|
Mảnh đất cụ Hiếu hiến cho địa phương để làm đường. |
|
Tác giả và cụ Hiếu. |
Bà tên là Lê Thị Hiếu, một người neo đơn, già cả và đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Không phải là người Hà Nội, bà quê ở xứ Thanh, thuở nhỏ ra sống với chị, sau đó lên đường theo những người đi xây dựng kinh tế mới Hà Nội vào Lâm Đồng. Cuộc đời bà vốn nghèo khó, cả tuổi trẻ, thời thanh xuân không một ước mơ, mọi sự trong thời dậy thì của thời con gái chỉ gói gọn trong hai chữ “miếng cơm manh áo” vừa vặn. Cả một thời son sắc bà dâng hiến cho vùng đất mới, cùng với một thế hệ, người đàn lưng còng bây giờ đã trải hết tuổi thanh xuân, nhựa sống tuổi hai mươi cho miền đất xa lạ. 10 năm liền là chiến sĩ thi đua, lao động tiên tiến giỏi (ngày làm cho Nông trường Quốc doanh số 4), bà sống và làm hơn tất cả những người đàn ông cùng tuổi. Từ gánh phân, gánh tro, cuốc đất, gieo trồng… chẳng ai có thể so sánh với bà về khối lượng công việc, hạnh phúc đến nỗi bà quên mất vun vén cho bản thân. Về già, người phụ nữ ấy vẫn lẻ bóng, dù thời xuân sắc bà không phải là người phụ nữ kém duyên. Dẫu rằng “một cánh én…’, vẫn biết thế. Nhưng sự hy sinh của người đàn bà (và cả một thế hệ) đã ở cái tuổi “thất thập” dường như vẫn hiện sinh cho sự sống, sự sinh tồn của mảnh đất Lâm Hà hiện tại. Lâu rồi, bà không về lại quê xưa, bà nói: Tôi xem Nam Hà là quê của mình, chẳng về nữa! cái ý nghĩ của người đàn bà đã sống với đất hoang, đầy cỏ dại từ ngày xưa cho đến bây giờ thành quê, không muốn xê dịch cũng chẳng có gì phải lạ. Hằng ngày bà vẫn thắp hương trên 5 bàn thờ, những vị thánh cao linh mà người đời vẫn tôn thờ (tôi không rõ lắm), chẳng ai xâm phạm bởi người phụ nữ ấy có cõi riêng của mình. Mọi người làm đường, hỏi bà, bà cho gần 4 sào. Đất vỡ từ thời con gái, đáng gì! Phía trong sâu thẳm của phụ nữ ấy, có lẽ bà cũng muốn miền quê mới phải đẹp đẽ bởi đất trên miền cao nguyên này đã quyện mồ hôi, máu, công sức của cả một thế hệ trai trẻ, trong đó có bà. Từ lâu, bà đã ăn chay. Tự kiếm củi nấu, tự sống bằng tiền lương ít ỏi về hưu khoảng gần 200 ngàn đồng một tháng. Gần 30 năm vẫn cơm trắng muối vừng, vẫn gánh chịu sự tê dại vì căn bệnh phong tê thấp và vẫn vui, niềm nở khi những đứa trẻ ( như tôi) đến thăm. Đất của bà còn rộng, phải trên nửa ha, nhưng bà giao cho xã nói nhờ thuê làm. Chẳng cần biết ai làm, không nhận tiền “hoa hồng” và cũng không phải vì vài trăm ngàn cuối năm người ta biếu tặng vì nhờ đất của bà, vẫn cứ thế người đàn bà ấy sống lặng lẽ trong ngôi nhà tuềnh toàng, chỉ một bóng điện thắp nhờ và hạnh phúc. Con đường phía bên cạnh nhà rộng và đẹp là đất của bà. Chừng ấy mét đất, khoảng đất ấy có thể cho bà sung túc, an nhàn sau cả một quãng đời cống hiến, bà cho đi không hề nhận lại. Hạnh phúc với bà chỉ là cõi linh thư thái trong khói nhang trầm mặc và cả một thời con gái đã gửi gắm cho đất lạ.ĐẾN NIỀM TIN CỦA NGƯỜI ĐI MỞ ĐẤT Vài năm trước, cả thôn Hoàn Kiếm ở xã Nam Hà, huyện Lâm Hà không có lấy một nơi sinh hoạt cho cả người già và bọn trẻ. Ông Nguyễn Viết Thái, nguyên là một cựu chiến binh, một cán bộ mặt trận của xã và một người thuộc thế hệ thứ hai đi mở đất trên vùng KTM Hà Nội ở Lâm Đồng đã tình nguyện hiến đất. Hơn một ngàn m2 cho cả thôn có nơi sinh hoạt, họp hành dù ông cũng có 3 người con đã ra ở riêng và vẫn phải đang từng ngày bám vào đất để sống. Ra quân sau giải phóng, ông được điều vào vùng KTM Hà Nội trên đất Lâm Đồng. Đi và ở lại như một sự