Bị đánh ngất xỉu giữa chợ
Theo trình bày của bà Phạm Thị Côi (SN 1975, ngụ thôn 2, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk), vào sáng sớm 20/11/2015, bà dọn áo quần ra giữa chợ xã Ea Hu để bán thì xảy ra xích mích với “đồng nghiệp” là Lê Thị Lành.
Hai bên lời qua tiếng lại để giành chỗ bán nhưng không phân thắng thua, bà Lành bị cho là đã gọi điện cho chồng là Võ Tấn Thượng và em chồng Võ Tấn Tài Tới “trợ giúp”. “Khi tôi đang lúi húi thu gom hàng thì bị họ tông xe Honda vào phía sau. Tôi vừa ngẩng đầu lên thì bị cả Tài và Thượng lao vào đánh tới tấp. Trong lúc hoảng loạn, tôi chạy vào một cửa hàng gần đó để nấp nhưng vẫn bị họ truy đuổi, đánh ngất xỉu”, bà Côi kể lại.
Sau khi vụ việc xảy ra, phía công an xã Ea Hu đã tới lập biên bản hiện trường, lấy lời khai ban đầu của các nhân chứng. Về phần mình, bà Côi đã làm đơn tố cáo việc mình bị đánh gửi đến CQĐT công an huyện Cư Kuin, yêu cầu xử lý nghiêm hai người đàn ông nói trên.
Theo kết quả giám định thương tích pháp y, bà Côi bị thương tích 10%. Khi vào cuộc xác minh, công an huyện xác định, vụ việc trên “chỉ là xô xát bình thường” nên không khởi tố vụ án.
Bức xúc vì người đánh mình vẫn “bình an vô sự”, bà Côi đã làm đơn gửi đến các cơ quan chức năng, yêu cầu giám định lại thương tích. Các cơ quan bà Côi gửi đơn đến đều đã trả lời bằng văn bản. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn cho rằng trả lời chưa thỏa đáng.
Trình bày với XLPL, bà Côi đưa ra bằng chứng là một đoạn ghi âm với nội dung thỏa thuận về tiền bồi thường. Người phụ nữ này cho rằng, nhân vật trong đoạn ghi âm chính là bà Lành - vợ ông Thượng. Theo đoạn ghi âm, người trao đổi với bà Côi đã xin lỗi, xin giảm mức bồi thường tiền thuốc men, viện phí nhưng bà Côi không chấp nhận.
Bà Côi chia sẻ: “Tôi yêu cầu gia đình ông Thượng đền bù 15 triệu tiền thuốc men và tổn thất về thu nhập trong thời gian nằm viện. Tuy nhiên, bà Lành cho rằng số tiền ấy quá cao và xin giảm xuống. Ban đầu tôi cũng nghĩ tới tình làng nghĩa xóm, không muốn làm căng. Thế nhưng, cứ nghĩ tới cảnh hai người đàn ông to lớn, khỏe mạnh lao vào đánh mình giữa chợ là tôi lại thấy ấm ức, muốn nhờ pháp luật làm cho rõ trắng đen”.
Bà Côi cũng bày tỏ bức xúc vì mình là người làm đơn tố cáo nhưng lại bị CQĐT… xử phạt hành chính và kết luận, chính bà là người lao vào đánh ông Thượng trước. “Tôi là phụ nữ chân yếu tay mềm, chồng mất đã lâu, xung quanh cũng ít người thân thích. Trong tình cảnh “thân cô thế cô” như vậy, gan tôi có to bằng trời cũng không dám đánh Thượng. Tôi không bằng lòng với kết quả điều tra và giám định thương tích như nêu trên”, người bán hàng rong bày tỏ.
Theo nhân chứng Ung Nho Hoàng (SN 1971, người bán hàng rong), hôm đó anh tận mắt nhìn thấy cả ông Thượng và em trai lao vào đánh bà Côi cho đến lúc ngất xỉu.
“Tôi ở TP HCM mới lên đây buôn bán. Hôm xảy ra sự việc, thấy hai người lao vào đánh chị Côi nhưng không dám can. Đến lúc chị Côi gục xuống, tôi liều mạng chạy tới hét lên “người ta xỉu rồi, muốn đánh cho chết hay sao?” thì ông Thượng và Tài mới dừng tay. Khi làm việc với CQĐT, tôi cũng khai như trên”, anh Hoàng trình bày.
|
Bà Côi cho rằng việc giám định thương tích của mình chưa được khách quan. |
“Chuyên gia” ăn hiếp phụ nữ?
