9 ngày giỗ ở hang Tám Cô, những người nằm lại “tọa độ lửa” Quảng Bình

(PLO) - Ngày 18/11, ông Lê Thanh Tịnh – Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia (VQG) Phong Nha – Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình cho biết, Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ tổ chức Tuần lễ giỗ hang Tám Cô trong 9 ngày từ 19/11 - 27/11 (nhằm ngày 08/10 - 16/10 năm Ất Mùi).
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng. Ảnh: T.N.Phong
Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng. Ảnh: T.N.Phong
Theo đó, tuần lễ giỗ sẽ bao gồm 2 lễ chính là phần mở đầu và kết thúc bao gồm các hoạt động tri ân, tưởng niệm trang trọng tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng, thuộc địa phận xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, trong vùng quản lý, bảo vệ của VQG Phong Nha – Kẻ Bàng. 
Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng sẽ tổ chức đón tiếp chu đáo bà con nhân dân, du khách trong và ngoài nước đến tham dự, dâng hương tri ân, tưởng niệm các anh hùng.
Du khách vào thắp hương tưởng niệm trong hang Tám Cô. Ảnh: T.N.Phong
Du khách vào thắp hương tưởng niệm trong hang Tám Cô. Ảnh: T.N.Phong 
Trước đó, ngày 14/11, Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng tổ chức lễ viếng, dâng hương tưởng niệm 43 năm ngày hy sinh của các anh hùng liệt sĩ tại Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hang Tám Cô, đường 20 Quyết Thắng (14/11/1972 - 14/11/2015). 
Tại lễ dâng hương, các cán bộ, nhân viên ban quản lý vườn đã dành một phút mặc niệm để tỏ lòng ngưỡng vọng và tri ân sâu sắc đến các anh hùng liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc đã không tiếc máu xương, dũng cảm chiến đấu, hy sinh quên mình vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.
Cách đây 43 năm, tại Km 16 đường 20 Quyết Thắng, mang tâm danh “hang Tám Cô”, lịch sử đã chứng kiến sự hy sinh bi tráng của 8 thanh niên xung phong (TNXP) quê ở Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa thuộc đơn vị C217, Ban xây dựng 67, Đoàn 559. 
Tháng 11/1972, máy bay B52 Mỹ - ngụy dùng máy bay tăng cường dùng bom rải thảm, chà đi xát lại trên tuyến đường 20 hòng ngăn chặn sự chi viện của cách mạng miền Bắc vào tiền tuyến miền Nam.
Cán bộ, nhân viên Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trước Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng. Ảnh: Huyền Sương
Cán bộ, nhân viên Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng trước Đền tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ Đường 20 - Quyết Thắng. Ảnh: Huyền Sương
Con đường huyết mạch này trở thành “tọa độ lửa”. Ngày 14/11/1972, Đội TNXP 25 (thuộc Đại đội 217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559) đang mở đường thì nghe còi báo động máy bay đánh phá và vội vã chạy vào hang Tám Cô trú ẩn. Một loạt B52 dày đặc ào xuống kèm theo một tiếng sập rung chuyển núi rừng của tảng đá hàng ngàn tấn ập xuống, bịt kín miệng hang. Mọi phương án cứu hộ của quân và dân ta từ bên ngoài đều không khả thi. 
Đến ngày thứ 9 (23/11), phía bên ngoài hang chỉ còn nghe thấy tiếng kêu cứu thổn thức yếu ớt cuối cùng: “Mẹ ơi”, rồi im bặt. Họ không thể thoát ra ngoài và tất cả đã nằm lại vĩnh viễn trong hang đá lạnh lẽo vì kiệt sức. 
Hang Tám Cô từ ngày ấy, là nấm mồ chung của 8 TNXP thông đường. Họ ngã xuống ở lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất đời.
Lãnh đạo Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng dâng hương viếng vong linh các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Huyền Sương
Lãnh đạo Ban quản lý VQG Phong Nha - Kẻ Bàng dâng hương viếng vong linh các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: Huyền Sương  
Năm 1996, tức là thân xác các anh hùng đã nằm lại trong hang đến 24 năm sau, tỉnh Quảng Bình quyết định phá tảng đá lấp của hang để đưa các hài cốt TNXP về với đất mẹ. Những người chứng kiến cuộc “giải thoát” cho các hài cốt kể lại, khi phá được cửa hang, cả 8 bộ hài cốt nằm cuộn chồng lên nhau. 
Họ đã sống và chiến đấu vì độc lập dân tộc cùng đồng chí, đồng đội. Khi ngã xuống, họ cũng ở bên đồng đội./.

Đọc thêm