Đại biểu Quốc hội bàn về phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca

(PLVN) - Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách để thảo luận về các dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV tổ chức hôm qua (28/3), ĐBQH đề nghị có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng.
Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ... Ảnh: LĐTĐ
Chào cờ Tổ quốc và hát Quốc ca là một nghi thức thiêng liêng thể hiện lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đồng thời giáo dục lý tưởng cách mạng cho cán bộ đảng viên, các tầng lớp nhân dân, nhất là đối với thế hệ trẻ... Ảnh: LĐTĐ

Đây là Hội nghị Đại biểu Quốc hội (QH) chuyên trách đầu tiên của nhiệm kỳ QH khóa XV, thảo luận về 4 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT); Luật Thi đua, Khen thưởng (sửa đổi); Luật Điện ảnh (sửa đổi) và Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).

Ngay sau khai mạc, Hội nghị đã dành thời gian cả ngày để thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT; Luật Thi đua, Khen thưởng (TĐKT) sửa đổi. Một nội dung được quan tâm trong sửa đổi, bổ sung một số điều Luật SHTT là quy định về phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, tại Báo cáo số 87/BC-CP, Chính phủ đề nghị cần có quy định chặt chẽ hơn về việc cho phép khai thác, sử dụng và phổ biến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca trong đời sống xã hội, đặc biệt là trên không gian mạng, nhằm vừa bảo đảm tính pháp lý, giữ gìn sự trang trọng, tôn nghiêm của Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, vừa đáp ứng nhu cầu phổ biến đến nhân dân, hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tiễn.

Người dân treo quốc kỳ mỗi dịp lễ tết hay sự kiện trọng đại của đất nước. Ảnh: Phan Nhân

Người dân treo quốc kỳ mỗi dịp lễ tết hay sự kiện trọng đại của đất nước. Ảnh: Phan Nhân

Qua nghiên cứu, Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản thống nhất với sự cần thiết bổ sung quy định này; tuy nhiên, cơ quan này đề nghị việc thực hiện quyền SHTT không được xâm phạm lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân và quy định khác của pháp luật có liên quan. Tổ chức, cá nhân thực hiện quyền SHTT liên quan đến Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca không được ngăn chặn, cản trở việc phổ biến, sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đại biểu Nguyễn Công Long (Đoàn Đồng Nai) phản ánh, qua rà soát thấy lỗ hổng pháp lý khá lớn khi chưa có văn bản nào quy định về việc sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca. Việc sửa Luật lần này nên chăng cần xử lý và giao Chính phủ thẩm quyền quy định sử dụng Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Cùng quan điểm trên, Đại biểu Lê Minh Nam (Đoàn Hậu Giang) phân tích, Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là đối tượng đặc biệt, được ghi trong Hiến pháp nên cần quy định riêng và được đối xử đặc biệt hơn. Dưới góc độ bản quyền, nếu không quy định cụ thể quyền liên quan thì xảy ra trường hợp nhân danh sáng tạo nghệ thuật, có quyền liên quan để cản trở, xúc phạm cũng như ngăn cản việc phổ biến, tiếp cận Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca.

Đối với đề xuất của Chính phủ muốn thu hẹp xử lý hành chính và mở rộng giải quyết tranh chấp bằng cơ chế Tòa án với các vi phạm về SHTT, Đại biểu Đồng Ngọc Ba (Đoàn Bình Định) đề nghị giữ nguyên cơ chế hiện nay vì các vi phạm về SHTT có thể là vi phạm trong các giao dịch dân sự, hoặc có thể là vi phạm xâm phạm trật tự quản lý hành chính nhà nước. Nếu giải quyết tranh chấp về SHTT cơ bản bằng cơ chế Tòa án, không có xử lý hành chính hay xử lý ở phạm vi hẹp sẽ dẫn đến quá tải cho hệ thống Tòa án về cả số lượng công việc, năng lực, sự chuẩn bị chuyên môn của Tòa án để giải quyết tranh chấp về SHTT, điều này chưa tốt trong điều kiện chưa có Tòa án chuyên trách về SHTT.

Dẫn số liệu chỉ có 5,5% số vụ việc liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp được đưa ra Tòa, Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) cũng đề nghị không thu hẹp xử phạt hành chính mà nên có sự phân loại trường hợp nào sẽ chỉ xử lý hành chính, trường hợp nào bắt buộc phải được xử lý tại Tòa. Bên cạnh đó, cần quy định cụ thể thế nào là vi phạm đủ yếu tố cấu thành tội phạm cũng như cần giảm quy trình, thủ tục khiếu kiện, thụ lý hồ sơ, xét xử đối với các vụ việc, đảm bảo lợi ích của các bên liên quan.

Đọc thêm