Ác mộng… phiên bản lỗi

(PLVN) - “Bây giờ tôi vẫn còn sống chung với trầm cảm. Nhưng tôi đã đi học trở lại, đã gặp bác sĩ và nhà tâm lí học. Mỗi lần tôi đọc một bài báo về người tử tự, tôi phải chui vào một góc và ngồi khóc, vì chính tôi cũng đã từng cố tự tử. Tôi không hề muốn chết, nhưng những lúc đó tôi thấy đau khổ quá sức chịu đựng. Tôi không muốn ai trên đời phải trải qua những thứ mà tôi đã phải trải qua, hoặc ít nhất là cũng không phải trải qua một mình”...
Tấm bản đồ bước ra thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa
Tấm bản đồ bước ra thế giới của Trần Đặng Đăng Khoa

“Cố gắng bao nhiêu cũng không đủ để bố mẹ hãnh diện”

Đây là câu chuyện của A - một bạn trẻ tham gia dự án “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” của TS Đặng Hoàng Giang. 

Gia đình tôi chắc hẳn rất yêu thương tôi. Có điều hằn vào tuổi thơ tôi còn có những trận đòn của bố. Nhiều khi không phải vì lý do gì to tát, chỉ là cách tôi cầm bát, cầm đũa, cách tôi thưa gửi làm bố tôi không hài lòng. Bố mắng tôi là đồ vô học, vô dụng và dùng nhiều từ ngữ mà tôi không nhớ hết được... 

Năm lớp Năm, có những đêm không ngủ được, tôi nhìn lên trần nhà tối om và nghĩ “tại sao mình lại phải tiếp tục sống” và “ước gì mình chưa bao giờ được sinh ra”, nước mắt lăn tròn. 

Những năm tháng sau đó, bố mẹ có điều kiện cho tôi ra Hà Nội học. Lúc này bố mẹ không còn đánh mắng tôi nữa, nhưng họ vẫn kỳ vọng rằng tôi phải đạt nhiều thành tích tốt. Áp lực đè nặng lên tôi. Có những ngày tôi chỉ ngủ hai, ba tiếng. Tất cả thời gian còn lại trong ngày là dành để học, học và học.

Tôi bắt đầu bị trầm cảm từ năm lớp 7. Từ đó cho tới lớp 12, mỗi năm đều có một vài giai đoạn mà tôi chỉ nằm trên giường và tự hỏi tại sao mình lại phải tiếp tục sống. Tuy vậy, vẫn còn những thứ níu tôi lại. Đó là sách, bạn bè trang lứa, niềm vui học hành. Sau đó thì những thứ đó không còn tác dụng nhiều với tôi nữa. Tôi không còn bất cứ niềm vui nào để tựa vào nữa.

Học xong lớp 12, tôi đi du học đúng như mong muốn của bố mẹ. Tôi học như điên với thôi thúc là cố gắng bao nhiêu cũng chưa đủ cho bố mẹ tôi hãnh diện về tôi, thừa nhận tôi không vô dụng. Nhưng bệnh trầm cảm đã làm tôi ngã quỵ. Tôi sụp đổ hoàn toàn, tôi không thể tiếp tục là người luôn dẫn đầu được nữa.

Trầm cảm và lo âu biến tôi thành một người tàn tật. Tôi buộc phải về lại Việt Nam chữa bệnh. Tôi về nhà, ngồi vào góc phòng mình và khóc. Tôi không thể ngủ được trong hàng tháng trời. Tôi không thể tin được rằng tuổi 19 của mình là một cơn ác mộng mãi không thể tỉnh giấc...

Bây giờ tôi vẫn còn sống chung với trầm cảm. Nhưng tôi đã đi học trở lại, đã gặp bác sĩ và nhà tâm lí học. Mỗi lần tôi đọc một bài báo về người tử tự, tôi phải chui vào một góc và ngồi khóc, vì chính tôi cũng đã từng cố tự tử. Tôi không hề muốn chết, nhưng những lúc đó tôi thấy đau khổ quá sức chịu đựng. Tôi không muốn ai trên đời phải trải qua những thứ mà tôi đã phải trải qua, hoặc ít nhất là cũng không phải trải qua một mình…

Vừa qua, một lá thư gửi các thầy cô của một cô gái Đài Loan đã gây chấn động: Tôi là Chi, sinh viên K98 khoa Mỹ Thuật trường Đại học Đài Loan. Khi tôi 5 tuổi, tôi đã biết được đời này mình sẽ trở thành một nhà nghệ thuật. Hôm nay là ngày tròn 10 năm sau khi tốt nghiệp. 10 năm sau tốt nghiệp là 10 năm quan trọng nhất trong cuộc đời tôi. 

