Ai đang trục lợi trên bản quyền ghi âm âm nhạc Việt Nam? (Kỳ 1)

(PLO) - Thế nào là chủ sở hữu bản quyền bản ghi tác phẩm âm nhạc? Ai là chủ sở hữu bản quyền bản ghi tác phẩm âm nhạc đó? Nếu là chủ sở hữu thì khai thác nó trong những tác phẩm phái sinh và quyền liên quan của bản ghi như thế nào?
Toàn cảnh buổi “Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” tại TP.Hồ Chí Minh
Toàn cảnh buổi “Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” tại TP.Hồ Chí Minh
Ngày 15/5/2015, Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức “Tập huấn phổ biến các quy định pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan” tại TP.HCM cho tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm âm nhạc, bản ghi âm, ghi hình. Tại đây, đã bùng nổ “cuộc chiến” tranh giành quyền tác giả và quyền liên quan.
Quyền lực nhà nước bị lạm dụng?
Buổi tập huấn này có những điều “lạ” mà dư luận đặt ra nhiều câu hỏi đang chờ trả lời từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL): Buổi tập huấn được nói là tổ chức theo kế hoạch thanh tra năm 2015 đã được Bộ trưởng Bộ này phê duyệt tại Quyết định số 3778/QĐ-BVHTTDL ngày 13/11/2014, nhưng trong danh sách các hoạt động thanh tra đính kèm Quyết định 3778, hoàn toàn không thấy có tên buổi tập huấn nêu trên. 
Buổi tập huấn đã diễn ra tại Khách sạn Hoàn Cầu (Continental), quận I, TP.HCM vào ngày 15/5, thế nhưng, 12 ngày sau, ngày 27/5, Chánh Thanh tra Bộ này mới ký Công văn số 82/TTr-VHGH gửi Cục Bản quyền tác giả, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông để phối hợp tổ chức tập huấn. 
Tập huấn rồi mới mời các cơ quan liên quan phối hợp, đây là sai sót kỹ thuật thủ tục ban hành văn bản hay có ý gì khác của Thanh tra Bộ VHTTDL? Hơn nữa, buổi tập huấn này không có trong kế hoạch công tác năm 2015 của Thanh tra Bộ, vậy buổi tập huấn này do Thanh tra tổ chức và chủ trì có đúng thẩm quyền? 
Bình luận về việc này, một chuyên viên thanh tra (xin không nêu tên) của một Sở VHTTDL nói: “Nội dung tập huấn là quyền tác giả, quyền liên quan, chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ thì Cục Bản quyền tác giả phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, các tổ chức quản lý tập thể, đứng ra tổ chức, chủ trì tập huấn cho các đối tượng là tổ chức, cá nhân hiện đang kinh doanh tác phẩm thuộc sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ thì đúng chuyên môn hơn”.   
Bùng nổ “cuộc chiến” quyền tác giả và quyền liên quan
Trong danh sách mời đến dự buổi tập huấn tuyệt nhiên không có một đại diện của giới kinh doanh khách sạn, nhà hàng, dịch vụ karaoke, cà phê... Trong khi, đây là số đông những tổ chức, cá nhân kinh doanh tác phẩm phái sinh chịu sự điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ. Trái lại, có những doanh nghiệp sản xuất băng đĩa ghi âm, ghi hình tác phẩm âm nhạc xuất hiện với tư cách là đại diện, hội viên của Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (viết tắt theo Anh ngữ là RIAV- Recording Inductry Association VietNam) lại phát biểu rất “hăng” về việc quyền lợi của mình bị xâm phạm. 
Điển hình,  bà  Trương Thị Thu Dung - Giám đốc Trung tâm băng đĩa Rạng Đông, đồng thời là Phó Chủ tịch Thường trực RIAV, thay mặt các nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình “lên án”: “… Hầu hết các đầu máy (của các nhà sản xuất đầu máy karaoke/PV) đều có vi phạm bản quyền, vi phạm những bài cấm lưu hành nhưng mà họ đổ lỗi cho khán giả, cho khách hàng chứ họ không chịu trách nhiệm...”. Bà Dung còn ví von, nhà sản xuất đầu máy karaoke là người xây cái nhà, để trống cửa, người khác (khán giả, khách hàng) bỏ đồ gian vào. 
Bị “cáo buộc” như vậy, ông Võ Minh Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Hanet Việt Nam trần tình: “… Công nghệ hiện tại cải tiến liên tục và mở rộng. Đối với đơn vị chúng tôi, sản xuất ra đầu karaoke mua bản quyền bài hát chép vào ổ cứng thì chúng tôi chịu trách nhiệm bài hát bản quyền mà chúng tôi mua. Khi bán máy cho khách hàng, họ chép video clip hoặc những bài hát khác họ download từ trên mạng... hoặc họ mua từ các nguồn khác vào, thì đánh giá là lỗi của Hanet thì cũng sẽ khó. 
Tôi ví dụ, mình mua máy vi tính, đơn vị bán máy sẽ cài bản quyền Window hay các phần mềm office vào, nhưng người sử dụng lại cài các game hay những thứ khác vào thì đơn vị bán máy tính không thể nào biết được, họ sẽ không chịu trách nhiệm hành vi cài game không có bản quyền của người sử dụng...”. 
Tranh luận chưa kịp lắng, ông Huỳnh Tiết - Giám đốc Bến Thành Audio, cũng là ủy viên Ban Chấp hành RIAV lại “tố” Trung tâm Bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cấp phép sử dụng không ghi thời hạn cho nhà sản xuất đĩa karaoke thương hiệu Arirang, sử dụng tác phẩm của nhạc sỹ Lam Phương trước khi Bến Thành Audio được độc quyền khai thác tác phẩm tác giả này. Vị này nói: “…Tôi rất ngạc nhiên về hợp đồng của VCPMC khi ký với Maseco những tác phẩm sử dụng vô thời hạn”
Tương tự ông Tiết, bà Phan Mộng Thúy-  Giám đốc Phương Nam Phim - Trưởng ban Kiểm soát RIAV, cũng cáo buộc nhà sản xuất nêu trên sử dụng tác phẩm của nhạc sỹ Vũ Thành An mà không xin phép bà. Bị “làm dữ”, không đủ thời gian tranh luận trên diễn đàn, ngay sau buổi tập huấn, ông Trịnh Ngọc Minh - Phó Tổng Giám đốc Công ty MASECO, nhà sản xuất đầu máy karaoke thương hiệu Arirang đã ký Công văn số 95/CV-MSC ngày 29/5/2015 gửi Thanh tra Bộ VHTTDL và các đối tác khác để phản biện, nói rõ quan điểm của mình về quyền tác giả và quyền liên quan đến bản ghi, nhất là bản ghi karaoke.    
Cũng ngay sau buổi tập huấn, dư luận trong giới bắt đầu đặt ra hàng loạt câu hỏi về động cơ và mục đích của Thanh tra Bộ VHTTDL. Nhiều ý kiến cho rằng đây không phải là một buổi tập huấn mà đã bị biến thành một diễn đàn cho các hội viên RIAV đòi quyền lợi từ các nhà sản xuất bản ghi không thuộc RIAV, trước sự chứng kiến của cơ quan nhà nước? 
(Còn tiếp)

Đọc thêm