mặc nhiên của định mệnh. Thế hệ đầu tiên đi nhiều người quay về, ông là những người ở lại vì đất đẹp và bởi sự níu chân, vậy là Nam Hà thành làng, thành xóm. Ông nói, mình muốn gắn bó lâu dài thì bọn trẻ phải có nơi chốn ăn học, chỗ vui chơi và ông tình nguyện cho đất để thôn, xã xây trường lớp, nhà văn hóa cho người dân. Gần chục năm trước, ý định đó không thành (vì nhiều lý do của cơ chế), chừng ấy thời gian cho đến bây giờ ở thôn Hoàn Kiếm đã có một nhà sinh hoạt cộng đồng được dựng lên trên đất của ông. Thôn, hiện tại có gần 200 hộ với 800 khẩu, khi chưa có nhà sinh hoạt cộng đồng mọi người “tất tật” đều phải đến nhà ông hội họp cả khi tiếp xúc cử tri, bầu cử Quốc hội vì không gian đẹp và “hợp lý”. Sau chuyện ông hiến đất, đường làng, ngõ xóm cũng được mở với chiều dài trên 4 km. Quãng đường đó, người dân ở thôn ông “ồ ạt” tình nguyện hiến gần 3 mẫu để mở đường từ 2m thành 8m.NGƯỜI QUÊ KHÔNG “TIẾC VÀNG” Hùng, một thanh niên trẻ vừa lập gia đình và bắt đầu ra ở riêng. Em ở sâu trong hẻm và bắt đầu cuộc sống cũng bằng việc trồng cà phê như phần nhiều người dân ở Nam Hà, Lâm Hà. Tuổi trẻ, có kiến thức, không đua đòi ham chơi, Hùng hơn những người già trong xã vì biết cách biết nuôi chồn ăn cà phê để để làm cà phê chồn (một loại thức uống hảo hạng mà người sành điệu vẫn hay dùng), không những thế em còn quây một góc vườn thành chuồng nuôi thỏ nuôi gà. Hùng là một thanh niên điển hình về phát triển làm ăn theo mô hình VAC không chỉ riêng ở xã. Hùng như nhiều thanh niên khác ở đây, không có đất để hiến và đương nhiên sống bằng đất khai phá của ông cha. Hùng chia sẻ và tôi tin: Phải biết tự tin và sống, làm giàu từ đất bởi chẳng bao giờ mình có tâm mà đất phụ cả. Không biết Hùng là thế hệ thứ bao nhiêu lớn lên trên đất này, nhưng hàng năm có một thanh niên vừa mới ra ở riêng như Hùng vẫn có trên trăm triệu bằng công sức lao động bởi có lẽ em đang được đi trên những con đường (dẫu chỉ là đất và cấp phối) bằng sự cho đi của những người già như bác Thái và cụ Hiếu. Không phải bây giờ, từ năm 2003, ở Nam Hà đã có phong trào khích lệ người dân hiến đất mở đường để thay đổi bộ mặt nông thôn và tiện cho việc lưu thông. Ngày đầu, chẳng ai muốn cho từng m2 đất mồ hôi, xương máu và đều đáng “đồng tiền bát gạo”. Thêm nữa, những đường lớn Nhà nước chỉ đầu tư tiền xây dựng mà không có tiền giải tỏa đền bù nên đường vẫn cứ hẹp và sình lầy mỗi khi mưa về. Chẳng biết vì “công tác dân vận” của xã tốt hay vì tình nghĩa và sự đùm bọc, mở lòng của những người xa xứ mà đường ở Nam Hà, tất cả đều được mở rộng, từ đường hẹp 3 - 4 m thành 8 - 9 m. Hai bên nơi có đường đi qua đều được “ăn sâu” vào 2 m, từ đường xe be giờ đã thành đường lớn, xe tải ra vào dễ dàng. Không thể tính hết số lượng người dân cho đất và cũng không thể “cân đo, đong đếm” bằng diện tích. Tôi chỉ ước lượng, đường Hoàn Kiếm 4 km, Sóc Sơn 2,7 km, Gia Lâm 5,9 km… mỗi bên rộng ra 2 m và phải chặt bỏ hàng ngàn cây cây cà phê, chừng ấy chắc không phải ít tiền. Ở Nam Hà, không phải võ đoán nhưng tôi nghĩ hình như có một quy luật, những người cho đi đang nhận lại tất cả. Họ nhận lại sự ấm êm của những nếp nhà, tình cảm xóm giềng “tắt lửa tối đèn” có nhau và cả sự trân trọng, lời tri ân của lớp trẻ như Hùng. Giữa những ngày Nam Tây Nguyên còn mưa muộn, đường thôn, xóm ở phía núi thấp trong lòng chảo Nam Hà vẫn bằng phẳng dù lô nhô sỏi đá. Trong ánh sáng được mất của trời chiều, nơi đây thật yên bình!
Tuấn Linh