3.000 đêm thức trắng vì thương đàn con lận đận?

(PLO) - Bà Nguyễn Thị Cam (68 tuổi, ngụ thôn Mậu Tài, xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) cho biết mình không ngủ được từ năm 2003, vừa do “bệnh lạ”, vừa do tâm lý. Sau 9 năm mất ngủ, bà chỉ còn “bộ xương”, từng có thời gian mắc bệnh trầm cảm nặng.  
Bà Cam: “Trước đây, tôi chín năm không hề ngủ”
Bà Cam: “Trước đây, tôi chín năm không hề ngủ”
Hơn 3.000 ngày mất ngủ
Trong căn nhà nhỏ, vợ chồng bà Cam đang cặm cụi chặt lá chuối để bán. Bà kể lại bệnh của mình: “Tôi vốn là người có sức khỏe tốt, chưa hề tốn một đồng tiền thuốc. Nhưng vào tháng 2/1997, tôi cắt lá chuối xong ra bến nước trước nhà tắm, bỗng nhiên tay chân bị cứng lại rồi ngã quỵ. 
Gần 6 tháng tôi nằm liệt giường, miệng cũng không thể nói được, phải dùng tay ra hiệu. Nhiều người không ngờ sau 10 tháng tập đứng, tập đi, tôi có thể đi lại được.
Đến năm 2003, tôi mắc thêm chứng đau răng, trong lúc nhổ răng không hiểu sao lại bị đứt dây thần kinh số 5, phần hàm phải hoàn toàn không còn cảm giác. Cũng từ khi nhổ răng xong, tôi không hề chợp mắt được”.
Ông Nguyễn Hòa (70 tuổi, chồng bà Cam) cho hay: “Từ đó, vợ tôi không hề ngủ, chỉ nằm trên giường từ 9h đêm đến 4h sáng. Sau vài tháng, vợ tôi giảm 15kg, từ 47kg xuống 32kg. Tôi đã đưa đi chạy chữa khắp nơi nhưng bà vẫn không sao ngủ được. Uống thuốc ngủ nhiều lắm, “lờn” thuốc luôn. 
Tôi nấu cho vợ nhiều đồ ăn để bồi bổ, không để bà làm một việc gì nặng cả, có lẽ nhờ thế nên bà vẫn khỏe mạnh được đến giờ. Nhiều lần tôi biết bà giả vờ nói đêm qua có ngủ được một chút để cho tôi vui lòng mà thôi”.
Bà Cam kể tiếp, lúc đó, đêm nào bà cũng tắt điện, mắt nhắm lại để cho các con được yên tĩnh học hành cũng như nghỉ ngơi sau một ngày vất vả. Nằm nghe tiếng ếch nhái trong đêm, bà mừng nhất là mỗi lúc nghe gà gáy sáng vì được... dậy. 
Đêm nào cũng như vậy, thành thói quen hơn 3.000 ngày. “Nhờ” không ngủ được nên bà “bắt” trộm rất giỏi. Có nhóm trộm gà mới nhè nhẹ đi vào chuồng đã bị bà rọi đèn pin vào mặt. Đôi khi bà định đêm yên tĩnh, không ngủ được thì chằm nón để có tiền, nhưng sức khỏe quá yếu không làm được.
Chồng bà tiếp lời: “Tôi bị viêm xoang, do vợ tôi không ngủ nên khiến tôi dần dần cũng khó ngủ luôn. Mười hai năm rồi tôi ngủ rất ít, đêm đến cứ bị chập chờn, giờ đã thành thói quen. 
Đêm tôi chỉ ngủ sâu được khoảng 30 phút. Đêm nào cũng hơn 10 lần dậy để đi vệ sinh. Cả hai vợ chồng tôi đều đã lên bệnh viện tâm thần khám và xin thuốc nhưng uống cũng không khỏi”.
Thời gian đầu, chuyện bà Cam mất ngủ, dân làng đâu đâu cũng bàn ra tán vào. Nhiều người cho rằng bà bị ma “hớp hồn” vì cậu con trai bị thần kinh, làm nhiều việc “đụng chạm” đến tâm linh. Người khác lại đoán bà mắc một chứng bệnh lạ khó chữa, e rằng ngủ lại có thể sẽ vĩnh viễn không tỉnh dậy được. Có người còn sợ hãi không dám đến gần bà. 
“Chuyện của tôi chỉ mình tôi biết thôi, cũng không muốn nói ra cho người trong nhà, thiên hạ thì càng không. Nhưng chừng ấy thời gian không giấu được, họ dần dần đều biết hết. Người ta không tin cũng phải thôi vì có ai không ngủ mà vẫn sống đâu. 
