Ác mộng vẫn chưa chấm dứt ở thủ phủ đá đỏ Quỳ Châu?

(PLO) - Cơn sốt đá đỏ ở Quỳ Châu năm nào như cái rốn bão hút bao kiếp người bỏ xứ tha hương về miền Tây xứ Nghệ. Sau một thời gian yên ắng, nhiều người lại đổ xô về Châu Bình với ước vọng đổi đời. 
Người dân vẫn chưa thôi nuôi mộng làm giàu từ đá đỏ.
Người dân vẫn chưa thôi nuôi mộng làm giàu từ đá đỏ.
Mộng làm giàu từ đá đỏ vẫn chưa dứt
Cơn sốt hồng ngọc ở Quỳ Châu chỉ hạ nhiệt khi lực lượng Công an tỉnh Nghệ An vào cuộc mạnh mẽ. Đến năm 1992, việc khai thác đá đỏ mới bắt đầu được quản lý bằng việc giao thầu khoán cho các doanh nghiệp khai thác vàng – đá quý nhà nước. 
Ông Kim Văn Duyên bảo rằng, cái viên đá màu mười giờ ấy có sức hút khó cưỡng. Dân bản, người già, trẻ con đi đào đã đành; không ít giáo viên, cán bộ ngân hàng, cán bộ xã, huyện cũng xắn quần lội suối, lên đồi mong gặp vận đổi đời. 
Chủ tịch xã Châu Bình cũng bộc bạch rằng chính mình đã từng một thời là một phu đá “nghiệp dư”. “Hồi ấy tôi cũng đi đào. Khi đó tôi đang làm kế toán xã. Thấy dân kháo nhau có đá đỏ nên người nhà kéo đi. Cứ đào đến sáng là có đá. Sau một thời gian, người nhà có người được ít, có người được nhiều, tôi cũng kiếm được chút ít nhưng rồi tiêu xài hết”, ông Duyên cười tâm sự. 
Ông Vi Văn Luật, phu đá một thời, đã từng làm "sếp nhỏ" đá đỏ.
Ông Vi Văn Luật, phu đá một thời, đã từng làm "sếp nhỏ" đá đỏ. 
Theo ông Duyên, dân Châu Bình giàu lên nhờ đá đỏ thì rất ít, bởi cái gì dễ kiếm thì dễ tiêu. Một số người mua nhà thì còn giữ được phần nào, chứ tiêu pha vung vít thì đào bao nhiêu đá cũng hết. Cơn sốt đá đỏ tưởng đã qua đi, nào ngờ một vài năm gần đây, nhiều gia đình lấy lý do đào ao, cải tạo, san lấp vườn đồi để lén khai thác đá đỏ. 
Ông Duyên kể, có người tháo nhà, vay tiền thuê máy xúc xới tung vườn mong gặp điều may mắn. “Việc khai thác đá đã bị cấm nhưng người dân chỉ làm trong diện tích vườn nhà nên rất khó quản lý, tuy nhiên nếu có dấu hiệu sai phạm và làm ảnh hưởng đến môi trường thì địa phương sẽ đình chỉ ngay”, ông Duyên cho hay.   
Đầu năm 2014, người ta đồn thổi có gia đình ở bản Kẻ Nâm đào ao trúng được một viên đá bán được gần chục tỷ. Từ đó đến nay, dân tình lại xôn xao, người dân tứ xứ lại có cơ hội nói về đá đỏ Quỳ Châu. “Chúng tôi lo lắng không quản lý được sẽ gây mất an ninh trật tự, chính vì thế không thể cho người dân tự do lách luật được”, ông Chủ tịch xã Châu Bình không giấu được lo lắng. 
Tiếp tục có cơn sốt mới này có lẽ bởi nhiều người dân Châu Bình đến nay vẫn tiếc nuối những viên “đá ngơ” trong cơn sốt hồng ngọc năm nào. Thời ấy, người ta chỉ đổ xô đi đào đá đỏ, những viên đá màu đỏ mười giờ, màu tiết hay lửa là trị giá nhất. Những viên đá màu xanh, tím hoặc trắng được gọi là “đá ngơ” vì không có giá trị gì. 
