50 năm làm “cặp mắt” cho chồng

(PLO) - Người dân xung quanh phường Hòa Hiệp Bắc không ai là không biết đến hoàn cảnh đáng thương của  vợ chồng bà Trương Thị Bé (81 tuổi), ông Nguyễn Cộ (82 tuổi, trú tại tổ 40, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng). Mấy chục năm qua, họ đã quen với hình ảnh người vợ thân hình nhỏ bé, lụi cụi dắt chồng mù lòa đi khắp nơi để bán chổi lấy ít đồng mưu sinh qua ngày.

Hàng ngày bà vẫn làm “đôi mắt” của ông, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để mưu sinh.
Hàng ngày bà vẫn làm “đôi mắt” của ông, đi khắp hang cùng ngõ hẻm để mưu sinh.
Vợ chồng già bám víu nhau mưu sinh
Ông Nguyễn Cộ từng tham gia kháng chiến chống Pháp 9 năm tại cánh Nam đèo An Khê, Gia Lai. Năm 1966, ông bị bắt giam ở nhà lao Điện Biên Phủ 6 tháng, bị giặc tra tấn dã man nhưng nhất quyết không khuất phục. Ngày giải phóng, trở về với vòng tay đồng đội, ông đã không còn đôi mắt.
Sau này, ông về Nam Ô (Đà Nẵng) sinh sống, rồi gặp bà ở đây. Đồng cảnh gia đình hai bên không còn ai thân thích, từ tình thương, sự cảm thông, ông bà đã nên duyên vợ chồng. Đôi mắt đã mù lòa, gia đình lại nghèo khó, vậy là mọi gánh nặng cơm áo đổ trên vai bà. Tuy nhiên, bao nhiêu năm qua, bà không một lời oán trách hay kêu than. Có với nhau 4 người con ( 3 con trai và 1 con gái) nhưng cả 3 người con đầu đều bệnh tật. Cô con gái út may mắn khỏe mạnh thì khi lấy chồng cũng gặp nhiều khó khăn. Chồng mất sớm, chị phải đi đốt than trên rừng từ 4h sáng đến 15h mới về đến nhà, phải nuôi 4 đứa con ăn học nên đành cắn răng nhìn bố mẹ cực khổ mà chẳng đỡ đần được gì. 
Chỉ còn hai thân già lặn lội, nhưng dù ông không nhìn được nữa, suốt gần 50 năm qua, bà Bé vẫn luôn bên cạnh ân cần chăm sóc, lo lắng, trở thành “đôi mắt” của chồng. Cầm tay bà, ông bùi ngùi: “Tui phải cảm ơn bà ấy rất nhiều, suốt bao năm qua dù phải chăm sóc kẻ mù như tui mà bà ấy vẫn không một lời oán trách”.
Khi được hỏi vì sao ông không được hưởng các chế độ cho thương binh, ông bùi ngùi cho biết, nhiều đồng đội cũ giờ đã mất, ông lại bị mù lòa, không nhìn thấy gì, mọi giấy tờ cũng đã thất lạc nên không thể chứng minh. Hiện tại ngoài bán chổi, ông bà cũng chỉ nhận được trợ cấp 200 nghìn đồng mỗi người, cả 2 vợ chồng cũng đang thuộc diện hộ nghèo khó của phường Hòa Hiệp Bắc.
Mấy năm trước ngoài đi bán chổi, ông bà còn tranh thủ bán thêm vé số để có thêm thu nhập. Có lần hai người vào quán cà phê bán vé số, có người khách thấy ông bà tội nghiệp, biếu ít tiền, bà khảng khái nói rằng: “Cảm ơn tấm lòng của chú, nhưng chúng tôi đi bán chứ không đi xin, chú mua giúp cho là chúng tôi cám ơn rồi”.
Căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá.
Căn nhà chẳng có vật dụng gì đáng giá. 
Ráng sống để trả nợ
