cùng với thịt dúi rồi ăn để lấy may. Trước khi ăn, mỗi người lấy một hạt cơm để trên đầu, bởi người Giơ Lâng quan niệm hạt lúa chính là mẹ lúa đã nuôi sống họ hàng ngày.

Khi mặt trời vừa nhô lên cũng là lúc một hồi trống dài vang lên từ phía nhà rông. Không ai bảo ai như một thông lệ từ xưa, mỗi người chủ hộ mang theo một ghè rượu thật ngon và một ống lồ ô đựng con dúi cùng một số vật dụng dùng cho lễ cúng.

Với những gia đình có con hoặc cháu nhỏthì khi lên nhà rông, chủ nhà chỉ gùi ghè rượu, còn đứa bé cầm ống lồ ô đi theo. Trong đó, con dúi được buộc cẩn thận vào cây le, đầu hướng lên trên và trang hoàng thêm sợi nan tròn hình cung gắn bông gòn, bông nan xinh xắn.

Theo quan niệm của người Giơ Lâng Lưng, trẻ em không biết nói những lời tục tĩu, chưa nghĩ tới những việc xằng bậy nên để trẻ mang vật thiêng dâng cúng các vị thần linh và ông bà tổ tiên là hợp lẽ. Ngoài ra, đây còn là dịp để cho lũ trẻ hiểu thêm, tiếp nhận những trao truyền của thế hệ đi trước về phong tục tập quán của dân tộc mình.

Tại nhà rông, già làng buộc ghè rượu quý có cắm con dúi của gia đình mình vào cây cột chính ở giữa nhà. Sau đó, những hộ trong làng cứ theo thứ tự đã quy định, buộc xen kẽ phần lễ của mình vào những cây cột được bố trí thành một hàng dài chính giữa nhà rông.

Khi đặt ghè rượu,họ cũng đặt vào dưới đáy ghè số hạt gạo tương ứng với số người trong gia đình. Sau khi tan lễ, họ sẽ kiểm tra lại nếu thấy dư hoặc thiếu là báo hiệu điềm không tốt cho gia đình trong năm đó.

Sau đó, già làng ngồi tại vị trí trung tâm nhà rông, tay cầm cuộn chỉ cột từ ghè rượu của già làng rồichuyền tay nhau kéo sợi chỉ đến từng ghè rượu, cây cột được dành riêng cho mỗi nhà. Điểm cuối của dây được buộc vào cây nêu lớn của làng.

“Không chỉ mang ý nghĩa lan tỏa những mạch máu trong một cơ thể, lan tỏa tinh thần đoàn kết của cộng đồng, nghi thức này cũng thể hiện sinh động một trong những nét đẹp cổ truyền liên quan đến cây lúa. Đó là dẫn đường cho hạt lúa được mùa về đến từng nhà, mang theo những điều may mắn, tốt lành đến mọi người”, già làng A Jring Đeng cho biết.

Tiếp đến, già làng tiến hành nghi lễ cúng Yàng và ông bà tổ tiên với những lời khấn vái. Già làng làm một số nghi thức như: lấy rượu trong từng ghè đổ vào một ống nứa, lấy một miếng da trên đỉnh đầu của con dúi, đem xâu lại thành chuỗi rồi cột vào góc thiêng của nhà rông để dâng lên Yàng.

Các gia đình ngồi cúng tại ghè rượu của gia đình, sau đó lấy một ít rượu cần đưa ra trước cửa nhà rông để mời “ma”, rồi lần lượt đổ rượu vào cái phễu lá chuối và đi đến không gian thiêng, nơi già làng vừa đặt chén rượu, da dúi để hành lễ.

Sau phần lễ, già làng uống ghè rượu cần đầu tiên rồi đến các hộ gia đình, họ mời nhau nếm thử hết một lượt rượu của các gia đình. Họ vừa uống rượu vừa nói chuyện mùa màng, con cái, chia sẻ kinh nghiệm canh tác, sản xuất, săn bắn… rồi trở về nhà ăn cơm.

Khi tiếng trống của già làng cất lên tại nhà rông, mọi người lại tập trung về đây cùng uống rượu, hát hò, đánh chiêng, diễn xướng những trò chơi dân gian… cứ như thế cuộc vui kéo dài đến ngày hôm sau.

Đến trưa ngày tiếp theo, mọi nhà xẻ thịt dúi chia đều cho tất cả các thành viên tham dự và khách. Tất cả cùng ăn uống, trao đổi về công việc trong thời gian tới.

Đến cuối ngày, phần xương đầu của con dúi được buộc vào que le và cắm ở khu vực thờ chính giữa nhà rông. Nghi thức này vừa thể hiện lòng thành kính của dân làng đối với con vật thiêng, đồng thời cũng là lời thông báo đến các thần linh rằng lễ Ét Đông đã kết thúc.

Ét Đông là một lễ đặc sắc, mang tính triết lý nhân văn sâu sắc. Thông qua lễ Ét Đông, người Giơ Lâng muốn giáo dục con cháu mình phải biết giữ gìn truyền thống, nhớ ơn tổ tiên ông bà, đoàn kết thương yêu nhau, chăm chỉ làm ăn mới mong có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Đọc thêm