10 lần thi công chức vẫn “trượt vỏ chuối” biến người chồng hiền lành thành quỷ dữ

(PLO) -Dù bị gia đình phản đối kịch liệt nhưng cô gái xinh đẹp, tài giỏi vẫn quyết định trở thành vợ với người mình yêu. Để báo đáp ân nghĩa đó, chàng trai đã nỗ lực thi vào công chức. Thế nhưng sau 10 lần thất bại, anh ta bất đắc dĩ phải nói dối rằng mình đã thi đỗ, ngày ngày cắp cặp đi làm. Chẳng ngờ, bi kịch lại bắt đầu từ đây...
Hình minh họa
Hình minh họa

Con đường mơ ước

Đêm một ngày tháng 12/2010, Chu Lượng về nhà ở thành phố Quý Dương (Trung Quốc) với vẻ mặt mệt mỏi, lần này Lượng tới Phúc Kiến để thi công chức nhưng lại bị trượt. 

Không đợi Lượng kịp thở, người vợ là Tiền Giai Giai không thể chịu đựng được thêm liền bộc phát cơn thịnh nộ: “Đúng là số tôi đen đủi, tại sao lại lấy phải một kẻ văn dốt võ rát bỏ đi như anh!”. Trong đêm tĩnh lặng, lời đay nghiến của Giai vô cùng chói tai. Lần cãi vã này khiến bí mật nội chiến giữa hai vợ chồng bị vỡ lở. 

Chu Lượng (SN 1987, người Nam Xương, tỉnh Giang Tây), lên 5 tuổi Lượng cùng cha mẹ chuyển tới thành phố Tôn Nghĩa, tỉnh Quý Châu. Kinh tế gia đình Lượng tương đối khó khăn do cha mẹ đều làm công ăn lương. Với hoài bão thay đổi vận mệnh, Lượng học hành rất chăm chỉ, thành tích luôn đứng đầu. Tháng 7/2004, Lượng thi đỗ Đại học sư phạm Quý Châu, do kết quả ưu tú nên Lượng có chút tiếng tăm trong trường. 

Kỳ nghỉ hè 2007, trên đường về quê ở Tôn Nghĩa, Lượng quen với cô gái đồng niên tên Tiền Giai Giai. Giai vốn xinh đẹp hơn người nên đi đến đâu cũng thu hút ánh nhìn của những người khác giới.

Hôm đó do say xe nên khuôn mặt cô tái xanh, Lượng quan tâm chăm sóc, ngồi ở lối đi trên xe suốt quãng đường dài để Giai được nằm trên ghế một cách thoải mái. Chính vì vậy, Giai rất có cảm tình với người thanh niên này, hỏi ra mới biết Lượng học cùng trường.

Cha mẹ Giai đều là cán bộ trong cơ quan nhà nước, điệu kiện kinh tế dư dả. Lượng lúc ấy cũng có dự cảm rằng sự khác biệt về gia cảnh giữa hai người sẽ đem lại sự phiền phức trong cuộc tình này. Để chu cấp cho Lượng đi học, mẹ Lượng phải làm công việc chân tay tại chợ rau quả, còn cha làm bảo vệ trong một khu chung cư. Thế nhưng, Lượng không có cơ hội để do dự, bởi sau kỳ nghỉ hè Lượng và Giai đã trở thành đôi uyên ương được mọi người ngưỡng mộ trong trường và họ đã trộm ăn trái cấm.

Tết 2008, Giai đưa người yêu về ra mắt cha mẹ, nhưng khi biết cha mẹ Lượng đều làm công việc thấp kém thì khuôn mặt cha mẹ Giai lộ rõ vẻ không hài lòng. Họ mặc kệ Lượng ngượng ngùng trong nhà, chú tâm đánh mạt-chược với hai người hàng xóm. 

Lần ra mắt gặp nhiều trắc trở này là một cú sốc rất lớn đối với Lượng. Thế nhưng, vốn từ nhỏ được nuông chiều, tính cách tự phụ theo đuổi sự hoàn mỹ nên Giai quyết không cam lòng để mối tình đầu chết yểu như vậy, cô luôn khuyến khích Lượng: “Nhất định anh sẽ công thành danh toại”.