5h sáng, vợ chồng ông đã lật đật vác chổi đi bán. Bà cầm cây gậy đi trước dắt, ông bám phía sau, vác một bó chổi đót nặng trĩu, vừa đi vừa rao “Chổi đây, ai mua chổi…”. Hai người cứ thế đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của thành phố Đà Nẵng, ông nói: “ Chỗ nào không biết chứ Đà Nẵng thì chưa có chỗ nào tui chưa qua”. Ngừng một chút, ông cười nhẹ: “Thì hai vợ chồng bám nhau đi từ ngày giải phóng đến giờ, tính ra kilomet thì biết bao đường đất”.
Chổi ông bà bán có giá từ 30.000- 35.000 đồng, lời lãi chỉ được vài ngàn đồng mỗi cây. Ngày nhiều, ông bà bán được 20 cây. Kiếm chưa đầy trăm ngàn đồng mỗi ngày, nhưng ông bà cứ đi như thế, dù trời nắng gắt, có hôm từ Nam Ô xuống tận Hòa Khánh, có lúc còn đến tận sân bay Đà Nẵng.
Tuy thế, dạo gần đây không phải ngày nào hai vợ chồng cũng đi bán chổi được. Mấy năm nay sức khỏe yếu, một tuần ông bà chỉ đi được vài ngày. “Có những hôm đi nhiều quá, tui bị chuột rút, vậy là cứ té hoài, bà con thấy thế dắt tui vào nhà xoa dầu cho, nghỉ ngơi một lúc mới bắt đầu đi bán lại được”.  Vậy nên dù cố gắng, mỗi tháng ông bà vẫn chỉ thu nhập chưa đầy 2 triệu đồng. 
Hôm nào bán được chổi còn có tiền chi tiêu, có những hôm hàng ế, ông bà đành mua chịu ít đồ cần thiết rồi cuối tháng trả nợ dần. “Hồi trước đi được xa, còn bán được. Nhưng gần đây, sức khỏe ông ấy cũng yếu, tui lại đau cột sống nên vất vả lắm” - bà Bé ngậm ngùi tâm sự. 
Chia sẻ chuyện nhọc nhằn mưu sinh, nhưng ông bà dường như muốn giấu kín nỗi đau khác về gia đình. Qua một người hàng xóm, chúng tôi mới hiểu một bi kịch khác ông bà Cộ đang phải gánh chịu. Số là, người con trai thứ hai không chỉ bệnh tật mà còn bị bệnh thần kinh. Cách đây vài năm, người con này thường xuyên lên cơn, chửi mắng, đuổi đánh bố mẹ. Không có tiền đưa con đi chạy chữa mà sống chung thì không chịu nổi sự hành hạ, ông bà Cộ đành ra ngoài, vay mượn ít tiền dựng căn nhà nhỏ gần nhà cũ. Thỉnh thoảng trong tuần, ông bà mới đảo về, gửi chút tiền nhờ hàng xóm mua bán đồ ăn cho những đứa con bệnh tật. 
Gợi về chuyện này, biết không giấu được, ông Cộ mới trăn trở: “Thương con lắm nhưng nó bệnh tật, có biết suy nghĩ gì đâu. Đành dọn ra ngoài tránh những cơn thần kinh của con, lại đỡ phải suy nghĩ đau đầu hai thân già. Giờ vợ chồng tui chỉ mong sống được ít năm nữa, tiết kiệm trả nợ. Mỗi ngày đi bán về, vợ chồng tui lại bỏ heo 5 ngàn, có khi 10 ngàn đồng để cuối tháng trả nợ ngân hàng”.
Nghe chồng nói, bà Bé tỏ vẻ đồng tình. Bà nhìn ra ngoài cửa, giấu sự xúc động ngần ngận nơi khóe mắt: “Tôi chỉ mong sao trả hết nợ thì căn nhà này trở thành của để dành, cho mấy đứa con sau này có cái trông vào. Vậy nhưng việc mưu sinh ngày càng khó, chẳng biết còn sống được đến lúc trả hết nợ hay không?”. Ở cái tuổi gần đất xa trời, nỗi lo cơm áo vẫn đeo bám hai con người một đời vất vả. Điều an ủi duy nhất có lẽ là ông bà vẫn luôn ở bên nhau, nương tựa nhau vượt qua mọi sóng gió của cuộc đời. 

Đọc thêm