Ấm áp tình người ở nơi những thân phận bị bỏ rơi

(PLO) - Nằm cách trung tâm Hà Nội 60 kilômét, Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (xã Thụy An, Ba Vì, Hà Nội) được coi là ngôi nhà chung của những phận đời cơ nhỡ: người già, tàn tật không nơi nương tựa và trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi.
Ấm áp tình người ở nơi những thân phận bị bỏ rơi

Đến thăm Trung tâm một ngày đầu hạ, chúng tôi cảm nhận rất rõ nơi đây không hề “thê lương” bởi những phận đời  bất hạnh, bị chối bỏ mà luôn ấm áp tình người bởi sự đồng cảm sẻ chia của các đoàn công tác thiện nguyện và sự chăm sóc của đội ngũ cán bộ trung tâm. 

Trung tâm Nuôi dưỡng người già và trẻ tàn tật Thụy An (còn gọi là Trung tâm Bảo trợ xã hội Ba Vì) được thành lập từ năm 1966 với mục đích đã thể hiện trong tên gọi là cưu mang, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi và người già yếu cô đơn, tàn tật, không nơi nương tựa.

Hiện Trung tâm đang chăm sóc 356 đối tượng, trong đó có 190 người già (trong đó có 50 người khuyết tật, không tự phục vụ được). Số đối tượng còn lại là trẻ em dưới 18 tuổi, trong đó có trên 130 trẻ từ 3-15 tuổi (số này có 60 trẻ em bị khuyết tật nặng, sống đời sống thần kinh thực vật, các em còn lại đều bị dị tật nhẹ, chỉ một số ít là hoàn toàn bình thường); trên 30 trẻ sơ sinh từ 0-2 tuổi nhưng có đến trong đó 28 trẻ sơ sinh bị bỏ rơi, các em còn lại hầu hết bị dị tật, thể trạng yếu. 

Cả Trung tâm có tất cả 18 khu nuôi dưỡng bao gồm: 9 tổ nhà trẻ (1 tổ trẻ sơ sinh, 8 tổ trẻ khuyết tật) và 9 tổ dành cho những người già (khái niệm người già ở đây dành để chỉ những người trưởng thành từ đủ 18 tuổi trở lên). Mỗi tổ là một ngôi nhà cấp 4 khang trang, sạch sẽ nằm ẩn mình dưới hàng cây xanh mát, trên tường khu nhà trẻ còn có các bức bích họa khổ lớn rất sinh động. Ít ai biết rằng ẩn sau cảnh tượng đẹp đẽ đó là những mảnh đời bất hạnh, những em bé tật nguyền bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng… 

Chúng tôi ghé thăm khu nhà ở dành cho đối tượng người già. Đó là những căn nhà cấp 4 diện tích khoảng 40m2 là nơi sinh hoạt, ăn ở chung của 21 người; mỗi người một giường đơn, tủ cá nhân, được cấp phát một số phương tiện sinh hoạt cá nhân tự quản lý. Phía đầu hồi mỗi ngôi nhà có nhà tắm, bể nước và khu vệ sinh chung. 

Bà Nguyễn Thị Hồng (68 tuổi, quê xã Tòng Bạt, Ba Vì) tâm sự, bà mới vào trung tâm năm 2016 theo diện người già tàn tật, cô đơn. Phòng ở của bà Hồng có một chị bị bại liệt, chỉ nằm một chỗ và một chị nữa bị động kinh nên mọi việc ăn uống, sinh hoạt cá nhân đều phải nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ của người trong phòng. Bà Hồng cho biết, đời sống vật chất ở Trung tâm nhìn chung no đủ, cơm ngày 3 bữa ăn thoải mái; quà bánh thì thỉnh thoảng lại có đoàn từ thiện đến tặng, cho; đôi khi còn được phát từ thiện cả quần áo mới. Theo bà Hồng, cuộc sống ở đây chỉ buồn và cô đơn, nhất là những ngày lễ tết, những khi đau ốm thấy tủi thân. 

Khu nhà dành cho trẻ sơ sinh được trang trí đặc biệt hơn với nhiều hình vẽ, đồ chơi của trẻ. Khu này gồm 9 nhà được đánh số lần lượt từ 1 đến 9: Nhà trẻ từ 1-8 là dành cho các cháu bệnh/khuyết tật từ nhẹ đến nặng và rất nặng, hoàn toàn không biết gì, không có phản ứng với người, âm thanh... Chỉ riêng có nhà số 9 là dành cho các em bình thường về mặt thể chất và trí tuệ hoặc có khuyết tật nhẹ nhưng vẫn tự phục vụ sinh hoạt được. Hầu hết các bé đều bị bỏ rơi từ lúc lọt lòng, đau yếu oặt ẹo. Có những em 14- 15 tuổi mà thân hình teo tóp như trẻ sơ sinh, ăn ngủ vệ sinh tại chỗ, cần người chăm sóc 24/24h. 

Theo ông Đỗ Đức Hồng – Giám đốc Trung tâm cho biết: Hiện Trung tâm có 90 cán bộ, chăm sóc nuôi dưỡng 356 đối tượng, trong đó đối tượng trẻ em chiếm 2/3. Hầu hết các cháu đều giảm thiểu khả năng nhận thức hoặc khả năng vận động, nhiều cháu chỉ đặt đâu nằm đấy, mọi sinh hoạt của các cháu này đều do các cán bộ Trung tâm chăm sóc, hỗ trợ nên khối lượng công việc rất lớn và cực nhọc. Hiện mỗi đối tượng được hưởng chế độ trợ cấp của nhà nước là 1.400.000 đồng/tháng gói gọn mọi chi phí ăn uống, điện nước, sinh hoạt phí nên Trung tâm phải khéo léo lắm mới bảo đảm đời sống cho các đối tượng. Thời gian gần đây có nhiều đoàn từ thiện đến Trung tâm tặng gạo, bánh kẹo, nhu yếu phẩm nên đời sống của các đối tượng cũng được cải thiện một phần. 

Ông Hồng cho biết thêm, trong số gần 160 trẻ em thì hiện chỉ có 5 cháu phát triển bình thường, được Trung tâm cho đi học tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở xã Thụy An. Qua theo dõi cho thấy các cháu học hành và hòa nhập tốt. Do trường học cách Trung tâm gần 1km nên hàng ngày các cháu được cán bộ Trung tâm phải thay phiên đưa các cháu đến trường và đón về. 

Tôi nhớ mãi đôi mắt ngậm ngùi và những lời tâm sự đầy trắc ẩn của chị Nguyễn Thị Thanh (26 tuổi, công tác tại tổ nhà trẻ): “3 năm trước, hồi mới vào làm tại đây tôi thực sự choáng váng vì công việc quá cực nhọc và áp lực, các cô nuôi phải đầu tắt mặt tối suốt ngày với đám trẻ tật nguyền, lại còn phải luân phiên trực tối ở lại Trung tâm với các cháu nữa. Thú thật tôi đã từng nghĩ đến chuyện nghỉ việc, nhưng rồi cứ lẩn mẩn nghĩ rằng nếu mình đi thì những đứa trẻ bất hạnh này sẽ ra sao, người mới đến có hiểu, có yêu thương và chăm chúng tận tình như mình đã làm không? Và rồi, tình yêu với đám trẻ kém may mắn, thiệt thòi đã níu tôi ở lại…”.

Đọc thêm