Muốn học hỏi, tự mua sách để đọc; Muốn đi du lịch, tự gia sư kiếm tiền; Muốn đi du học, tự xin học bổng… Tìm cách để chi trả tiền thuê nhà và trang trải cuộc sống. Điều này khiến tôi không ngừng tích lũy trưởng thành. Khiến trái tim tôi lớn lên từng ngày.

Sự lựa chọn này giúp tôi thành công có được chỗ đứng trong top 500 công ty lớn nhất nước Mỹ sau khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh ở NewYork. Cuộc đời giống như một cuộc chạy đua Marathon, những người thắng ở vạch xuất phát chưa chắc đã có thể chạy đến đích cuối cùng.

Tôi bắt đầu bị mất ngủ từ năm 19 tuổi.Tôi khao khát thế giới này khẳng định mình, tôi hy vọng tất cả các bậc phụ huynh, bạn học đều yêu quý tôi. Vậy nên tôi bắt đầu tham gia đủ các cuộc thi, biến mình trở thành một sinh viên tốt trong trường đại học. Hết lòng theo đuổi thứ bậc, xếp hạng, cạnh tranh điểm số. 

Stress, trầm cảm giày vò tôi suốt 6 năm liền mãi cho tới khi tôi đi làm, ra nước ngoài và tốt nghiệp nghiên cứu sinh. Tôi quyết định từ bỏ theo đuổi tất cả những trò chơi vô hạn, trẻ so thành tích, ra xã hội so thu nhập, so xe ai đắt hơn, nhà ai mua nhiều tiền hơn, so ai lấy chồng sớm hơn, ai sinh con nhanh hơn. Sinh con xong vẫn chưa đủ, lại bắt đầu so đo con ai học giỏi hơn. Ai nấy cũng đều cố gắng hết sức để trở thành một người tốt hơn người khác về mọi mặt. Dù bao nhiêu tuổi cũng không thể so đo hết được, đau khổ vẫn mãi tồn tại.

Người trẻ, hãy là phiên bản của chính mình
Người trẻ, hãy là phiên bản của chính mình 

Chọn con đường đúng với lý lẽ từ trái tim

Có rất nhiều những câu chuyện thương tâm khi các em bị trượt trong thi cử. Lo lắng không đủ điểm để đỗ, sợ bố mẹ thất vọng, mắng chửi khiến các bạn trở nên bi quan, ít nói và mặc cảm với bạn bè.  Lỗi không ở các em. Lỗi là ở sự háo danh của đa số cha mẹ, tin vào các lò luyện gà: dạy những cái chả ích gì cho cuộc sống! 

Câu chuyện hôm nay mình muốn kể là câu chuyện của thất bại, của những mục tiêu, ước mơ, hoài bão và con đường thực hiện không bao giờ là êm ái. Mình dành cả thanh xuân của mình để ôn luyện thi vào cấp 3 và Đại học, do đó mà mình hiểu cảm giác thế nào là trượt cấp 3 và trượt Đại học. Cảm giác đó không mấy dễ dàng để vượt qua. Và rồi, mình đang ở đây, làm một công việc yêu thích, giúp đỡ mọi người, nuôi dưỡng được ước mơ của mình. Hãy luôn tin vào chính mình để tận hưởng hạnh phúc thật sự trên con đường đến với thành công. Dù chuyện gì xảy ra thì hãy là những người ưu tú nhất trong lĩnh vực của mình nhé!

Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai đã thực hiện giấc mơ phượt bằng xe máy vòng quanh thế giới, vừa trở về sau 1.111 ngày, đã có những chia sẻ với các bạn trẻ mùa thi năm nay: Các em dù có kế quả thế nào, xin mong hãy nhớ rằng, nó chỉ là một cái bước đi mới, một dấu mốc, một ngã rẽ trong cuộc đời hữu hạn này mà thôi.

Là người mà, từ khi sinh ra đến lúc nhắm mắt thì sẽ phải trải qua bao phen bể dâu, bao cuộc phiêu lưu, đó không phải là tất cả, không phải là thước đo dùng để so sánh ai hơn ai, ai sẽ thành công, ai sẽ thất bại trong đời. Mà nào thành công hay thất bại cũng chỉ là cái thước đo trừu tượng mà loài người nghĩ ra để tự so sánh nhau thôi, làm sao có thể định nghĩa một người là “cao” hơn người khác dựa vào học lực của họ phải không?

