Hơn ba mươi hộ dân ở xã Ia Phìn (Chư Prông) đang trong tình trạng khóc dở mếu dở khi lỡ cho Nguyễn Thị Qua (41 tuổi) thôn Grang 2, xã Ia Phìn (Chư Prông) mượn 150 tấn cà phê.
Những người bị bà Qua lừa đang bức xúc trình bày sự việc với phóng viên |
Gửi trứng cho ác
Mấy ngày gần đây, người dân làng Grang 2 giờ như ngồi trên đống lửa, bao nhiêu cà phê tích góp là thành quả lao động cả năm trời, đã đội nón ra đi vì bị cú lừa đau đớn từ người hàng xóm khá nổi tiếng ở đây. Tâm trạng buồn phiền, ông Tống Ngọc Ngoan (51 tuổi), làng Grang 2 nhớ như in cái ngày 28 tháng chạp năm 2011. Thấy nhà ông Ngoan vẫn để dành chừng 3 tấn cà phê nhân để ra năm bán, bà Qua (tên thường gọi là Hoa) đã sang mượn.
Trước đó, hàng chục hộ dân ở xã đã cho Qua mượn hàng chục tấn cà phê nhân. Năm hết tết đến, nhiều người gọi điện thoại cắt giá để lấy tiền, Qua đều đon đả: “Cà phê đang thấp, để ra Tết bán mới được giá, nếu anh (chị) kẹt tiền tiêu tết thì sang em ứng ít tiền về xài.” Mà quả thế thật, để có tiền ứng cho bà con, Qua sang nhà ông Ngoan ngồi từ trưa đến chiều muộn để quyết mượn cho được 3 tấn càphê.
“Hai bác cho nhà em mượn cà để bán rẻ lấy tiền ứng cho bà con ăn Tết, chứ cà của em để trong xí nghiệp không cắt giá được. Khi nào bác cần tiền cứ gọi điện báo, em gửi tiền hai bác”- Qua ngọt nhạt nên ông Ngoan đồng ý cho mượn cà phê. “Khi cà phê chở đi rồi, hai ông bà tôi cứ bần thần, không yên dạ”, ông Ngoan ngậm ngùi.
Trụ sở công ty lừa của bà Qua |
Săn tìm người vay mượn
Khi gom một số lượng lớn cà phê của dân, bà Qua đã về Sài Gòn trốn, người dân đã hốt hoảng gọi nhau mới vỡ lẽ không phải một mình họ bị mượn cà phê. Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn xã Ia Phìn đã có chừng gần 40 hộ bị bà Qua mượn chừng 150 tấn cà phê nhân. Ít thì 1 tấn như anh Toàn, anh Thanh (em ruột ông Ngoan) nhiều thì 13 tấn như chị Phan Thị Giang (Thị trấn Chư Prông). Nghe đâu, một lãnh đạo xã Ia Phìn cũng nằm trong danh sách những người được bà Qua mượn cà phê.
Khốn khổ nhất phải kể đến đôi vợ chồng cụ Đinh Bá Tu ở thôn Grang 2, cả đời làm ăn dành dụm được ít cà phê cũng cho con cái mượn cà phê để làm ăn, cuối năm ngoái các con của trở thành nạn nhân của Qua. Uất ức vì bị lừa, ông Ngoan và anh Huyên “cơm đùm gạo bới” vào Sài Gòn tìm bà Qua đòi nợ.
Sau hai tuần tìm kiếm, cả hai phát hiện bà Qua đang ở tại Căn hộ 301 (Chung cư K300) P.2 (Q.Tân Bình, TP.HCM). Tại đây, bà Qua khuyên hai người về Gia Lai, bà sẽ theo về để trả tiền hết. Hai người mừng rỡ quay về Gia Lai nhưng vừa đến nhà thì bà Qua gọi điện báo không thể về Gia Lai như dự định; trong khi đó, hàng xóm của bà Qua cho biết, bà đang chuyển nhà. Hộc tốc đón xe trở lại Sài Gòn thì bà Qua đã trốn mất tăm.
Công an huyện chưa quan tâm
Người dân đã gửi đơn lên Công an huyện Chư Prông, UBND huyện Chư Prông. Sau đó, họ “ghé thăm” Công an huyện nhưng chỉ nhận được lời khuyên của Trung tá , Đội trưởng Đội CSĐT (Công an huyện Chư Prông) là “Về đi rồi bà Qua sẽ về trả nợ!?”. Bức xúc vì sự chậm trễ của cơ quan điều tra, ngày 15/5, họ lại đâm đơn lên huyện và Công an tỉnh Gia Lai, UBND tỉnh Gia Lai nhưng vẫn chưa thấy cơ quan nào giải quyết.
Để trấn an người dân, em trai bà Qua - Nguyễn Ngọc Tướng đã từ Sài Gòn về Gia Lai viết vội mấy dòng nghệch ngoạc hứa sẽ trả nợ dùm bà Qua sau ba tuần. Nhưng từ đó đến nay hai chị em bà Qua đã một đi không trở lại. Điều đáng nói là bà Qua đã ba lần về lại địa phương để “tẩu tán tài sản” bán hai chiếc xe tải, căn nhà kho nơi đặt trụ sở làm nơi thu mua nông sản thì bà Qua đã cầm cố cho ngân hàng nhưng chính quyền không xử lý.
Làm việc với chúng tôi, Thiếu tá Bùi Hữu Nam, Phó trưởng Công an huyện Chư Prông cho biết lãnh đạo đi họp, ông không nắm rõ được vụ việc, muốn trả lời phải có ý kiến của lãnh đạo. Khi chúng tôi thắc mắc việc bà Qua đã ba lần về địa phương, người dân đều thông báo cho công an huyện nhưng không thấy cơ quan có biện pháp để làm rõ, ông Nam bảo anh em có đi làm nhưng không gặp được bà Qua!?
Sự việc xảy ra đã gần một năm, những hộ dân nghèo vẫn đang chờ sự giải thích hoặc hướng dẫn của Công an huyện Chư Prông và tỉnh Gia Lai.
Ngọc Anh