Sau khi về trường, để chuẩn bị luận văn tốt nghiệp, cô ra ngoài thuê một căn phòng rồi kéo Lượng ra ở cùng, thề rằng sẽ bảo vệ cuộc tình này đến cùng.

Tháng 4/2008, tốt nghiệp xong hai người đang đôn đáo tìm việc khắp nơi thì Giai phát hiện mình đã mang thai. Lượng lúc ấy không biết phải làm thế nào, Giai trấn tĩnh bạn trai: “Đứa con này chính là kết tinh của tình yêu chúng ta, em không muốn bỏ”. Cô lập tức quay về Tôn Nghĩa nói tình hình với cha mẹ, đồng thời đề nghị lập tức kết hôn. 

Cha mẹ cô nghe tin như muốn nổ óc, kiên quyết yêu cầu con gái đi phá thai và quản lý cô chặt chẽ. Nhưng Giai cũng không vừa, nhân lúc cha mẹ không để ý cô liền trộm hộ khẩu đi đăng ký kết hôn với Lượng, hai người trở thành vợ chồng. Sự ương bướng của con gái khiến cha cô vô cùng tức giận, đuổi cô khỏi nhà nói đoạn tuyệt quan hệ cha con với cô. Vì vậy, kế hoạch xin việc của Lượng và Giai hoàn toàn bị đảo lộn.

Sức khỏe của mẹ Lượng không được tốt, do nhiều năm làm việc quá sức nên mắc bệnh tim nghiêm trọng. Lượng vốn dự định tốt nghiệp xong sẽ về Tôn Nghĩa làm việc để tiện chăm mẹ. Thông qua một người bạn thời cấp 3, Lượng đã được nhận vào làm trong một công ty tư vấn. Thế nhưng, Giai nhất quyết không muốn về quê, cô nói với chồng: “Cha em phản đối như vậy chẳng qua vì coi thường anh, bây giờ chúng ta ở lại Quý Dương phấn đấu thật tốt để ông phải hối hận!”.

Vậy là tốt nghiệp xong họ thuê một căn phòng gần trường tạm trú, cha mẹ Lượng gửi cho họ 10 ngàn nhân dân tệ để chi tiêu, đó cũng là toàn bộ tài sản của họ. Lúc này kế sinh nhai là điều cấp bách trước mắt, bởi Giai mang bầu không thể đi làm, Lượng phải một mình khắp nơi tìm việc. Qua đó Lượng phát hiện ra rằng có quá nhiều sinh viên đại học tốt nghiệp, chỉ một công việc làm nhân viên sai vặt cũng có hàng chục người cạnh tranh.

Hai tháng sau Lượng mới xin được làm nhân viên quảng cáo, nhưng do không có quan hệ nên 3 tháng liền chỉ được 800 tệ tiền lương, còn bị ông chủ cảnh cáo nếu tháng sau tiếp tục như vậy thì nghỉ việc. Để duy trì cuộc sống, Lượng đành phải làm thêm việc lúc rảnh rỗi, khi thì phát tờ rơi, làm gia sư, ngày ngày bận bịu vất vả tới tối tăm mặt mũi, thế nhưng cuộc sống vẫn thiếu thốn đủ đường.

Sau Tết 2009, Giai sắp tới lúc sinh nhưng họ chỉ còn 3 ngàn tệ, bất đắc dĩ cô đành phải cầu cứu mẹ. Tuy giận con gái nhưng dù sao cũng là đứa con duy nhất của mình, bà đành phải tới Quý Dương chăm con đợi ngày sinh nở.

Ngày 4/2/2009, cô sinh hạ một bé gái khỏe mạnh đặt tên là Chu Thanh Nghi. Vừa tỉnh lại trên giường mổ đẻ cô liền nói với chồng lúc đó đang túc trực bên cạnh: “Em quyết định rồi, em sẽ toàn lực ủng hộ anh thi công chức! Em không muốn con gái mình sau này không có cái ăn giống như mình!”.

Liên tục thất bại

Giai Giai nói như vậy thực ra không phải vì một phút bốc đồng, bởi từ nhỏ đã sống trong gia đình cán bộ nên cô cảm thấy nghề nghiệp ổn định và rất có thể diện. Nửa năm nay Lượng đi xin việc nhưng luôn gặp khó khăn khiến cô càng khát vọng về cuộc sống ổn định như cha mẹ mình, nếu Lượng có thể thi đỗ công chức thì họ có thể áo mũ về quê, cha mẹ người thân cũng nở mày nở mặt.

