22 năm dắt chồng mù cuốc bộ hát rong

(PLO) - Chen lẫn trong dòng người xuôi ngược giữa trời chang chang nắng tại Vũng Tàu, một cặp vợ chồng già trạc tuổi 70, ông mù lòa, vai đeo đàn ghi ta và bình ắc-qui, miệng hát; còn bà dắt ông bằng một sợi dây, tay ngửa nón xin tiền. Để rồi sau một ngày mưu sinh cực nhọc, ông bà lại bắt xe buýt vượt hơn 100 km trở về La Gi (Bình Thuận), nơi ấy là tổ ấm của họ cùng 2 người con trai nghèo khổ quanh năm. 
Ông So và bà Sưa hát rong trên đường phố Vũng Tàu.
Ông So và bà Sưa hát rong trên đường phố Vũng Tàu.
Ông tên là Nguyễn Văn So, bà là Trần Thị Sưa (người dân tộc Chăm). Họ đã hát rong như thế suốt 22 năm qua. Để kiếm được trên dưới 100 ngàn đồng, vợ chồng người già này phải cuốc bộ hơn 30 km khắp nẻo đường, góc phố và hát cả trăm bài nhạc vàng. Nhưng khát vọng lớn nhất của họ không chỉ đi hát kiếm tiền mưu sinh, mà để thỏa mãn ước mơ làm ca sĩ và chia sẻ gánh nặng về kinh tế cho hai con trai nghèo khổ. 
22 năm làm “ca sĩ đường phố” 
Chợ Phước Thắng (phường 11, TP.Vũng Tàu) trưa Quốc khánh 2/9 đông hơn ngày thường bởi nhiều người dân hiếu kỳ đến xem hai ông bà già hát nhạc vàng giữa trưa nắng với bước chân nặng nề mệt nhọc. Giọng ông cụ phát ra từ chiếc loa nhỏ cũ kỹ đầy thương cảm: “Phố đêm đèn mờ giăng giăng, mầu màu tím như vì sao cúi đầu ngủ yên. Phố đêm tìm người phong sương, chinh chiến từ lâu rồi có niềm riêng mơ ước”. 
Mặc dù cố rướn cao cổ họng để tiếng hát to hơn, song chẳng thấm vào đâu so với tiếng ồn của người xe qua lại. Từng lời hát đầy thương cảm như thấm vào gan ruột đối với những ai yêu những bản tình ca thủa trước.
Không kìm lòng được trước tiếng hát khắc khoải của ông cụ, khách vòng xe lại xin biếu ông bà 20 ngàn. Bà cụ ngẩng mặt lên, rưng rưng đôi mắt “cảm ơn cậu, cảm ơn rất nhiều”. Nói rồi, bà cụ quay người lại, trìu mến nói với ông: “Ông ơi nghỉ lát đi, trời nắng quá rồi”.
Bà cụ dẫn chồng tới bên lề đường, dưới gốc cây xà cừ, bà bắt đầu câu chuyện bằng những giọt nước mắt. Giọng bà khàn đục: “Hơn 22 năm rồi. Đời hát rong lấy niềm vui của người khác làm cuộc sống của mình. Ở tuổi như tui đáng lẽ phải được nghỉ ngơi bên con cháu, song con tui, chúng quá nghèo khổ. Biết là hát rong cực nhọc, nhất là tuổi già rồi. Tui không muốn là gánh nặng cho con tui. Mỗi ngày đi chừng 30km khắp nẻo đường. 22 năm làm ca sĩ đường phố, nhiều nỗi buồn, cực nhọc lắm chú ơi. Trời lấy đi của ông ấy đôi mắt, nhưng lại phú cho ông ấy cái giọng và ngón đàn. Tui làm con mắt cho ông ấy”.
Còn sức, còn hát
Hơn 22 năm mưu sinh bằng nghề hát rong, ông So và bà Sưa có quá nhiều chuyện vui buồn, đau khổ. Ông không còn nhớ đôi chân ông đã đi mòn bao đôi dép, bà không còn nhớ những con phố bà đã đi qua, song có một điều không bao giờ quên được, đó là tấm lòng nhân ái và sự cưu mang của những ai đã cho ông bà từng ngàn tiền lẻ. 
