Đại án Tổng Công ty 3/2: Công lao cả đời “trôi sông đổ biển” sau lần lầm lỗi

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hiếm thấy trong một vụ án nào, mà bị can trong vụ án lại được sự quan tâm của nguyên lãnh đạo Nhà nước và tỉnh Bình Dương; như với bị can Nguyễn Văn Minh (nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ TCty SX-XNK Bình Dương TNHH MTV (TCty 3/2)) bị điều tra, truy tố vì “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”.
Trụ sở TCty 3/2 tại Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương.
Trụ sở TCty 3/2 tại Lái Thiêu, Thuận An, Bình Dương.

Xác nhận trong đơn của vợ con ông Minh, ngày 15/4/2020, nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ghi “Anh Minh đang có vấn đề sức khỏe cần được tại ngoại để chăm sóc, điều trị. Rất mong được sự quan tâm giúp đỡ”.

Ngày 23/4/2020, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Mai Thế Trung; nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch HĐND tỉnh Vũ Minh Sang; nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Minh Phương và Lê Thanh Cung; nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh Huỳnh Văn Nhị; nguyên Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Lê Thành Nhơn… cũng cùng có ý kiến, xác nhận như trên.

Tại Bình Dương, từ 40 năm nay, TCty 3/2 không phải là doanh nghiệp (DN) lớn nhất, có nhiều đóng góp nhất; nhưng dấu ấn của DN này là không nhỏ. Trực thuộc Tỉnh ủy nhưng DN này được đánh giá không ỷ lại, mà năng động nhạy bén dám nghĩ dám làm, hoạt động mang lại hiệu quả cao, được Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lao động” năm 2013.

Ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết...

Ý kiến của nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết...

... và một số lãnh đạo Bình Dương với trường hợp ông Minh

... và một số lãnh đạo Bình Dương với trường hợp ông Minh

Từ xưởng dép xốp đến dự án 150 triệu USD

Năm 1982, khi TW Đảng có chủ trương cho phép tổ chức sản xuất trong các cơ quan của Đảng, nhằm chủ động nguồn ngân sách Đảng ở địa phương, Tỉnh ủy Sông Bé (nay là Bình Dương và Bình Phước) lập “Xí nghiệp sản xuất hàng cao su 3/2 Sông Bé” làm dép xốp xuất khẩu.

10 người thuộc một xí nghiệp quốc doanh chăn nuôi được giao việc này, trong đó có ông Minh khi đó là một kỹ sư trại lợn mới hơn 20 tuổi. Quyết tâm vừa học vừa làm, tự lực cánh sinh, hết làm dép xốp lại mở rộng sang nước đá, cưa xẻ, tấm lợp, ván ép, đóng gói bao bì, cơ khí… chỉ sau 2 năm số lao động đã trên 500 người, được Hội đồng Nhà nước tặng Huận chương Lao động hạng Nhất.

Năm 1987, nhận thấy tình hình biến động không thuận lợi ở các nước Đông Âu, Xí nghiệp này chuyển hướng sản xuất kinh doanh hướng tới các nước tư bản, mở một loạt cơ sở sản xuất mới, số lao động lên hơn 1000 người, thu nhập cao hơn. UBND tỉnh đổi tên Xí nghiệp thành “Liên hiệp Xí nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu”, rồi “Liên hiệp Xí nghiệp sản xuất & XNK” để phù hợp quy mô phát triển. Thực hiện chủ trương đổi mới và chính sách thu hút đầu tư của Đảng và Nhà nước, năm 1989 DN này liên doanh với Nhật lập Cty chế biến gỗ vốn đầu 1,2 triệu USD.

Dự án triệu USD dám mạnh dạn làm, và với dự án “cây kim sợi chỉ” DN này cũng không ngại ngần, như lập xưởng may vào 1989 (sau này là Cty CP May mặc Bình Dương). Từ một xưởng may thêu gia công cho nước ngoài; cùng với sự học hỏi nhạy bén nâng cao chuyên môn; Cty này nhanh chóng được đánh giá là có chuyên môn, khả năng cạnh tranh hàng đầu lĩnh vực may mặc cả nước; với trên 4000 lao động chuyên sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh (FOB), từ thiết kế, sản xuất, đến tiêu thụ trên thị trường quốc tế.