Cô nói với chồng rằng công chức chính là mỏ vàng, thi đỗ thì không sợ thiếu ăn, cha từng nói chỉ cần Lượng thi đỗ thì sẽ ủng hộ vợ chồng họ về mặt kinh tế. Giai còn phân tích, cho dù là doanh nghiệp nước ngoài đi nữa thì công việc cũng không ổn định, không bằng công chức.

Chỉ cần có chút chức sắc thì cả đời no ấm. Thấy vợ nói cũng có lý nên Lượng động lòng. Nhưng anh vẫn còn điều lo lắng, đó là nhiều người đăng ký thi như vậy không biết mình có thi được hay không? Giai bảo, nếu một lần không được thì hai lần, một năm không được thì hai năm.

Con gái đầy tháng, mẹ Giai về quê đi làm, trước khi đi bà để lại 50 ngàn tệ cho chai vợ chồng. Lúc đó Lượng cũng không hoàn thành chỉ tiêu nên bị đuổi việc ở công ty quảng cáo, Giai không cho chồng đi tìm việc nữa mà chuyên tâm vào thi công chức. Cô bảo vào tháng 7 ở tỉnh Quý Dương đang tổ chức thi, nếu lúc này chuẩn bị là vừa kịp.

Để tạo môi trường tốt nhất cho chồng ôn luyện, Giai bỏ ra 10 ngàn tệ thuê một căn hộ 2 phòng ngủ, dành căn phòng rộng rãi thoáng đãng sáng sủa nhất để Lượng đọc sách. Ngoài ra, cô còn nhờ người mua một thùng sách tài liệu ôn luyện gửi từ Bắc Kinh về cho chồng, đồng thời làm hết mọi việc trong nhà. 

Thấy vợ còn yếu, ngày ngày lại chăm con, Lượng thấy trong lòng nặng nề vô cùng. Để đền đáp nghĩa tình ấy, Lượng dành mọi tâm sức vào việc ôn thi, thậm chí còn chăm chỉ hơn cả hồi thi đại học. Khổ luyện 4 tháng liền, tháng 6/2009, tỉnh Quý Châu cuối cùng cũng bắt đầu báo danh. Khi Lượng đem đầy đủ giấy tờ đến thì phát hiện ở đây đã chật kín người từ trong ra ngoài.

Chen lấn mãi mới đến được tấm bảng ghi các vị trí tuyển dụng thì phát hiện người có hộ khẩu Quý Châu được hạn mức rất ít. Khó khăn lắm mới tìm được một vị trí phù hợp thì đến lượt mình báo danh đã là con số trên 800. Tháng 7, đợt thi được tổ chức, lần này thành tích thi viết Lượng lọt tốp 5 người đứng đầu.

 Lúc ấy không cần nói cũng biết Lượng bị kích động thế nào, vội gọi điện cho cha mẹ báo tin mừng. Họ đều bảo Lượng đã đỗ công chức. Nhưng tới vòng phỏng vấn thì Lượng lại bị trượt khiến anh vô cùng thất vọng. Nhưng Giai lại an ủi bảo chồng là 5 người đứng đầu, chứng tỏ có thực lực, để đợt sau thi tiếp.

Thế nhưng, Lượng đã thất nghiệp nửa năm, hai vợ chồng không có thu nhập, tiền mẹ Giai để lại chỉ còn 5 ngàn tệ, cuộc sống đang đứng trước khó khăn. Lượng dự định đi làm nhưng Giai không muốn. Cô gái ương bướng này quyết định cho con gái cai sữa khi chưa tròn 8 tháng tuổi, rồi xin vào làm thư ký trong một công ty thương mại. Cô bảo nhiệm vụ của Lượng lúc này là thi đỗ, năm nay không đỗ thì sang năm, ở Quý Châu không đỗ thì đi các tỉnh khác thi, chỉ cần có kết quả là được.

