37 năm lấy tình thân cứu vớt những mảnh đời lầm lạc

(PLO) - Để cảm hóa những phạm nhân nữ ở trại giam mình quản lý, Đại tá Phạm Hồng Việt (Phó giám thị phụ trách Phân trại số 2, Trại giam Đắk Trung, thuộc Tổng cục Thi hành án “hình sự và Hỗ trợ tư pháp – Tổng cục 8, Bộ Công an) thường tìm hiểu tâm tư, tình cảm của họ. Sau đó, ông lấy tình thân làm châm ngôn để "cứu vớt" những tâm hồn lầm lỗi...
37 năm lấy tình thân cứu vớt những mảnh đời lầm lạc
37 năm gắn bó với nghề
Chúng tôi gặp Đại tá Phạm Hồng Việt khi anh vừa xuống thăm phân trại do mình phụ trách trở về. Là nơi cải tạo của 239 phạm nhân nữ thuộc Trại giam Đắk Trung (đóng trên địa bàn xã Ea Kpam, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk), Phân trại số 2 mới hình thành được gần 10 năm nhưng cũng là ngần ấy thời gian Đại tá Việt gắn bó với nơi này.
Tiếp chuyện chúng tôi, Đại tá Việt cho biết: “Tôi nhập ngũ năm 1978 khi còn là một thanh niên mới 16 tuổi. Khi đó, Công an tỉnh Đắk Lắk về tỉnh Thái Bình tuyển chọn cho lực lượng cảnh sát cơ động. Tôi viết đơn tình nguyện xin nhập ngũ và được bố mẹ đồng ý. 
Hồi đó, tình hình của tỉnh Đắk Lắk còn nhiều phức tạp, nhất là nạn Fulro nên anh em cũng xác định cho mình công việc nhiều gian nan, vất vả. Sau một thời gian tập luyện ngoài thao trường, 50 cán bộ, chiến sĩ được chuyển vào công tác tại Trại giam Mê Vang, tiền thân của Trại giam Đắk Trung bây giờ. Thấm thoát vậy mà đã 37 năm gắn bó với mảnh đất này và với nghề rồi”.
Trong dòng hồi ức của Đại tá Việt, khi đó trại giam còn nhiều khó khăn thiếu thốn. Điện còn chưa có nên cán bộ, chiến sĩ phải dùng đèn dầu. Nhà giam giữ cũng đơn sơ chứ không phải được kiên cố như bây giờ nên anh em rất vất vả. 
“Đã không ít người nản chí nhưng tôi tin tưởng ở quyết định của bản thân mình khi nhập ngũ nên động viên anh em cùng nhau khắc phục và vượt qua nhiều khó khăn mà đến bây giờ khi nghĩ lại, đó là những kỉ niệm cuộc đời, của công việc trại giam không thể nào quên được”, Đại tá Việt giãi bày.
Đại tá Phạm Hồng Việt.
Đại tá Phạm Hồng Việt. 
Trưởng thành từ chiến sĩ cảnh sát bảo vệ, sau đó Đại tá Việt có 10 năm làm công tác quản giáo trước khi trở thành Giám thị Trại giam Đắk Trung vào năm 2008. Ngày có quyết định trở thành Giám thị trại giam, Đại tá Việt cũng nhận nhiệm vụ phụ trách Phân trại số 2, khi đó vừa tách ra với 239 phạm nhân nữ trong tổng số gần 2000 phạm nhân đang chấp hành hình phạt cải tạo tại Trại giam Đắk Trung. 
Công việc và trách nhiệm
Đại tá Việt bộc bạch: “Nhiều anh em cán bộ bảo tôi là một người nóng tính, rất cương quyết nhưng đó chỉ là trên công việc và nhiệm vụ chung của người cán bộ công an trại giam. Còn đối với cuộc sống thường ngày, cán bộ, chiến sĩ công tác tại Phân trại mình phụ trách, tôi luôn coi đó là anh em, con cháu của mình mà trách nhiệm bảo ban, động viên là điều cán bộ giám thị cần có”. 
