800 tỷ đồng đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông: Vẫn lo “quá… mở”

(PLO) - Nỗi lo lớn nhất là cách dạy học “truyền thụ kiến thức máy móc, dập khuôn, làm giảm khả năng tư duy, sáng tạo” nên đổi mới chương trình, sách giáo khoa (SGK) phải chú ý phát triển tư duy sáng tạo mà không làm khó cho việc đánh giá chất lượng giáo dục. 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại phiên họp
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận phát biểu tại phiên họp
Đó là quan điểm đưa ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về Tờ trình của Chính phủ về Đề án đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông và Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chương trình, SGK giáo dục phổ thông sáng qua (27/9). 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phạm Vũ Luận cho biết, tổng kinh phí thực hiện Đề án này là 778,8 tỷ đồng (ngân sách TƯ là 504,4 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 274,4 tỷ đồng) triển khai theo lộ trình từ nay đến năm 2021, trong đó kinh phí cho các nhiệm vụ xây dựng chương trình, biên soạn một bộ SGK; thẩm định chương trình, bộ SGK là 462 tỷ đồng (riêng kinh phí biên soạn một bộ SGK là 287,6 tỷ đồng) và 316,8 tỷ đồng để triển khai chương trình và SGK mới.
Nhiều bộ SGK có khiến “đa sư loạn mục”?
Chủ trương này được Bộ GD&ĐT nêu trong Đề án nhằm thực hiện xã hội hóa việc biên soạn SGK và “mở” cho các địa phương, cơ sở giáo dục chủ động trong việc biên soạn, sử dụng SGK theo chương trình chung mà Bộ qui định. 
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh: “Bộ không chủ trương có một bộ SGK duy nhất, mà hướng tới có nhiều bộ SGK. Nếu Quốc hội đồng ý phương án này thì Bộ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền để nói rõ việc Bộ chủ trì biên soạn một bộ SGK là nhằm tăng tính chủ động trong việc thực hiện chương trình, SGK mới, ít nhất là có một bộ SGK. Việc Bộ làm một bộ SGK không ảnh hưởng đến việc có nhiều bộ SGK; các bộ SGK khác nếu đáp ứng tiêu chuẩn đều được khuyến khích lưu hành trong các trường học”. 
Đồng thời, Bộ trưởng cho biết, các nhà trường sẽ thảo luận để lựa chọn bộ SGK cho từng môn học trên cơ sở ý kiến của giáo viên, Hội đồng chuyên môn, phụ huynh.
Hướng “mở” mang tính tiến bộ này được UBTVQH đánh giá cao, tuy chưa hoàn toàn hết lo ngại. Theo Đề án, cùng với việc Bộ GD&ĐT chủ trương sẽ tham gia biên soạn một bộ SGK thì sẽ khuyến khích các cá nhân, tổ chức tham biên soạn SGK, sau đó Bộ sẽ thẩm định để chọn một bộ SGK chuẩn. 
Chính phủ thừa nhận, việc để Bộ GD&ĐT trực tiếp tham gia biên soạn SGK có thể gây nghi ngờ về tính khách quan do Bộ sẽ tổ chức thẩm định chính bộ sách do mình biên soạn, cũng như lo ngại có sự áp đặt của lãnh đạo Bộ trong việc biên soạn SGK. Đặc biệt, khó khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK do e ngại, không muốn “đụng” vào SGK của Bộ.
Quên mối liên hệ “sống còn” với thi cử
Bên cạnh đó, bà Nguyễn Thị Doan – Phó Chủ tịch nước đặt vấn đề: “Nếu mở như thế này, nhiều trường không chọn SGK của Bộ thì bao nhiêu tiền đổ vào đấy tính sao?”. Còn Chủ tịch Quốc hội lo ngại: “Cho quyền lựa chọn, vận dụng chương trình, SGK thì thi như thế nào khi “đa sư loạn mục”, “lắm thầy nhiều ma”? Không những thế, ông Huỳnh Ngọc Sơn – Phó Chủ tịch Quốc hội còn nêu nghi ngại: “Việc có nhiều bộ SGK sẽ cần phải thẩm định trước khi lưu hành, có dẫn tới cơ chế xin – cho không?”.
Và ngay cả ý tưởng ‘tận dụng” các bộ SGK không được chọn làm bộ sách chính thức nhưng đủ điều kiện lưu hành làm “tài  liệu giáo dục”, tham khảo cũng khiến UBTVQH lo khi “cặp của học sinh nặng lên chính vì nhiều sách tham khảo”, nên ông Phùng Quốc Hiển – Chủ nhiệm ủy ban Tài chính - Ngân sách kiến nghị: “Cùng với SGK, phải xem xét hệ thống sách tham khảo cho hợp lý”, tránh có nhiều SGK dễ dẫn đến lạm dụng, gây thêm khó khăn cho người dân.
Theo Đề án, trong SGK đổi mới, ngoài những nội dung cốt lõi và yêu cầu bắt buộc (phần cứng), sẽ dành khoảng 20% thời lượng trong SGK để các địa phương (Sở GD&ĐT) bổ sung những nội dung mang tính đặc thù về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương, các nhà trường được xây dựng kế hoạch giáo dục phù hợp với nhu cầu và điều kiện của mình. Nhưng vấn đề ông Huỳnh Ngọc Sơn đặt ra là “khi thi quốc gia thì phần vận dụng này có được tính đến?”.
Đặc biệt, UBTVQH  nhận thấy Đề án chưa đề cập đến mối quan hệ gia đình – nhà trường – xã hội trong việc giáo dục, trong khi thiếu một “mắt xích” thì cũng không thể có được “sản phẩm giáo dục toàn diện” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhận xét. Bên cạnh đó, thiếu nội dung thể hiện sự gắn kết giữa SGK và việc thi để đảm bảo chất lượng giáo dục là “điểm trừ” của Đề án vì “SGK phục vụ cho việc dạy và học, còn kết quả của việc dạy và học lại được thể hiện qua thi cử”. 
Về lộ trình thực hiện chương trình, SGK mới: Giai đoạn 1 (tháng 1/2015 đến tháng 6/2017) sẽ chuẩn bị các điều kiện để xây dựng chương trình, SGK mới; giai đoạn 2 (tháng 7/2017 đến tháng 6/2018) sẽ xây dựng, điều chỉnh, hoàn thiện, bổ sung chế độ, chính sách liên quan đến việc thực hiện chương trình, SGK mới, bán đấu giá bản quyền bộ SGK do Bộ thực hiện; giai đoạn 3 (tháng 7/2018 đến tháng 12/2021) sẽ triển khai áp dụng chương trình mới, bắt đầu từ năm học 2018 – 2019 đại trà với tiểu học và triển khai “cuốn chiếu” đối với 2 cấp còn lại để vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
UBTVQH cũng tán thành phương án về cơ cấu giáo dục phổ thông như hiện hành, 12 năm và chia thành hai giai đoạn: Giáo dục cơ bản (gồm cấp tiểu học và cấp trung học cơ sở 9 năm) là giai đoạn giáo dục phổ cập, bắt buộc nhằm bảo đảm trang bị cho học sinh kiến thức phổ thông nền tảng và giáo dục định hướng nghề nghiệp (cấp trung học phổ thông 3 năm) chuẩn bị cho học sinh tham gia thị trường lao động hoặc học lên cao đẳng, đại học và sau đại học.

Đọc thêm