Để tránh chồng bị phân tâm, cô gửi con vào nhà trẻ, con còn bé nên mỗi khi về nhà đều khóc ngằn ngặt. Lượng muốn tự mình chăm con nhưng Giai kiên quyết không đồng ý. Vì vậy, Lượng chỉ còn cách dành mọi tâm sức vào ôn luyện, trước mặt Lượng để một dòng chữ: Không thành công cũng thành nhân! Trước mắt mình không còn đường thoái lui.

Từ tháng 10/2009 đến cuối tháng 12/2009, Lượng đã tham gia thi 6 lần ở các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông, Hồ Nam. Dù đã rất nỗ lực nhưng liên tục thất bại khiến Lượng rất đau lòng, muốn đi làm việc khác hoặc tự mình lập nghiệp vì đâu chỉ có công chức mới là kho vàng.

Nhưng mỗi lần nói với vợ thì lập tức cô phản đối kịch liệt bảo Lượng không có vốn, không có quan hệ thì lập nghiệp nỗi gì? Trừ khi làm công chức, còn các chỗ khác không biết lúc nào thất nghiệp, sao có thể cho vợ con một gia đình ổn định?

Liên tục tham gia thi cử, tiền lộ phí, chi phí báo danh lại phải nuôi con khiến chi tiêu không ngừng tăng lên, gia đình nhỏ của Lượng dần rơi vào khủng hoảng kinh tế. Tiền mẹ Giai cho đã tiêu hết từ lâu, lương của cô mỗi tháng không tới 3 ngàn tệ, không đủ chi tiêu, áp lực ngày càng đè nặng lên vai cô. Hai người bắt đầu mâu thuẫn cãi nhau, càng ngày càng gay gắt, nhưng mỗi lần Lượng đều là kẻ thua cuộc vì hiện tại đang được vợ nuôi.

Tội ác tày trời

Đầu tháng 2/2012, năm mới đang đến gần, Lượng đã mấy năm không về nhà ăn tết nên rất muốn năm nay đưa vợ con về thăm cha mẹ mấy ngày. Nhưng Giai lạnh lùng rút ra một cuốn sổ bảo Lượng xem, hiện tại tổng cộng chỉ còn 2 ngàn tệ, sao có thể về nhà, hơn nữa đã nói với cha mẹ rằng mình thi đỗ công chức, giờ về không có gì thì mất mặt. Đây cũng là lần đầu tiên Lượng cảm thấy tâm trạng hết sức phức tạp vừa yêu vừa ghét vợ. Anh ta bỗng phát hiện Giai là người tính cách cố chấp, đã thích là phải làm bằng được.

Mấy hôm sau cha Lượng gọi điện hỏi khi nào con trai về, đồng thời cho biết hiện tại sức khỏe của mẹ đang rất kém, muốn gặp con cháu. Lượng ngập ngừng trả lời cho qua bảo mình phải tập trung thi cho đỗ công chức. Ông nghe xong thở dài bảo, vậy Lượng cứ an tâm thi cử, đừng lo việc ở nhà, hiện tại ông đã tìm được việc làm thêm. Cúp máy xong, hai hàng nước mắt Lượng cứ lăn dài trên má.

Tối 30 Tết, Giai bế con đi chơi, Lượng ăn vội bát cơm rồi vào phòng đọc sách, anh không dám tiếp tục ở bên cạnh vợ, bởi sự im lặng của vợ còn nặng nề hơn cả sự mắng chửi. Sau 12h đêm, cha vợ gọi điện đến mắng chửi Lượng không đáng là thằng đàn ông, bất tài vô dụng, Lượng ôm ống nghe chịu trận giống như quan tòa phán quyết phạm nhân.

Sau Tết 2012, trước sức ép của vợ, Lượng báo danh thi công chức lần thứ 10, tuy tuyển dụng chỉ 5 người nhưng có tới 2 ngàn người ghi tên đăng ký, thời gian đó Lượng chỉ thấy đầu óc quay cuồng không sao ôn luyện được. Giai thấy chồng khổ não liền bảo lần này nếu Lượng không đỗ thì không còn gì để nói.

Tháng 5 năm đó, kết quả cho thấy Lượng lại thất bại, quả thật lần này Lượng không còn mặt mũi nào nhìn vợ nữa, điều khiến anh ta bất ngờ là lần này cũng có một người tên Chu Lượng thi đỗ. 

