10 năm qua, nhận thức của đàn ông về phụ nữ và trẻ em gái đã thay đổi

(PLVN) - Đây là nhận định của người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ, TB&XH) tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Bình đẳng giới (BĐG). 
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tạ Hội nghị
Bộ trưởng Bộ LĐ-TBXH Đào Ngọc Dung phát biểu tạ Hội nghị

Bộ trưởng Bộ LĐ,TB&XH Đào Ngọc Dung kể: "Nhớ vào năm 1999, tôi đi nghiên cứu về bình đẳng giới ở Thụy Điển. Lúc đó, ở Thụy Điển, người ta đã có chính sách vợ sinh con thì chồng được nghỉ làm để chăm con và nếu đi làm thì cũng không được hưởng lương. Khi đó, tôi đã mơ ước điều này sẽ được thực hiện tại Việt Nam. Và cho đến khi Luật BĐG được ban hành, chúng ta đã thực hiện được. Điều đó cho thấy, chúng ta đã có tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực BĐG".

Sự tiến bộ rất nhiều trong lĩnh vực BĐG mà ông Đào Ngọc Dung nhắc tới, đó là theo số liệu của Bộ LĐ,TB& XH, qua 10 năm thi hành Luật BĐG, tỷ lệ nữ tham gia chính trị tại tất cả các cấp đã có chuyển biến tích cực.

Tỷ lệ nữ Ủy viên Bộ Chính trị và Ủy viên BCH TW Đảng tăng trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp. Lần đầu tiên có nữ Chủ tịch Quốc hội và có 3 nữ Ủy viên Bộ Chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội đạt 27,1%, cao hơn mức trung bình 23,4% toàn cầu và 18,6% của Châu Á. Tính đến năm 2017 có 13/30 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và 16/63 tỉnh thành có nữ lãnh đạo chủ chốt.

Trong lĩnh vực kinh tế, tỷ lệ doanh nghiệp do nữ làm chủ tăng từ 4% năm 2009 tới năm 2017 đạt 27,8% (trong đó tại thành thị là 33,2% và tại nông thôn là 20,1%), cao nhất Đông Nam Á và xếp thứ 19/54 trong bảng chỉ số xếp hạng Chỉ số nữ doanh nhân và xếp thứ 7/54 trong số các nước có nhiều chủ doanh nghiệp là nữ.

Trong lĩnh vực lao động, tỷ lệ lao động nam và nữ tham gia thị trường lao động luôn giữ ở mức khá ổn định, trong đó nữ từ khoảng 48%.Các quy định về BĐG trong lĩnh vực gia đình đã được lồng ghép trong các luật chuyên ngành, cụ thể như Luật Đất đai 2013, Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình 2007, Luật Trẻ em năm 2016...

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để có được những kết quả đó là sự đóng góp của mọi người, trong đó phải có sự đóng góp kiên trì, bền bỉ của các cơ quan chuyên trách làm công tác BĐG. Bởi nhận thức không phải ngày một ngày hai mà thay đổi được, nhất là đối với một nước Nho giáo rất nặng nề, phong kiến, tư tưởng “trọng nam khinh nữ” còn rất nặng nề như Việt Nam.

Nhưng bên cạnh niềm vui vẫn còn đó những nỗi niềm khi mà tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái đang là vấn đề nhức nhối của xã hội. Định kiến về vai trò của nam và nữ trong gia đình và xã hội tạo gánh nặng cho cả phụ nữ và nam giới.

Tâm lý ưa thích con trai dẫn đến tình trạng gia tăng tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh và tình trạng nạo phá thai lựa chọn giới tính. Tỷ lệ nữ tham gia chính trị vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của phụ nữ và vẫn còn nhiều rào cản…

Trước một số tồn tại và những chỉ tiêu khó đạt được, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã có yêu cầu rà soát lại các chỉ tiêu. Liên quan đến chỉ tiêu của bộ nào, ngành nào thì mời ngành đó làm việc và có giải pháp thúc đẩy.

Được biết, tới đây, ngành LĐ,TB&XH sẽ yêu cầu thực hiện lồng ghép giới vào các hoạt động, chương trình, dự án, đề án của ngành, đơn vị, địa phương để phấn đấu đến năm 2030 hoàn thiện hệ thống chính sách về BĐG và triển khai cung cấp các dịch vụ công về BĐG trên phạm vi toàn quốc.

Và thực tế đã cho thấy để thực thi Luật BĐG hiệu quả hơn, công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về BĐG của các cấp, các ngành và ngay chính với bản thân người phụ nữ, nam giới luôn phải được coi là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất. 

Đọc thêm