Một dấu ấn khác, năm 1992, DN này liên doanh với Singapore lập sân golf đầu tiên tại Việt Nam, tổng vốn đầu tư 28 triệu USD. Từ “dấu mốc” này, tỉnh đổi tên DN thành Cty Sản xuất & XNK Sông Bé.

Một báo cáo cho biết: “Với chức năng là DN kinh tế của Đảng, kết quả kinh doanh hiệu quả cao, từ 1985-1992, đơn vị đã đáp ứng đầy đủ nhu cầu về chi ngân sách của Đảng bộ Sông Bé, không phải nhận kinh phí từ TW”.

Chín năm sau khi tỉnh Sông Bé tách thành Bình Dương và Bình Phước, năm 2006 Bình Dương chuyển DN này sang hoạt động theo mô hình Cty mẹ - Cty con. Từ 1997, TCty 3/2 có hàng loạt dự án khu công nghiệp (KCN), liên doanh, góp vốn; quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả các Cty con và Cty có phần vốn góp.

Một báo cáo cho thấy, “trong suốt quá trình sản xuất kinh doanh, TCty 3/2 luôn hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu về doanh thu, lợi nhuận, nộp ngân sách, hoạt động XNK. Các Cty con, liên doanh liên kết đều hoạt động có hiệu quả, hàng năm mang lại nhiều lợi nhuận, đóng góp nguồn thu đáng kể vào ngân sách, giải quyết công ăn việc làm cho trên 10 ngàn lao động”.

Theo thống kê, chỉ trong 5 năm 2012 - 2017, TCty 3/2 có tổng doanh thu thuần 15 ngàn tỷ, nộp ngân sách Nhà nước 276 tỷ, nộp ngân sách Đảng 90 tỷ, kim ngạch XNK 367 triệu USD.

Một điều đáng ghi nhận khác, TCty 3/2 mạnh dạn “lấn sân” sang kinh doanh địa ốc. Trước khi CPH, TCty này đã bàn giao Tỉnh ủy Bình Dương 972 ha đất tại nhiều địa phương trong cả nước như Bình Dương, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu… trong đó có một số khu đất do TCty tự mua sắm để kinh doanh bất động sản, còn lại là đất thuê của Nhà nước.

Sức khỏe của ông Minh rất yếu trước khi bị bắt.

Sức khỏe của ông Minh rất yếu trước khi bị bắt.

“Nỗi khổ tâm khó nói” của TCty 3/2

Hiệu quả hoạt động kinh doanh của TCty 3/2 có thể còn lớn hơn nữa, sẽ trở thành “tròn trịa”, nếu như DN này không có một số “nỗi khổ” khác như vướng mắc một số cơ chế, chủ sở hữu trong quá trình quản lý DN còn thực hiện chưa đầy đủ nghĩa vụ trách nhiệm… như Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã chỉ ra tại KLTT 1040/KL-TTCP-V.I ngày 29/4/2010 về việc chấp hành pháp luật tại TCty 3/2.

Tại văn bản này, TTCP cho biết trước thời điểm thanh tra, đã có một số cơ quan chức năng tiến hành thanh kiểm tra tại đây như Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Bộ Tài chính…

TTCP kết luận suốt quá trình hoạt động kinh doanh đến thời điểm thanh tra, toàn bộ tài sản của TCty 3/2 vẫn do Tỉnh ủy Bình Dương làm chủ sở hữu. Từ 2004 đến hết quý III năm 2009, tổng số tiền TCty đã nộp ngân sách Đảng của Tỉnh ủy Bình Dương là 10% lợi nhuận kinh doanh hàng năm. Tuy nhiên đến 30/9/2009, Tỉnh ủy Bình Dương vẫn chưa cấp đủ vốn điều lệ cho TCty với số tiền 205 tỷ.

TTCP kết luận với Tỉnh ủy Bình Dương, chưa thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ với tư cách là chủ sở hữu TCty 3/2, khiến một số dự án tại DN này gặp nhiều khó khăn về thủ tục giao đất, đầu tư xây dựng…

Theo TTCP, nguyên nhân dẫn đến một số khuyết điểm tồn tại ở TCty 3/2; trước hết liên quan trách nhiệm các cơ quan chức năng Bình Dương trong quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động của DN. Còn có “nguyên nhân khách quan có tác động đáng kể là do cơ chế chính sách và các quy định Nhà nước về quy hoạch, quản lý sử dụng đất còn nhiều bất cập, chưa cụ thể (…) dẫn đến gây khó khăn không nhỏ cho DN trong triển khai thực hiện đầu tư dự án trong điều kiện môi trường nền kinh tế có nhiều biến động”.