Cũng liên quan đến ông Thượng, chị Vi Thị Nguyệt (SN 1983, cùng ngụ thôn 2, xã Ea Hu) cho biết, giữa tháng 6/2015, ông Thượng đã khởi kiện chị ra TAND huyện Cư Kuin về việc vợ chồng chị mượn tiền không trả.
Trong hồ sơ mà ông Thượng cung cấp, có một giấy vay nợ lập ngày 19/7/2014 với nội dung vợ chồng chị Nguyệt vay của ông Thượng số tiền 60 triệu đồng, hẹn đến mùa điều năm sau (khoảng tháng 3/2015) sẽ trả đủ.
Bất ngờ trước khoản nợ “trên trời rơi xuống” này, chị Nguyệt đã yêu cầu được giám định chữ ký thì phía ông Thượng rút đơn. Chị Nguyệt tố cáo rằng, vì mâu thuẫn xung quanh chuyện tiền bạc này, ngày 6/4/2015, chị đang ghé vào đổ xăng ở một quán nhỏ trong địa phương thì bị ông Thượng lao tới đánh liên tiếp vào đầu. “Lúc đó tôi đang đội nón bảo hiểm, ông ấy đánh nứt cả mũ, giờ đi đâu tôi cũng mang theo để làm bằng chứng kẻo sợ mất”, chị Nguyệt trình bày.
Người phụ nữ này cho rằng, chồng mình là Hoàng Việt Tuân (SN 1979) có “máu đỏ đen”, hay chơi số đề nên nhiều khả năng nợ ông Thượng. Tuy nhiên, chồng chị đã sang Campuchia làm việc, nhiều tháng qua không liên lạc được để xác minh việc này. Bên cạnh đó, chị cũng chưa đặt bút ký vào bất kỳ giấy tờ gì với ông Thượng nên kiên quyết cho rằng chữ ký trong tờ giấy mượn tiền là giả mạo.
Trong vụ việc này, ngoài việc nộp đơn kiện ra tòa, ông Thượng còn đem tờ giấy vay tiền nói trên gửi đến Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Cư Kuin, yêu cầu cơ quan này dừng việc chị Nguyệt bán đất. Tuy nhiên, yêu cầu này đã không được cơ quan chức năng chấp nhận.
Bức xúc vì năm lần bảy lượt bị chèn ép, chị Nguyệt đã gửi đơn tố cáo đến CQĐT huyện yêu cầu xử lý nghiêm người đã hành hung mình, đồng thời tố cáo hành vi giả mạo chữ ký của ông Thượng.
Để xác thực thông tin của những người tố cáo, XLPL đã có buổi làm việc với điều tra viên Bùi Duy Tân (công an huyện Cư Kuin). Theo ông Tân, trong tháng 12/2015, công an huyện mới tiếp nhận hồ sơ về vụ việc của bà Côi do công an xã Ea Hu chuyển lên.
Quá trình điều tra, công an huyện cho rằng, hôm xảy ra vụ việc, cả ông Thượng và anh Tài đều có mặt tại hiện trường. Tuy nhiên, chỉ có ông Thượng tham gia xô xát, không liên quan gì đến anh Tài. Công an cũng cho rằng giữa hai người chỉ xảy ra “xô xát bình thường”, bà Côi là người đánh ông Thượng trước.
Từ lời khai của nhiều nhân chứng và các kết quả thu thập được, đến tháng 3/2016, CQĐT và VKSND huyện đều ra kết luận không khởi tố vụ án.
“Sau khi kết thúc điều tra, chúng tôi xử phạt hành chính và nhắc nhở cả bà Côi và ông Thượng. Các điều tra viên đã gặp nhiều nhân chứng để thu thập thông tin. Nhân chứng Hoàng khai thấy cả anh Tài và ông Thượng đánh bà Côi nhưng hồ sơ công an xã chuyển lên và quá trình điều tra cho thấy chỉ có một người tham gia xô xát là ông Thượng”, ông Tân thông tin.
Nói về vụ việc của chị Nguyệt, ông Tân cho hay, công an huyện mới tiếp nhận hồ sơ và đang tiến hành điều tra nên chưa có kết quả.
Trở lại với người tố cáo, cả bà Côi và chị Nguyệt lý giải vì bà con xung quanh không muốn rắc rối nên ít có người làm chứng. “Do ông Thượng là người có "máu mặt" trong thôn nên bà con ai cũng ngại va chạm”, chị Nguyệt cho hay và đề nghị cảnh sát điều tra sự việc kỹ lưỡng.