Anh ta liền nghĩ ra một kế là tại sao không về báo “tin vui” với vợ để đổi lấy mấy ngày yên ổn vui vẻ. Giai không dám tin vào tai mình, vui mừng đến phát khóc, vừa khóc cô vừa gọi điện thông báo cho cha mẹ. Lượng cảm thấy chán ghét quay về phòng, anh ta nghĩ thực ra gia đình vợ chẳng hề quan tâm mình mà chỉ nghĩ tới thể diện.

Cuối tháng 5, Giai ngày ngày chờ đợi hôm Lượng đi làm, giữa tháng 6, cuối cùng Lượng cũng chính thức “đi làm”. Mỗi sáng sớm, Lượng mặc vest, cắp cặp da cùng Giai ra khỏi cửa, sau đó lên xe buýt tới tòa nhà hành chính của thành phố. Sau khi xuống xe, cả ngày Lượng lang thang tới chợ việc làm xem tình hình hoặc vào hiệu sách, tới gần tối mới về nhà. Lượng nghĩ sớm muộn gì cũng bị phát hiện, tới lúc đó mình tìm được công việc tốt thì Giai cũng không giận mình.

Ngày 19/12/2012, Giai được nghỉ sớm, bỗng muốn tới xem chỗ làm của Lượng, nhưng khi tìm được “Chu Lượng” thì lại là một người lạ. Vậy là, sự lừa dối của Lượng suốt nửa năm nay bị bại lộ. Lượng cầu xin vợ tha thứ cho mình, nếu không thi đỗ thì mình vẫn có thể tìm được công việc tốt, kiếm tiền chăm sóc vợ con. Nhưng do quá tức giận, Giai gào lên: “Cha tôi nói quả không sai, anh là tên lừa đảo. Lúc đầu tôi bất chấp tất cả vì anh, đúng là có mắt không tròng, tôi muốn ly hôn…”.

Ngày 20/2/2013, khoảng 5h sáng, hai người lại cãi nhau vì những việc nhỏ, Giai một lần nữa bảo Lượng là đồ bỏ đi, đồng thời dọa sẽ đem con về nhà mẹ đẻ. Thấy vậy, tâm trạng phẫn nộ điên cuồng bị kìm nén bao lâu nay trong lòng Lượng chỉ trực bùng nổ, tuy nhiên Lượng vẫn cố bình tĩnh nhưng Giai càng lúc càng lớn tiếng:

“Anh vô dụng, không phải đàn ông, tôi hối hận vì đã kết hôn với anh…”. Trong mắt Lượng lúc này vợ chính là căn nguyên nỗi thống khổ của mình, nếu không loại bỏ cô ta thì mình mãi mãi không được giải thoát.

Cãi nhau xong, Giai mệt mỏi ngủ ngon lành, còn một mình Lượng không thể nào trấn tĩnh, khoảng 9h sáng, Lượng xuống bếp tìm một sợi dây rồi siết cổ vợ cho tới chết. Nào ngờ cô con gái lúc này tỉnh dậy khóc lớn, Lượng sợ hàng xóm nghe tiếng liền bịt miệng con bé chạy vào bếp nhưng đứa trẻ càng khóc lớn. Lượng tức giận dìm con gái vào thùng nước dẫn đến tử vong do ngạt nước.

Ngày 22/6, cảnh sát bắt giữ Chu Lượng, ngày 23/10, Lượng bị đưa ra xét xử, lúc này anh ta mới khóc lóc hối lỗi nhưng mọi chuyện đã quá muộn. Lượng bị tòa tuyên mức án cao nhất là tử hình.

Trong cuộc sống chúng ta phải trải qua rất nhiều cuộc thi, nhưng thi cử thì có thành công cũng có thất bại, chúng ta cần học cách xem nhẹ thành bại, không nên quay cuồng trong vòng xoáy thi cử như Lượng.

Nếu không áp lực thi cử, sự kỳ vọng của người nhà, dư luận xã hội sẽ khiến người ta dần tự mê hoặc mình, mất khả năng kiểm soát giống như Chu Lượng. Giá như Giai Giai biết mở rộng tầm nhìn, để Lượng tự tìm cho mình một con đường thích hợp để phát triển thì có lẽ bi kịch đã không xảy ra. 

Đọc thêm