Từ thực tế tại TCty 3/2, TTCP kiến nghị Bộ Tài chính và Văn phòng TW Đảng nghiên cứu, hướng dẫn, ban hành các quy định cụ thể về quy trình sắp xếp, đổi mới các DN thuộc sở hữu của Đảng; cơ chế quản lý vốn, tài sản, lợi nhuận do liên doanh liên kết tại các DN của các cơ quan Đảng; trình tự, thủ tục điều chuyển vốn, tài sản từ sở hữu của Nhà nước cho các DN thuộc sở hữu của Đảng.

Rất đáng tiếc, những kiến nghị của TTCP với TCty 3/2 có thể đã chưa được thực hiện đầy đủ, nên sau đó vẫn xảy ra vụ án “vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước”. Tài sản Nhà nước bị thất thoát lãng phí trong vụ án là một phần giá trị hai khu đất (43 ha và 145 ha, từng được Bình Dương giao nhận theo cơ chế “không giống ai” như PLVN đã có bài phản ánh ngày 19/2/2022).

Theo CQĐT, với ông Minh và dự án 43 ha, trong quá trình CPH TCty 3/2, lẽ ra phải chuyển giao khu đất này về Cty TNHH MTV Đầu tư & Quản lý Dự án Bình Dương (Impco - DN thuộc Tỉnh ủy quản lý). Nhưng với mục đích chuyển nhượng khu đất cho Cty Tân Phú (sau này CQĐT chứng minh con rể ông Minh – có tiếng làm ăn lớn từ hàng chục năm nay, từng là chủ vũ trường New Century, là chủ hai đại lý xe hơi tại Hà Nội - có CP trong Cty Tân Phú); nên ông Minh vẫn chỉ đạo chuyển nhượng dự án Tân Phú trên khu đất cho Cty tư nhân; gây thất thoát tài sản Nhà nước gần 303 tỷ đồng.

Với dự án 145 ha, CQĐT xác định ông Minh đã chỉ đạo đưa vào góp vốn tại Cty Tân Thành mà không định giá, không đưa vào xác định giá trị DN khi CPH, gây thất thoát tài sản Nhà nước.

Bên trong căn nhà vợ chồng ông Minh ở trước khi bị bắt.

Bên trong căn nhà vợ chồng ông Minh ở trước khi bị bắt.

“Thân bại danh liệt” sau lần lầm lỗi

Từ một cậu bé bất hạnh vì sớm mồ côi cha, lại thêm lần bất hạnh khi cuộc sống vợ chồng sớm tan vỡ, chàng kỹ sư trại heo khi mới hơn 20 tuổi đã tìm thấy niềm vui sống khi gắn bó với xưởng dép xốp, rồi từ đó liên tục phát huy tính dám nghĩ dám làm, khả năng quản lý, được tín nhiệm giao dẫn dắt DN của Tỉnh ủy Bình Dương cho tới khi về hưu. Cùng năm 2013, khi TCty 3/2 được Nhà nước phong tặng “Anh hùng Lao động”, ông Minh cũng được tặng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Ở Bình Dương ông Minh có tiếng ngay thẳng. Một tài xế làm với ông gần 30 năm, nếu ông có bao nhiêu bí mật thì có thể bị nắm hết, nhưng ông dám công khai điều chuyển người này đi nơi khác vì: “Tui không có điều gì bí mật khuất tất”.

Thế nhưng những công lao cống hiến đóng góp cả cuộc đời, đã trôi sông đổ biển, sau lần lầm lỗi.

Thời điểm hiện tại, ông Minh có nhiều bệnh nặng, trong đó bệnh tim mạch dễ gây đột quỵ, hiện đang đặt 6 stents trong người. Trước khi bị bắt, ông Minh vẫn sống trong căn nhà của vợ có từ ngày còn cơ hàn tại quận Bình Thạnh (TP HCM), trời mưa là dột lung tung. Lúc bị triệu tập, kiểm tra đồ đạc, ông Minh chỉ có chiếc điện thoại màn hình đen trắng, ông phải giải thích mãi và nhiều nhân chứng xác nhận, cơ quan chức năng mới tin đó là điện thoại duy nhất ông dùng hàng ngày, không còn chiếc nào khác.