Ba năm về trước, ông bà vừa bán vé số, vừa hát rong, song nhiều kẻ đã tham lòng giả vờ mua rồi cướp luôn cả tập vé. Ông mù lòa chẳng thấy đường, còn bà gào khóc giữa đêm mưa. “Sau lần ấy, tui không bán vé số nữa. Tập vé số bị cướp, chúng tôi phải hát rong gần hai tháng trời mới trả hết nợ. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua. Chỉ đau khổ lúc đó thôi”, bà Sưa ngậm ngùi chia sẻ.
Không biết bao nhiêu người đã chứng kiến ông So bà Sưa hát dưới trưa nắng chang chang, nhưng không ai đành lòng đi qua mà không cho ông bà mấy ngàn tiền lẻ, khi nghe những ca từ sâu lắng “Đời tôi ngày ngày khi chiều xuống trên thành phố, giọng ca điệu đàn mang về tám hướng tâm tư” như thấm vào gan ruột.
Ông So không nhìn thấy ánh sáng ngoài đời, nhưng ông cảm nhận được giọng hát của ông đang góp phần làm thêm vui cho cuộc sống, làm vơi đi nỗi buồn của ai đó, hoặc khiến người nào nhớ về dĩ vãng kỷ niệm đã qua. Ngày nối ngày, tháng nối tháng, bất kể là mưa hay nắng, ông So, bà Sưa vẫn “ngày ngày trên đường phố”. 
“Nhưng điều khát vọng lớn nhất của vợ chồng tui không chỉ đi hát kiếm tiền mưu sinh, mà để thỏa mãn đam mê và chia sẻ gánh nặng về kinh tế cho hai con trai nghèo khổ. Tuy cực lắm, nhưng có nhiều cái vui lắm. Nhiều người thương cho cả trăm ngàn. Chúng tui chỉ hát nhạc vàng, nhạc Trịnh thôi. Có anh thanh niên đang ngồi trên xe nghe ông ấy hát, đã dừng lại đến cho tiền rồi yêu cầu hát mấy bài khác. Tuy cực nhọc nhưng tui thấy cuộc đời còn nhiều ý nghĩa lắm”, bà Sưa chia sẻ. 
Ông So đưa bàn tay trái cho tôi xem, ông bảo: “Những ngón tay chai sần này là do bấm chặt bàn phím. Mỗi lần cất tiếng hát, tui như hòa mình vào những ca từ, với hi vọng sẽ góp vui cho đời hoặc làm hài lòng một ai đó. Khán giản của tui là những người có tấm lòng nhân ái, những người già và cả những em học sinh”.
Khi hỏi về thời gian hát rong mỗi ngày, bà Sưa cho biết: “Ông bà tui đi từ Bình Thuận lúc 3 giờ sáng. Cứ chỗ nào đông người là hát, kể cả quán nhậu, hay quán cà phê. Lúc nào ông hát mệt quá, tui hát phụ ông ấy. 22 năm qua, ông bà tui sống bằng nghề này, phần để mưu sinh, phần để thỏa mãn niềm đam mê ca hát của mình. 
Cây đàn này đã theo chúng tôi gần 22 năm, nó đã quá cũ nhưng không thể bỏ đi, vì nó là người bạn thân thiết theo nó đánh dấu những ngày đầu đi hát. Đi hát rong nhọc nhằn lắm, nhưng mỗi lần cất tiếng hát thì bao ưu phiền tan biến hết”. Ông bà có định hát rong đến hết cuộc đời? “Có chớ. Còn sức còn hát mà. Hát người khác nghe cũng chính là hát cho cuộc đời mình”, bà Sưa chi sẻ.
Chiều Quốc khánh, TP.Vũng Tàu tấp nập người xe. Ở góc phố bên đường, ông So, bà Sưa lê từng bước chân chậm chạp hát rong kiếm từng nghìn tiền lẻ. Giọng ông So khàn đặc lẫn vào dòng người ngược xuôi: “Sống trên đời sống cần có một tấm lòng, để làm gì em biết không”?

Đọc thêm