4 công an sao không cứu được thanh niên vẫy vùng dưới hồ nước?

Liên quan đến vụ nam thanh niên tử vong tại hồ Hàm Nghi (phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê, Đà Nẵng),  Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết, 4 công an phường có mặt tại hiện trường nhưng đành bất lực trước quyết tâm tìm đến cái chết của nạn nhân.
Khi đưa được lên bờ, G. đã tử vong.
Khi đưa được lên bờ, G. đã tử vong.

Theo Thượng tá Kiều Văn Vương - Phó trưởng Công an quận Thanh Khê, khoảng 8h15 ngày 21/2, ngay sau khi nhận được tin báo của người dân, 4 công an phường Vĩnh Trung có mặt tại bờ hồ Hàm Nghi. Nguyễn T.G. (SN 1992, trú quận Hải Châu) lúc đó vẫn đang vùng vẫy, miệng liên tục la hét chửi bới mọi người, không cho cứu mình lên bờ.

2 công an phường đi lấy phao để cứu hộ, 2 chiến sĩ còn lại túc trực tại hiện trường. Tuy nhiên, khi 2 người đi lấy phao trở về thì G. đã chìm, một người đàn ông nhảy xuống vớt G. lên nhưng nạn nhân tử vong.

“Báo cáo của công an phường gửi lên nói rõ tổ công tác đã cố gắng thuyết phục nhưng thanh niên kia vẫn bơi đi bơi lại và không lên bờ. Nạn nhân có biểu hiện ngáo đá. Lúc đó có nhiều người dân đứng trên bờ nhưng không ai xuống vì không biết bơi", Phó trưởng Công an quận Thanh Khê cho biết. "Nếu người bình thường, người ta hợp tác thì có thể cứu được".

Cũng theo Thượng tá Kiều Văn Vương, cứu hộ cứu nạn là nhiệm vụ chuyên trách của lực lượng Cảnh sát PCCC - đơn vị được đào tạo bài bản các kỹ năng, có đầy đủ trang thiết bị cứu hộ. Nếu có họ ở hiện trường thì sự việc đã khác.

Lãnh đạo công an quận Thanh Khê cho biết thêm, nhiệm vụ của công an phường là đảm bảo trật tự ở hiện trường.

“Lực lượng nào cũng thế, khi thấy người gặp nạn đều phải ứng cứu, tuy nhiên công tác cứu hộ phải đảm bảo an toàn cho chính mình và nạn nhân”, ông Vương nhấn mạnh.

Ông Vương phủ nhận thông tin người dân ngồi nhìn G. chết đuối mà không ứng cứu.

"Trước đó, đã có người đưa gậy để Giang bám vào, kéo lên bờ nhưng thanh niên này gạt đi và buông lời chửi bới. Những người có mặt trong đoạn băng ghi hình phần lớn là phụ nữ và trẻ em không biết bơi nên không thể nhảy xuống hồ cứu người" - ông Vương nói.

Một người sửa xe gần bờ hồ cũng cho biết G. bị ngáo đá. Khi nhảy xuống hồ, G. bơi đi bơi lại và luôn miệng nói xấu công an nên không ai dám xuống cứu.

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy, G. sử dụng ma túy đá trước khi rơi xuống hồ. Anh này có tiền sử 2 lần đi trại cai nghiện, trở về địa bàn vào cuối tháng 12/2015. Gia đình nhận thi thể nạn nhân về làm thủ tục mai táng và không có khiếu nại.

Ông Vương cho rằng, hiện không có đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự những người được cho là ngồi "xem" G. chết đuối. Bởi trong Bộ Luật Hình sự quy định rõ việc cứu người đang trong tình trạng nguy hiểm cũng phải phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện và không ảnh hưởng đến tính mạng của người cứu hộ.

Còn với hành vi quay clip, theo Thượng tá Vương, đó là một hành động rất phản cảm. Người quay clip có thể làm một việc gì đó tham gia cứu người. "Nếu người quay clip là người có khả năng bơi lội mà không cứu người thì không những không có đạo đức mà còn vi phạm pháp luật. Là một người vô cảm”, Thượng tá Vương nói.

Đọc thêm