Đảm bảo nước tưới tiêu cho vụ Xuân năm 2010 trên địa bàn huyện Yên Hưng

Huyện Yên Hưng có đến trên 70% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy mục tiêu cung cấp nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuỷ lợi Yên Lập Quảng Ninh.  

Huyện Yên Hưng có đến trên 70% dân số sống bằng nghề sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy mục tiêu cung cấp nước đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu của đơn vị Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thuỷ lợi Yên Lập Quảng Ninh.

Với địa bàn quản lý rộng, địa hình phức tạp gồm cả đồng bằng, trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa, các công trình công ty quản lý vừa đa dạng và vừa phức tạp, gồm các hồ chứa (trong đó có hồ Yên Lập với dung tích 127 triệu m3 nước), các trạm bơm điện, các cống dưới đê, xi phông và hệ thống kênh các cấp dài hàng trăm km. Nhìn chung các công trình này đều được xây dựng từ rất lâu nên không đồng bộ và lạc hậu, xuống cấp. Mặc dù điều kiện khách quan khó khăn như vậy nhưng công ty đã dự báo được sớm, có phương án tích nước các hồ chứa và xây dựng được lịch tháo nước, xây dựng phương án điều hành nước trên hệ thống. Do đó đã phục vụ kịp thời cho sản xuất nông nghiệp, nhất là việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống, cây trồng, mùa vụ có năng suất cao không để xảy ra úng, hạn cục bộ.

Năm 2009 công ty đã mở 25 đợt tưới với tổng lượng nước 84 triệu m3 (năm 2008: 86,2 triệu m3) phục vụ trên tổng diện tích tưới toàn hệ thống của công ty là 12.200 ha; diện tích tiêu 1.620 ha. Riêng khu vực huyện Yên Hưng có diện tích tưới 10.750 ha/12.200 ha, trong đó tưới chủ động 5.449 ha, tưới tạo nguồn 4.125 ha; màu và cây vụ Đông 1.176 ha; cấp nước nuôi trồng thủy sản và cấp nước sinh hoạt 2,5 triệu m3.  Nhìn chung năm 2009, công ty đã thực hiện tốt kế hoạch tưới. Tưới đúng và tưới đủ, đảm bảo cho cây trồng ở cả 2 vụ đông xuân và vụ mùa. Cùng với việc tưới nước, công ty đã chỉ đạo tiêu thoát nước kịp thời không để xảy ra ngập úng trong các đợt mưa bão. Với kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích đất canh tác nói riêng, nâng cao và cải thiện đời sống người nông dân, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện nói chung.

Bước sang năm 2010, những thuận lợi và khó khăn  đan xen nhau. Một số hồ nhỏ hiện nay thiếu nước, đặc biệt là hồ chứa nước Yên Lập mực nước chỉ ở cao trình (+)23,60 m, thấp hơn 4,20m so với năm 2008 ((+)27,80 m). Bên cạnh đó, tuy hệ thống kênh chính Yên Lập từ đầu kênh đến cuối kênh cơ bản đã thi công xong đảm bảo mở nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác, nhưng theo dự báo của Trung tâm khí tượng thuỷ văn Trung ương, từ đầu năm cho đến tháng 3/2010 các tỉnh phía Bắc, Trung Bộ trở ra lượng mưa thiếu hụt, như vậy có thể xác định vụ đông xuân năm 2010 năm nay là vụ khó khăn nhất về nước tưới từ tước đến nay. Với cao trình nước ở hồ Yên Lập là 23,6 m tương đương với 55 triệu m3 nước, cũng sẽ khó khăn cho huyện- một huyện chủ yếu là dùng nguồn nước từ hồ Yên Lập, đặc biệt là việc đảm bảo đủ nước tưới cho sản xuất vụ đông xuân tới. Mặt khác do việc thực hiện khoán ruộng đất lâu dài cho nông dân, ruộng đất nhiều nơi còn manh mún, hệ thống bờ vùng, bờ thửa để giữ nước còn kém, các đội thuỷ nông ở cơ sở nhiều hợp tác xã hoạt động yếu…

Trên cơ sở những thuận lợi và khó khăn nêu trên, công ty đã đề ra một số biện pháp để khắc phục tình trạng hạn hán, đảm bảo cho sản xuất vụ đông xuân này, không để tình trạng mất mùa do hạn hán gây ra. Ngay từ đầu vụ, Công ty đã xây dựng lịch mở nước căn cứ trên lịch gieo trồng của huyện và nhu cầu dùng nước của các đơn vị kinh tế khác và phổ biến, thống nhất với các đơn vị này. Theo thống kê nhiều năm qua, lượng nước cần cho vụ đông xuân khoảng từ 50-55 triệu m3. Tính hết tháng 12/2009 (tính từ đầu vụ) công ty đã mở 3 đợt nước với tổng lượng nước là 14 triệu m3, như vậy dung tích hồ chúa Yên Lập chỉ còn 41 triệu m3. Theo lịch xây dựng của công ty mỗi tháng sẽ mở 2 đợt nước và tuỳ theo tình hình thực tế của từng đợt để điều chỉnh mở lưu lượng cho phù hợp. Cùng với đó,  Công ty phối hợp chặt chẽ với đơn vị dùng nước, đặc biệt là các đội thuỷ nông cơ sở, kiểm tra tới từng xứ đồng, cánh đồng, mặt ruộng về việc phân phối nước. Vận động nông dân đắp bờ vùng, bờ thửa để hạn chế rò rỉ tới mức thấp nhất, đảm bảo nước tưới trên mặt ruộng từ 8-10 ngày và tuyên truyền người dân có ý thức sử dụng tiết kiệm nước. Tổ chức họp triển khai với các địa phương cho tu sửa, nâng cấp nạo vét kênh cấp I, II, III (kênh mặt ruộng), thường xuyên tuyên truyền pháp lệnh bảo vệ công trình thủy lợi, xử lý nghiêm các trường hợp đục phá công trình thuỷ lợi để lấy nước và bám sát ruộng đồng để tưới, tiêu kịp thời.

Song song với các biện pháp nêu trên, công ty vẫn đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống thuỷ nông Yên Lập với nguồn vốn WB thuộc dự án hỗ trợ thuỷ lợi Việt Nam có tổng kinh phí theo dự toán 234 tỷ đồng và sẽ hoàn thành vào cuối năm 2010.

Thi công Dự án nâng cấp hệ thống thủy nông Yên Lập

Như vậy có thể khẳng định, mặc dù vụ đông xuân năm nay được dự báo là năm hạn hán sẽ xảy ra nhưng với sự lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra các biện pháp sát thực phù hợp, công ty vẫn duy trì và đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Yên Hưng, đồng thời đảm bảo việc cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất của các ngành kinh tế khác trong phạm vi khu vực quản lý. Sự điều hành và quản lý khoa học, tích cực của công ty sẽ góp phần không nhỏ vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của huyện Yên Hưng, tiếp tục khẳng định vị trí vai trò của huyện Yên Hưng- một trong những vựa lúa của tỉnh Quảng Ninh./.

CTV: Phạm Hà
(Ban Tuyên giáo HU Yên Hưng, QN)
 

Đọc thêm