Ấm áp tình cảm mẹ chồng - nàng dâu thời nay

(PLVN) - Mẹ chồng nàng dâu dường như là mối quan hệ “nhạy cảm”, tốn nhiều bút mực từ truyện đến phim với đủ các cung bậc cảm xúc, muôn hình vạn trạng lắt léo. Nhưng dường như, xã hội càng phát triển, mối quan hệ ấy ngày càng trở nên cởi mở, tốt đẹp hơn.
Chị Kim Long và mẹ chồng còn thương yêu hơn ruột thịt nhờ biết sẻ chia, hy sinh cho nhau.
Chị Kim Long và mẹ chồng còn thương yêu hơn ruột thịt nhờ biết sẻ chia, hy sinh cho nhau.

Mẹ chồng nàng dâu - chuyện buồn ngày cũ

Đã 55 tuổi, nhưng bà Nguyễn Thị Huyền A., ngụ Bàu Cát, Tân Bình, TP HCM vẫn còn nhớ như in những ngày tháng “sống chung với mẹ chồng” trước đây, lúc bà còn làm dâu ở Quảng Nam. Bà kể, hồi ấy, mỗi ngày như được “lập trình” sẵn, là phải dậy vào lúc 5h sáng, quét tước dọn dẹp, nấu bữa sáng cho cả nhà. Rồi quần quật suốt ngày với bao việc không tên.

Trong khi đó, mẹ chồng rất khắc nghiệt, luôn tìm chuyện để bắt bẻ, chì chiết con dâu, từ nhà cửa đến cơm canh. Áp lực của việc sống chung với mẹ chồng khiến bà trở thành người ít nói, trầm lặng, không muốn đáp trả hay nêu ý kiến cá nhân. “Sau này, con cái lớn lên, thấy mẹ khổ với bà nội quá, chúng nó đi làm trong này mới đón tôi vào sống chung. Từ đó cuộc sống mới vui vẻ nhẹ nhàng hơn, tôi mới được là chính mình”. 

Chuyện “mẹ chồng nàng dâu” là “chuyện muôn thuở”, là mối lo lắng, e sợ từ cả mẹ chồng và con dâu, ngay từ trước khi về sống chung với nhau. Trung Quốc có tiểu thuyết mạng “Mẹ chồng ăn thịt cả nhà nàng dâu”, còn Việt Nam, những bộ phim từ truyền hình đến điện ảnh như “Sống chung với mẹ chồng” cũng đã phản ánh những lát cắt bi kịch nghiệt ngã trong mối quan hệ giữa đôi bên. 

Cách đây vài năm, một vụ án đã gây rúng động người dân ở Hưng Yên khi một “nàng dâu” đã đầu độc mẹ chồng mình. Lý do là giữa con dâu và mẹ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, mẹ chồng thường mắng chửi nặng lời nhưng vì nghĩ đến các con nên con dâu âm thầm chịu đựng.

Cho đến khi bố mẹ ruột bị mẹ chồng lôi ra sỉ nhục, cô con dâu, với bao uất ức tủi nhục đã nghĩ quẩn, mua thuốc chuột cho vào cơm đầu độc mẹ chồng, nhưng bố chồng không may qua đời. Cô con dâu lãnh án tù chung thân.

Chính vì không ít câu chuyện “nhãn tiền” có thật cũng có, mà thổi phồng cũng có, đã tổn thương đến mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ngay từ khi họ chưa sống chung một nhà, chưa va chạm cùng nhau. Nhiều cô gái hiện đại, thậm chí còn tuyên bố, nếu lấy chồng thì phải “ra riêng”, bất chấp hoàn cảnh nhà chồng như thế nào. Không sống chung với mẹ chồng là điều kiện tiên quyết mà nhiều cô gái trẻ đặt ra khi được cầu hôn.

Mở lòng với nhau

Trong câu chuyện bi thảm của gia đình ở Hưng Yên nói trên, một trong những yếu tố đẩy chị đi vào đường cùng, đó chính là sự thầm lặng chịu đựng của chị. Không phản kháng, không nói lên suy nghĩ của mình, không tâm sự chia sẻ với chồng, chị cứ âm thầm chịu đựng, cho đến ngày bùng nổ.

Trong tất cả mọi mối quan hệ, từ chồng - vợ, cha mẹ - con cái đến ông bà - cháu, các chuyên gia tâm lý đều đưa ra lời khuyên cần nhất là cởi mở về cảm xúc. Sự thẳng thắn chia sẻ, bảy tỏ tình cảm, cảm xúc khiến những người thân trong nhà gần gũi hơn, hiểu nhau hơn, ít bị trầm uất trong suy nghĩ quẩn quanh của bản thân dẫn đến ngày càng mâu thuẫn. 

Có thể nhận thấy, ngày nay, mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu ngày càng khác đi, cải thiện hơn so với ngày trước rất nhiều. Những câu chuyện mẹ chồng khắc nghiệt, con dâu nanh ác dần dà đã được thay thế bằng những câu chuyện đẹp, ấm áp tình người. 

