Đại học Thành Đô tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia nghiên cứu kinh tế - Du lịch

(PLVN) - Với sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà hoạch định, các đại diện khu vực kinh tế du lịch, các nghiên cứu sinh, các giảng viên… hội thảo đã diễn ra trong không khí sôi nổi, nhiệt tình của các thành viên tham dự.

Này 26/8/2019, tại Đại học Thành Đô đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia nghiên cứu kinh tế - Du lịch từ cách tiếp cận liên ngành – ICETD. 

Ảnh: Hội thảo khoa học Quốc gia NC Kinh tế- Du lịch

Du lịch được xác định là một trong những ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của Việt Nam trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Bên cạnh việc đóng góp một phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Du lịch còn là một trong những ngành kinh tế đem lại nhiều việc làm cho người dân, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, xóa đói, giảm nghèo, đẩy mạnh hội nhập quốc tế, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam với thế giới. Chính vì thế, Du lịch đang dần trở thành một trong những ngành kinh tế dịch vụ được ưu tiên hàng đầu tại Việt Nam. Hội thảo khoa học cấp quốc gia nghiên cứu kinh tế - Du lịch là một trong những hoạt động hữu ích để các nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định, các giảng viên, nghiên cứu sinh…trao đổi, giao lưu, học hỏi, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về lĩnh vực du lịch cũng như phương pháp nghiên cứu một cách hiệu quả.

Trong những năm gần đây, các giảng viên, cán bộ Trường Đại học Thành Đô đã nhận thức được tầm quan trọng và đang đầu tư mạnh mẽ để thúc đẩy việc công bố khoa học trên các tạp chí uy tín trên thế giới nhằm xác định thương hiệu và vị thế của đơn vị trong hệ thống giáo dục đại học trên thế giới và trong nước, khẳng định niềm tự hào của nền giáo dục Việt Nam và còn là động lực phát triển của các trường đại học nhằm khẳng định vị thế của mình trước nhu cầu đòi hỏi mạnh mẽ về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Có một thực tế cần được nhìn nhận trong quá trình hội nhập quốc tế giáo dục hiện nay, qua số lượng các nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực đã được công bố quốc tế thì lĩnh vực Du lịch vẫn chỉ có một lượng cực kỳ hạn chế, cho dù giới khoa học thế giới và trong nước nhận định đây là một “mảnh đất màu mỡ” chưa được khai phá hết, còn nhiều tiềm năng với các đặc thù rất riêng biệt của Việt Nam mà ít nơi nào có được.

Từ thực tế nhận thức được tình hình nghiên cứu trong lĩnh vực Du lịch, cũng như năng lực nghiên cứu của các trường đại học trong nước, bên cạnh sự nỗ lực của các đơn vị, việc cần thiết phải nhanh chóng xây dựng một lộ trình bền vững và hiệu quả về cơ chế chính sách cấp quốc gia để thúc đẩy công bố quốc tế đỉnh cao những chủ đề nghiên cứu trong lĩnh vực Du lịch vốn được xem là một mục tiêu vô cùng quan trọng trong tình hình hiện nay.

PGS. TS. Dương Văn Sáu – Trưởng khoa Văn hóa – Du lịch – Đại học Văn hóa Hà Nội với bài trình bày về “Tâm linh và du lịch tâm linh ở Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”. Theo PGS.TS. Dương Văn Sáu, Du lịch Tâm linh (Spiritual tourism) là loại hình đưa du khách tới những nơi có các CƠ SỞ và điều kiện ĐẶC THÙ để du khách có cơ hội được chiêm bái và thực hành các nghi thức tôn giáo, tín ngưỡng; giúp họ thỏa mãn các nhu cầu tâm linh, tinh thần của mình. Trong giai đoạn gần đây, loại hình du lịch tâm linh đã và đang phát triển mạnh mẽ góp phần giải quyết, giúp thỏa mãn các nhu cầu tâm linh – tinh thần của các đối tượng du khách khác nhau. Nó góp phần thay đổi diện mạo, cơ cấu kinh tế, chính trị, văn hóa – xã hội ở các địa phương có các điểm đến của du lịch tâm linh. Vì thế chú trọng phát triển du lịch tâm linh cũng là điều cần thiết