Điều cay đắng hơn nữa, là nhiều đồng nghiệp, lãnh đạo tỉnh, và con rể ông Minh cũng bị bắt Con gái ông Minh nhiều lần bị triệu tập làm việc với CQĐT. Ông ngoại và bố bị bắt, mẹ bị triệu tập, hai cháu ông Minh còn nhỏ tuổi đứa đã trầm cảm chuyển bệnh nặng hơn, đứa từng lẳng lặng leo lên cửa sổ lầu 3 nhảy thẳng xuống hồ bơi, may không ảnh hưởng tính mạng.

Trong kết luận điều tra, với bị can Minh, được xác định “quá trình điều tra không thành khẩn khai báo về động cơ vụ lợi của bản thân”. Vì sao lại thế? Trong một lá đơn gửi cơ quan chức năng, bà Lê Thị Bích Ngọc (SN 1952, vợ ông Minh), đưa ra quan điểm: “Chồng tôi được sinh ra, lớn lên, học tập trưởng thành từ địa phương. TCty 3/2 là ngôi nhà đầu tiên và cũng là duy nhất, lãnh đạo tỉnh các thời kỳ là những bậc cha mẹ, chú bác mà chồng tôi luôn tôn kính. Chồng tôi quan niệm mình là một đứa con ngoan, được sự yêu thương tin tưởng, nên luôn dốc toàn tâm sức cống hiến. Và có lẽ vì vậy mà có lúc chồng tôi đã có suy nghĩ, quyết định chủ quan dẫn đến hậu quả bản thân mình và người khác phải gánh chịu như ngày hôm nay”.

Bà Ngọc đưa ra góc nhìn: “Chồng tôi chưa bao giờ có toan tính vì vụ lợi cá nhân mà gây thiệt hại cho Nhà nước. Ở thời điểm đó, dự án 43 và 145 chỉ là bãi đất hoang, mời gọi các nhà đầu tư đến, nhìn thấy là họ từ chối tham gia. Chồng tôi năn nỉ một số DN đầu tư vào đây xuất phát từ mong muốn, quyết tâm của TCty 3/2, Tỉnh ủy và các cấp chính quyền tỉnh để có được Thành phố mới Bình Dương “đất vàng, đất kim cương” như đánh giá ngày hôm nay”.

Bà Ngọc kiến nghị: “Gia đình chúng tôi hiểu rằng công – tội phân minh, ai cũng phải chịu trách nhiệm về sai phạm của mình. Nhưng chúng tôi xin TW và cơ quan chức năng xem xét những cống hiến, công trạng, tình tiết khách quan, và thiệt hại trong vụ án đã được khắc phục triệt để; cũng như theo tinh thần Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; để xem xét các tình tiết giảm nhẹ, có lý có tình”.

Cùng với sự bùng nổ công nghiệp tại Bình Dương, từ 1997, TCty 3/2 có hàng loạt dự án khu KCN, liên doanh, góp vốn: Xây dự án KCN Singaprore Ascendas – Protrade 500 ha tại Bến Cát, tổng vốn đầu tư 150 triệu USD, thu hút 79 nhà đầu tư tổng vốn 2 tỷ USD, 50 ngàn lao động; dự án Twin Doves Golf Club & Resort vốn đầu tư 85 triệu USD tại Thủ Dầu Một; dự án 10 ngàn ha cao su tại Lào; dự án Bệnh viện đa khoa quốc tế Hạnh Phúc; dự án kho vận 8 triệu USD…

TCty này cũng đáp ứng được kỳ vọng của Tỉnh ủy và UBND Bình Dương khi đã góp vốn, quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả với các Cty con và Cty có phần vốn góp như Xí nghiệp chế biến lâm sản xuất khẩu 3/2, Cty CP Thương mại Tổng hợp Thuận An (chuyên kinh doanh xăng dầu), Cty Giấy Vĩnh Phú, Cty Chăn nuôi Vifaco, Cty Cao su Bến Cát, Cty Dịch vụ - Công nghiêp & Thuốc lá Bình Dương, Xí nghiệp cơ điện lạnh 3/2, Nông trường Phước Long…

Đọc thêm