Tôi chỉ thấy buồn vì họ cho là tôi nói dối. Để kiểm chứng lại sự thật, có người còn lén để máy ghi hình trong giường ngủ tôi xem như thế nào. Sau hai đêm thấy tôi không hề chợt mắt, từ đó người ta mới tin”, bà Cam cười.
Không ngủ từ năm 2003 đến năm 2012. May mắn từ năm 2012 đến nay bà Cam đã ngủ lại được như những người bình thường. Câu chuyện ngủ lại của bà cũng bất ngờ y hệt câu chuyện tự dưng mất ngủ.
Thương con đến mất ngủ?
Bà kể quê ở Bao Vinh (thị xã Hương Trà), trước là nữ sinh Đồng Khánh. Năm 1969, tốt nghiệp Trung cấp Sư phạm Quy Nhơn (Bình Định) với tấm bằng loại ưu, bà trở về Huế và nhanh chóng được đi dạy,  từ năm 1983 dạy ở trường Tiểu học Phú Mậu đến khi về hưu năm 2003. 
Trong thời gian dạy tại đây, bà quen biết ông Hòa khi ấy là một thanh niên nông dân hiền lành, không lâu sau thì kết hôn. Vợ chồng cùng nhau dựng một căn nhà nhỏ ở gần ngôi trường bà đang công tác. Cuộc sống rất nhiều khó khăn nhưng ông bà luôn cảm thấy hạnh phúc bên nhau. Suốt mấy chục năm bà đi dạy, ngoài một năm nghỉ do tai biến, còn lại bà rất khỏe.
Đứa con tâm thần khiến bà Cam nặng lòng
 Đứa con tâm thần khiến bà Cam nặng lòng
Giải thích nguyên nhân chín năm liền không ngủ, bà Cam cho rằng ngoài bị “bệnh lạ”, còn có nguyên nhân khác. Bà có 5 đứa con, 3 trai, hai gái. Đứa con gái đầu không thể nói được câu nào, đưa con lên bệnh viện khám thử mới biết bị câm bẩm sinh, bà như chết lặng vì buồn. 
Con trai thứ hai thì vừa bị câm lại vừa mắc bệnh tâm thần. Thật may 3 đứa con sau này đều khỏe mạnh bình thường. “Sở dĩ tôi không ngủ được ngoài việc bị nhổ răng đau đớn, còn do vừa về hưu sinh buồn, bệnh tật và một phần do con cái tôi đều gặp khó khăn trong thời gian đó”, bà nói. 
Anh Nguyễn Huy (30 tuổi, con bà Cam) tâm sự: “Thời gian đó, gia đình tôi gặp quá nhiều điều không may. Mẹ tôi bị trầm cảm luôn, mắt thâm quầng, chắc mẹ cũng có ngủ nhưng chỉ mơ mơ nên không biết đó mà. Mẹ nóng tính lắm và rất nhiều lần tự vẫn nhưng may không sao. 
Ba năm trở lại đây, mọi chuyện đều đã thay đổi một cách tích cực, mẹ tôi giờ đã ngủ ngon, người khỏe mạnh lắm. 
Ông Trần Hiếu Cơ (Chủ tịch UBND xã Phú Mậu) cho biết: “Tôi được biết bà Cam từng nằm liệt giường nhưng nhờ nghị lực sống phi thường mà bà đã đi lại được. Tôi cũng biết đến căn bệnh mất ngủ của bà vì vợ chồng họ đi chữa trị nhiều nơi. Còn chuyện bà không hề ngủ trong một thời gian dài thì tôi không thể khẳng định được. Hiện tại bà đã hoàn toàn bình thường, không còn mất ngủ. Tôi cũng hết sức bất ngờ”.
“Do bệnh trầm cảm dẫn đến mất ngủ có căn nguyên là thiếu hụt chất serotonin ở não nên bệnh nhân sẽ phải dùng thuốc chống trầm cảm để bù lại lượng serotonin thiếu hụt nói trên. Nên chọn các thuốc chống trầm cảm ít tác dụng phụ. Trong hai tuần đầu tiên bác sĩ có thể cho thêm benzodiazepin để nâng cao tác dụng của thuốc chống trầm cảm, sau đó thì dừng loại thuốc này. Chẳng hạn hai tuần đầu có thể dùng thuốc paroxetin, lexomil uống vào buổi tối. Sau đó chỉ dùng paroxetin uống vào buổi tối. Cần duy trì uống thuốc thường xuyên dưới sự hướng dẫn cụ thể của bác sĩ tâm thần”.
PGS.TS. Bùi Quang Huy

Đọc thêm