Viên đá màu xanh lục to bằng ngón tay cái còn như in trong ký ức của ông Vi Văn Luật: “Có anh bạn đào đá chung quê Hà Nam Ninh xin làm kỷ niệm khi về quê nên tôi cho chứ không suy nghĩ gì. Ai ngờ đá đó cũng rất có giá”. Con rể ông Luật cũng từng sở hữu một viên đá với kích cỡ “khủng” hình lục lăng, to như đốt ngón tay, dài khoảng 4cm, một nửa màu xanh lục, một nửa màu trắng thạch anh. 
Loay hoay tìm hướng  phát triển
Châu Bình là xã có diện tích và dân số lớn nhất huyện Quỳ Châu. Trong tổng diện tích 13.000ha, diện tích rừng chiếm 11.000 ha, vì thế mà cuộc sống của người dân phụ thuộc nhiều vào rừng. Từ năm 1996, Nhà nước bắt đầu giao rừng cho người dân quản lý và sản xuất. Những ngọn đồi trơ trọc đã được phủ xanh. Đến nay, nhiều hộ gia đình đã bắt đầu thu hoạch keo lần thứ 2 (mỗi vụ trồng keo khoảng 6-7 năm).
Cả khu vực đồi Tỷ với diện tích gần 400ha thuộc Khe Ngàng trước kia do Lâm trường Cô Ba quản lý. Đến năm 2000, Lâm trường trả về cho xã quản lý. Ngoài 60ha diện tích đấu thầu khai thác đá, diện tích còn lại đã giao cho các hộ dân tự sản xuất. 
Hồ nước trước kia được ngăn để giữ nước đãi sa, hiện nay được kè làm đập thủy lợi.
 Hồ nước trước kia được ngăn để giữ nước đãi sa, hiện nay được kè làm đập thủy lợi.
Hiện tại, 60ha đồi Tỷ được giao cho Xí nghiệp 1 thuộc Công ty Vàng bạc – đá quý Hà Nội quản lý và khai thác. Tuy nhiên, trước dãy lán sản xuất chỉ có 2 cỗ máy nằm bất động, đã có vết hoen gỉ do hứng mưa, chịu nắng. Cả vùng đồi, núi rộng hơn 60ha mệnh danh bạc tỷ xưa kia tấp nập người ra vào tranh giành hồng ngọc thì nay heo hút bóng người. Tấm biển của Công ty Đá quý - vàng Nghệ An cũng đã theo năm tháng mà phai màu chữ. 
Trên đỉnh đồi Triệu, trước kia phu đá đắp đất giữ nước rồi dẫn nước xuống chân đồi để đãi sa tìm đá. Sau thời gian ấy, con đập này được sử dụng làm đập thủy lợi phục vụ tưới tiêu cho bà con. Năm 2012,UBND xã Châu Bình đã xây dựng kè đập để đảm bảo an toàn cũng như giữ nước tốt hơn. 
Ngoài cây keo trồng dài ngày, người dân Châu Bình vẫn trồng mía nguyên liệu cho Nhà máy Mía đường Nghệ An (đóng tại huyện Nghĩa Đàn). Trong một lần ghé thăm Quỳ Châu vào Tết Giáp Ngọ 2014, tôi còn nhớ như in hình ảnh những đồi mía trổ cờ cao vút. Người xưa vốn có câu “mùa thu mía ngọt dần lên ngọn”, nhìn những bông cờ trổ dài hơn sải tay, buồn và thương bà con dân bản vì “bông trổ cờ, mía xốp dần vào ruột”.
Hơn hai mươi mùa xuân đã qua trên bản Thái Châu Bình, nhiều điều đã thay đổi nhưng ký ức và tàn tích của “cơn lũ đỏ” năm xưa vẫn còn in dấu. Tất cả vẫn đậm một màu đỏ. Mong sao người dân Châu Bình không phải thêm một mùa ngắm cờ mía đón tết./.

Đọc thêm