Một đứa nhóc 20 tuổi sẽ gọi đứa 10 tuổi là trẻ con. Một đứa 30 tuổi sẽ gọi đám 20 tuổi là con nít thì biết gì... Vậy đó, ai cũng nghĩ là mình chính là người lớn cho tới một lúc họ nhận ra người lớn chả có ý nghĩa gì cả, chỉ là hữu danh vô thực mà thôi. Sau kì thi này, dù cuộc đời có bước chuyển nào thì hãy cứ vui sống, hãy cố gắng bằng tất cả khả năng của mình. Đừng để ai phải xem thường mình và cuộc đời của mình, hãy chọn con đường đúng với lý lẽ trái tim mình! Và hãy nhớ ai không bắt đầu sẽ không bao giờ về đích!

Từ căn phòng nhỏ của anh với tấm bản đồ thế giới mình bị ba phạt, là những khát vọng đi vòng quanh thế giới. Bao lời đàm tiếu, thử thách lớn nhỏ không thể tin được đã xuất hiện trước, trong và cả khi trở về và hoàn thành giấc mơ của mình. Nhưng dù thực hiện được hay không thì hãy cứ luôn mơ ước và hãy dám thực hiện những bước đi đầu tiên bằng chính đôi chân mình, vì nếu có cho chọn lựa lại thì mình cũng sẽ làm như thế mà thôi. 

Dưới góc độ chuyên gia tâm lý, GS.TS Trần Thành Nam, Chủ nhiệm khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng, với thế hệ trẻ ngày nay, những kỳ thi ngày càng trở nên căng thằng hơn vì nó có những tác động trực tiếp đến cơ hội giáo dục tốt hơn cho cá nhân, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội nghề nghiệp tương lai, thậm chí là vị trí xã hội và thu nhập của từng cá nhân.

Với nhiều em, điểm số của một kỳ thi cũng đồng nghĩa với điểm số lòng tự trọng và giá trị. Nhiều học sinh tự quy đổi điểm số của những kỳ thi quan trọng như giá trị và lòng tự trọng của bản thân. Thất bại hoặc không đạt thành tích như kỳ vọng đồng nghĩa với việc cá nhân là vô giá trị, cá nhân làm mọi người xấu hổ, không xứng đáng được tôn trọng.

“Chính những kỳ vọng quá lớn của cha mẹ và giáo viên, việc các học sinh tự quy gán điểm số và thành tích với giá trị bản thân và lòng tự trọng khiến nhiều học sinh sau khi gặp những thất bại đầu tiên đã mất hoàn toàn sự tự tin, động cơ học tập. Trở nên chán chường, trách móc bản thân, xa lánh mọi người”, PGS Trần Thành Nam cho hay.

Bên cạnh đó, nhiều học sinh tự ép mình vào một lịch học nhồi nhét mà không màng đến sự đáp ứng của sức khỏe. Quá nhiều stress đẩy cá nhân nhanh chóng rơi vào giai đoạn kiệt sức. Lúc này, cơ thể và não bộ trở nên kiệt sức với các biểu hiện rối loạn nội tiết, hệ thống limpho, giảm sức đề kháng, mất năng lượng, mệt mỏi, lo lắng, trầm nhược…

Một chuyên gia tâm lý giáo dục cũng chia sẻ: Hiện điểm thi đã được công bố, cha mẹ hãy ở bên con, đồng hành và động viên con trong chính cái lúc con cần chúng ta nhất nhé! Đừng để ngay cả cha mẹ mà các con cũng không dám chia sẻ hay lại gần. Một lời nói yêu thương, một cái ôm chan chứa tình cảm có thể sẽ giúp các con đứng dậy mạnh mẽ hơn rất nhiều đấy.

Bên cạnh đó có những bạn không được như ý muốn một số em khác lại rơi vào tình trạng sốc tâm lý hoặc trầm cảm vì chưa đạt được mục tiêu đề ra. Các em thất vọng về chính bản thân nhưng không nhận được sự cảm thông, sẻ chia từ gia đình… Bởi vậy, đừng gây áp lực cho con sau kỳ thi ...Có nhiều con đường để dẫn tới thành công, thế nhưng, “ ai không bắt đầu, sẽ không bao giờ tới đích”…

Đọc thêm