8/10 người thành thị lo lắng về khoảng cách mức sống

(PLO) - Thông tin trên được đưa ra trong Báo cáo “Cưỡi sóng lớn: Sự thần kỳ Đông Á trong thế kỷ 21” do Ngân hàng Thế giới công bố ngày 4/12. 

Theo báo cáo, bất bình đẳng ngày càng là một nguy cơ đối với người dân trong khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Trong đó, hơn 90% người Trung Quốc và hơn nửa dân số Philippines cho rằng khoảng cách thu nhập ở hai nước này quá lớn. Còn tại Việt Nam, theo báo cáo, phần lớn những người dân được khảo sát và 8 trong số 10 người sống ở khu vực đô thị bày tỏ lo lắng về khoảng cách trong mức sống.

Theo báo cáo, những người trẻ ở Việt Nam là nhóm người có xu hướng lo lắng hơn về sự bất bình đẳng, bao gồm mọi khía cạnh của cuộc sống, từ giáo dục, y tế tới thu nhập. 

Theo các kết quả khảo sát được nêu trong báo cáo, người dân tộc thiểu số hiện chiếm đến hơn 2/3 số dân thuộc nhóm nghèo cùng cực của nước ta. Hầu hết những người này sống tập trung ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng núi. Báo cáo cũng lưu ý về việc hiện vẫn có hơn 5 triệu người Việt Nam không có hộ khẩu ở nơi họ sinh sống, khiến họ phải đối mặt với khả năng phải chịu mức chi phí sinh hoạt cao hơn, gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận hệ thống chăm sức khỏe, giáo dục, phân biệt đối xử… Báo cáo cũng ghi nhận số dân ở khu vực đô thị đang sống trong những khu ổ chuột của Việt Nam đã giảm từ 54% xuống còn 35% trong giai đoạn 1950 – 2009.

Từ các phân tích, báo cáo cho rằng, các nước đang phát triển khu vực Đông Á - Thái Bình Dương - những nước thành công nhất về giảm nghèo và nâng cao mức sống trên thế giới - cần thay đổi mô hình tăng trưởng để duy trì tăng trưởng bao trùm, tức là tăng trưởng dẫn đến giảm nghèo, giúp mọi người đi lên và đảm bảo an ninh kinh tế, trong tương lai. Với Việt Nam - nước thuộc nhóm “vừa thoát nghèo đang tiến lên thịnh vượng”, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị cần chú trọng đáp ứng nhu cầu của tầng lớp trung lưu và các nhóm còn dễ bị tổn thương; đồng thời cũng cần chuẩn bị sẵn sàng đối phó với tình trạng già hóa nhanh.

Đọc thêm