Phần bình bày của TS. Trần Doãn Phú – Trưởng khoa khoa cơ bản – Đại học Thành Đô cũng thu hút người nghe với chủ đề Sự phát triển của Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây nhìn từ các số liệu thống kê, đã cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự phát triển nhanh chóng của Du lịch Việt Nam trong những năm gần đây, qua đó thấy được ngành Du lịch đã cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội như mục tiêu của NQ 08-NQ/TW ban hành ngày 16/01/2017 của Bộ chính trị đề ra.

Hay bài trình bày của TS. Trần Quang Tuyến và Vũ Văn Hưởng – Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc Gia Hà Nội với nội dung: Môi trường kinh doanh và hiệu quả của doanh nghiệp: trường hợp của các doanh nghiệp du lịch tại Việt Nam cũng đã được đông đảo những người tham gia hội thảo đặt câu hỏi và thảo luận sôi nổi.  

Ảnh: TS. Trần Quang Tuyến - Đại học Kinh tế - ĐH Quốc gia Hà Nội

Nghiên cứu du lịch, khách sạn tại Việt Nam: một phân tích từ dữ liệu ISI Web of Science giai đoạn 2001-2018, là phần trình bày của Ths. Phan Thanh Thảo – Giảng viên Khoa Du lịch ngoại ngữ - Đại học Thành Đô. Với việc sử dụng dữ liệu ISI Web of Science, tác giả đã trích xuất và phân tích tổng cộng 73 bài báo có của các tác giả từ Việt Nam thuộc chủ đề du lịch, khách sạn trong giai đoạn 2001-2018.  Từ đó nhìn nhận bức tranh toàn cảnh của nghiên cứu khoa học về chủ để du lịch, khách sạn tại Việt nam giai đoạn 2001-2018.

Ths. Thân Đình Vinh đến từ Đại học Kiến Trúc Hà Nội với nội dung “Phát triển đô thị sinh thái – có sở phát triển du lịch sinh thái tại Việt Nam”  đưa ra hướng tiếp cận phát triển du lịch sinh thái từ công tác quy hoạch đô thị sinh thái tại Việt Nam. Ths. Thân Đình Vinh cho rằng, thông qua công tác quy hoạch đô thị để tạo lập môi trường sống cho người dân, du khách và phát triển du lịch sinh thái. Đây cũng được xem là một trong những hướng đi mới trong con đường du lịch Việt Nam.

Mỗi tác giả với bài trình bày của mình đã đề cập đến một vấn đề, một khía cạnh, một cách nhìn nhận nào đó đối với sự phát triển của ngành kinh tế du lịch Việt Nam. Từ đó tìm ra những giải pháp, những định hướng cho sự phát triển của ngành Du lịch Việt Nam nói chung và du lịch địa phương nói riêng. Các thông tin, kiến thức, số liệu được trình bày một cách cụ thể trên cơ sở tìm hiểu, nghiên cứu, thống kê, tổng hợp để đưa ra những nhận định, đánh giá một cách khách quan và chủ quan nhằm mục đích vạch ra những điều được và chưa được của ngành kinh tế du lịch hiện nay tại Việt Nam.

Ảnh: Toàn cảnh Hội thảo

Buổi hội thảo khoa học nghiên cứu sẽ là cơ hội cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, các giảng viên được gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, chia sẻ lần nhau về kiến thức cũng như các phương pháp nghiên cứu về lĩnh vực Kinh tế - Du lịch, hỗ trợ cho công tác giảng dạy của mỗi giảng viên,  góp phần vào sự phát triển cho ngành du lịch nước nhà khi bài viết có tính ứng dụng cao. Những ý kiến trao đổi, phản hồi và các ý tưởng đóng góp cho Hội thảo sẽ là những thông tin quan trọng để Ban tổ chức đề xuất một chương trình hành động thực tế và hiệu quả lên các cấp lãnh đạo của Việt Nam.

Đọc thêm