Mới đây, cư dân mạng được một phen “cười vỡ bụng “khi một anh chồng ấm ức đăng ảnh vợ và mẹ cho anh “ra rìa”, ôm nhau ngủ say sưa. Đằng sau bức ảnh, có lẽ ai cũng hiểu, đó là những ngày tháng ấm áp, vui vẻ của một gia đình mà mẹ chồng và nàng dâu thân thiết, gần gũi đến thế. 

Hay như chuyện của bà Kim Hương và con dâu là chị Kim Long ở quận 11, TP HCM. Nhiều năm về trước, khi chị Kim Long là bạn gái của anh Nhân thì gia đình anh phát hiện mẹ anh bị ung thư. Không đắn đo, chị Kim Long bỏ việc đến bệnh viện ngày ngày chăm nom mẹ chồng tương lai như mẹ ruột.

Rồi chị đồng ý lấy anh, dù gia cảnh khó khăn, mẹ chồng đau yếu. Lấy chồng rồi, để cứu chữa cho mẹ chồng, chị bán mảnh đất cha mẹ cho làm của hồi môn, dù ai cũng chê ngu dại. Để rồi giờ đây, mọi sóng gió đã qua, hai vợ chồng chị ngày càng ăn nên làm ra, mẹ chồng với con dâu thương yêu nhau vô cùng.

Có nhiều lý do để mối quan hệ giữa mẹ chồng và nàng dâu giờ đây được “cải thiện” hơn xưa nhiều. Mà lý do quan trọng phải kể đến sự thay đổi các mối quan hệ trong xã hội. Giờ đây, người phụ nữ ngày càng có chỗ đứng, có quyền bình đẳng trong xã hội nhiều hơn, ra ngoài cuộc sống, va chạm nhiều, họ có nhiều tự tin hơn, biết cách ứng xử, xử lý vấn đề hơn. 

Ngay cả các “bà mẹ chồng”, phần vì ngày nay được tiếp xúc nhiều với mạng xã hội, với công nghệ cũng trở nên “thoáng”, thay đổi tư duy. Trên những diễn đàn về gia đình, đọc những bài tâm sự, chia sẻ của những người mẹ, người con dâu mới thấy rằng, thời đại đã đổi khác, quan hệ mẹ chồng con dâu đã khác xưa nhiều lắm.

Thậm chí, có những bài viết “bí quyết chinh phục mẹ chồng”, “bí quyết sống chung vui vẻ với con dâu” đã nhận được “ngàn like” cùng rất nhiều chia sẻ, điều này phần nào thể hiện tâm thế của mẹ chồng, nàng dâu thời hiện đại.

Tất nhiên, thời nào cũng vậy, không phải nhà nào cũng cùng cảnh ngộ, mọi mối quan hệ đều như nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là mỗi một người, dù ở vị trí mẹ chồng hay con dâu, biết mở lòng, biết hiểu nhau, đặt mình vào vị trí của người kia, biết mở lòng, cảm thông, yêu thương và thấu hiểu. 

Sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối

Sự thấu hiểu và chia sẻ rất cần thiết để làm nên một gia đình hạnh phúc, đặc biệt là gia đình sống chung nhiều thế hệ là bài học về ứng xử thế nào để gia đình hạnh phúc đã được nêu trong Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình do Bộ VH-TT&DL ban hành.

Theo đó, sự cởi mở trong giao tiếp gia đình chính là nhịp cầu nối những yêu thương và xây dựng nên tòa lâu đài hạnh phúc. Nếu không có sự sẻ chia, trong đời sống gia đình sẽ dẫn đến những khép kín tâm tư, đóng cửa tâm hồn, tạo ra sự cách biệt vợ chồng, cách biệt giữa các thế hệ ở chung một mái nhà. Đó thực sự là những bế tắc, bức bách trong cuộc sống gia đình và là mầm mống cho những hiểu lầm, mâu thuẫn xung khắc. 

Tình cảm ruột thịt giữa các thành viên trong gia đình luôn là sợi dây vô hình gắn bó con người tạo ra nguồn năng lượng tỏa sáng cuộc sống hạnh phúc. Giữ bền sợi dây tình cảm, giữ mãi nguồn năng lượng hạnh phúc đó là nhờ có những tiêu chí ứng xử tôn trọng, bình đẳng yêu thương và chia sẻ của mọi thành viên trong gia đình.

Tiêu chí ưu việt đó chính là cỗ máy thần diệu vận hành mô hình gia đình, tế bào xã hội đảm bảo hài hòa giữa các giá trị gia đình truyền thống với những chuẩn mực tiêu biểu của văn hóa gia đình thời kỳ mới. Nếu nắm trong tay cỗ máy bảo bối này và vận hành nó thành thục chúng ta luôn có được niềm hạnh phúc gia đình vô bờ bến trong tay.

Đọc thêm