Trong kỉ niệm của mình, Đại tá Việt kể đến trường hợp của Trung úy Nguyễn Công Thuấn (quê tại huyện Chư Quynh, thuộc Đội cảnh sát bảo vệ). Thấy nhiều lần người cán bộ trẻ lo lắng về việc gửi con về quê cho ông bà nội chăm sóc, Đại tá Việt đã ân cần trò chuyện và đưa ra lời khuyên hợp lý. 
“Hai vợ chồng cậu ấy đều làm việc tại Phân trại. Phân trại cũng có nhà trẻ cho các cháu là con cán bộ, chiến sĩ nhưng hai vợ chồng Thuấn lại gửi về nhà nội cho ông bà chăm sóc. Tôi phân tích cho hai vợ chồng nên gần con để cháu có điều kiện phát triển hơn. Sau đó, hai vợ chồng an tâm công tác mà vẫn có thời gian chơi đùa với con sau khi hết giờ làm”.
Nói về công tác quản giáo, nhất là Phân trại chỉ toàn phạm nhân nữ, Đại tá Việt chia sẻ: “Tôi vẫn thường nói với các phạm nhân nữ rằng, tôi có mẹ, có vợ, có con gái là phụ nữ nên phải hiểu được tâm tư của họ mới có thể động viên, trò chuyện giúp họ an tâm cải tạo trở thành người có ích cho xã hội sau những lầm lỗi đã qua”. 
Phạm nhân tên Nhàn với biệt danh “Nhàn lầy” thường xuyên không chấp hành cải tạo và vi phạm nội quy. Sau khi được Giám thị Đặng Duy Văn hỏi han, trò chuyện, Đại tá Việt tiếp tục thăm gặp và động viên, chỉ sau một thời gian ngắn, phạm nhân này đã đạt mức cải tạo tốt hơn hẳn. 
Đại tá Việt nói thêm: “Phân trại của tôi phụ trách còn có hai phạm nhân có con nhỏ, trong đó phạm nhân Nguyễn Thị Văn khi vào trại được 8 ngày thì sinh con. Mẹ cháu là phạm nhân nhưng cháu là một công dân tương lai của đất nước nên tôi và cán bộ Phân trại đã bố trí riêng một phòng bệnh xá cho hai mẹ con. 
Tôi còn cắt cử một phạm nhân tuổi đã cao chăm sóc thêm cho mẹ con Văn. Hàng tuần, khi Phân trại cải thiện đồ ăn tươi, tôi dành phần của mình chuyển cho phạm nhân Văn để tăng lượng sữa nuôi bé Susu (tên con của Văn – PV). Điều khiến tôi vô cùng bất ngờ đó là có rất nhiều phạm nhân khác xin ý kiến của tôi gửi một phần đồ hoặc tiền cho hai mẹ con Văn”.
Hỏi về công tác chuẩn bị Tết cho cán bộ, chiến sĩ và các phạm nhân, Đại tá Việt cho biết đến thời điểm trước tháng 2/2015, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. “Anh em đảm bảo an ninh và đời sống cho cán bộ, phạm nhân thật tốt, nhất là những trường hợp phạm nhân ít có người đến thăm nuôi để họ yên tâm cải tạo”, Đại tá Việt nói.
Khi chúng tôi hỏi về gia đình, Đại tá Việt cười nói: “Vợ tôi là một giáo viên tiểu học ngay tại địa bàn trại đóng quân. Nhiều năm ăn tết xa nhà, cô ấy hiểu và chia sẻ với đặc thù công việc của tôi nên rất an tâm công tác”. 
Nhiều năm liên tiếp là Chiến sĩ thi đua của ngành, trong Hội nghị điển hình tiên tiến của phong trào thi đua “Vì an ninh Tổ quốc” vừa qua tại Trại giam Đắk Trung, Đại tá Phạm Hồng Việt đã vinh dự nhận Bằng khen của Tổng cục 8 và UBND tỉnh Đắk Lắk trao tặng. Đó cũng là sự ghi nhận đối với người cán bộ công an trại giam luôn cố gắng và gắn bó với công việc suốt 37 năm qua.
Chia tay ra về, Đại tá Việt tâm sự: “Còn gắn bó với công việc, tôi chỉ muốn cùng anh em cán bộ quản giáo tại đây trả lại cho đời những con người có ích sau những lầm lỗi đã gây ra”./.

Đọc thêm