Ấm tình người ở xóm phụ hồ

(PLO) - Sài Gòn lộng lẫy, Sài Gòn hiện đại, phát triển. Nhưng Sài Gòn vẫn còn đâu  đó những phận đời bé nhỏ, nghèo túng, sống quây quần với nhau mà gia tài lớn nhất là tình người ấm áp…
Ấm tình người ở xóm phụ hồ
Giấc mơ xa xứ
Xóm phụ hồ nằm nép mình một cách khiêm tốn gần con chợ Thủ Đức bán buôn chộn rộn. Ngoằn ngoèo vào mấy lần hẻm  nhỏ, một xóm  trọ  tồi  tàn chật hẹp và nhếch nhác, đó là nơi những người tứ xứ nhập cư đến, nuôi mộng dài bằng những giấc mơ ngắn, mưu sinh bằng nghề phụ hồ. 
Ở đó có chị Hiền phụ hồ lỡ dở hai đời chồng, ngoài 40 tuổi mà vẫn còn xuân sắc, có khối đàn ông theo đuổi; có anh Tri khù khờ nhưng thật thà, chị Hoa nhanh nhảu, khá sắc bén, chú Tân bị vợ bỏ chạy theo người đàn ông lắm của… Toàn những hoàn cảnh éo le, bi đát nhưng ai nấy đều giống nhau ở cái  nghề và cái nghèo.
Trong xó nhà tối om, người phụ hồ tên Ba bị cảm nằm chèo queo một đống. Thường thì mấy bệnh vặt uống vài ba liều thuốc là dứt, riêng cảm sốt nó luôn hành người ta dai dẳng theo từng cơn, khi nóng sốt, lúc lạnh toát da. 
Bác sĩ chẩn đoán ông Ba còn mắc chứng suy nhược cơ thể bởi ăn uống thiếu chất, bữa đói, bữa no nên dù đã truyền hết mấy chai nước biển mà cũng chưa đỡ. Từ hôm lên Sài Gòn làm phụ hồ, chưa ngày nào ông Ba dám ăn một bữa no. Nghĩ cảnh nhà nheo nhóc, thiếu thốn trăm bề nên ông Ba phải chi xài tằn tiện, để rồi cơ thể suy nhược quá sinh ốm.
Ông Ba bùi ngùi nói, chờ cho qua cái đợt bệnh này, chừng nào ngồi dậy mặt mày không còn xây xẩm, ông sẽ quẩy giỏ về nhà luôn. Ở quê làm ruộng, cày bừa, cực mà ấm cúng, ngả lưng trên giường tre, nền đất, còn hơn cái cảnh đêm đêm nằm co cụm trong căn phòng trọ chật ních ngột ngạt hơi người, còn bao tử lúc nào cũng đói và khi ngủ dậy, cảm giác cứ chơ vơ, cô độc, lạnh lẽo, lòng tan hoang như cánh đồng sau bão, nhớ vợ con day dứt… 
Ông Ba đã chấp nhận từ bỏ giấc mộng xa xứ, đổi đời của mình, nhưng còn bao mảnh đời khác ngày ngày vẫn ôm mộng ở xóm trọ nhỏ này, trong thiếu thốn và vất vả.
Vẫn thương người dù bị người phụ
Ở xóm trọ này, nhiều đôi quá tuổi 40 gia đình tan vỡ, lên đây làm phụ hồ, họ sáp vào nhau sống như vợ chồng, không hôn thú, không ràng buộc, không con cái… Có những cặp đến đây trễ, xóm trọ chẳng còn phòng trống, họ chấp nhận trải chiếu, che tấm vải mỏng tang ngủ ngoài hè. Sáng sáng, cô vợ cắp nón, khoác áo, bịt mặt te te theo chân chồng ra công trường. Tối về hí húi nấu cơm, giặt giũ, mặt ai cũng ngời ngời hạnh phúc. Có điều, hạnh phúc đó lâu dài hay chỉ tạm bợ thì không ai dám chắc…
Ngoài hiên, những bộ quần áo lấm bẩn, dính xi măng, vôi vữa cứng ngắc giăng tứ phía, nhìn vào, người ta biết ngay người xóm trọ này làm nghề gì. Mỗi căn phòng nhỏ xíu vài mét vuông, tạm bợ là chỗ ăn, ngủ, vệ sinh, nấu nướng của mấy con người. 
Phòng của ông Ba ở ọp ẹp chừng 4m2 mà có tới bốn con người, họ đều là dân Quảng Nam, nói chuyện bỗ bã, ồn ào như cãi nhau nhưng tâm tính ai cũng tốt. Đêm đêm, họ chạm vai nhau trên manh chiếu cũ chật chội. Hai người bệnh nằm góc ngoài rìa là anh Phi và ông Ba, ở giữa là Toàn và Tuấn chưa vợ, tuổi cũng xấp xỉ 30.
Anh Phi 32 tuổi, còn độc thân ngồi buồn hiu với cái chân bó bột trắng toát. Anh kể: “Tui đang đứng trên miếng ván sơn sơn quét quét, nghe nó kêu “rắc” một tiếng rồi hổng biết gì nữa. Tỉnh dậy mới biết giò bị què”. Rồi giọng anh chùng xuống, thở hắt ra như người ta đang trút một vật nặng trong lòng: “Tui rầu là rầu chuyện khác kìa”. 
Mấy tháng trước, ở công trường gần chợ Thủ Đức, anh Phi đang lui cui quét vôi, một thanh niên chừng 22 tuổi xưng tên Hiếu, đeo ba lô cũ mèm, áo quần xộc xệch đến xin làm phụ hồ. Thấy hắn rầu rĩ than đói rách, khổ sở, anh xin ông thầu cho hắn vào làm, coi hắn như em út, dúi cho hắn sáu chục ngàn, chia vài bộ quần áo phụ hồ, cho hắn ở chung nhà trọ.
Làm được ba tháng, một bữa Hiếu kêu đau bụng, nói rằng bị tiêu chảy xin nghỉ vài hôm. Xóm trọ mua thuốc, nấu cháo cho người bệnh rồi kéo nhau đi làm. Đến tối mịt, mọi người mới lục đục kéo về thì phát hiện nhà cửa bị xới tung, vài món đồ có giá trị cùng số tiền hai triệu đồng anh Phi dành dụm chuẩn bị gửi về chữa bệnh cho mẹ đã “không cánh mà bay”. Anh bùi ngùi: “Thấy người  ta cùng cực mình phải thương, có ai ngờ lại gặp người như thế. Nhưng gặp người khổ, cần giúp, mình vẫn phải tin chứ làm sao giờ”.
Xóm phu hồ còn rất nhiều mảnh đời khác. Đó là người thợ xây tên Minh, có bằng đại học đàng hoàng nhưng chỉ vì một  sai lầm tuổi trẻ mà đánh mất tương lai, rồi trôi dạt đến đây; có chuyện một người thợ xây gặp tai nạn lao động, chủ thầu quỵt tiền, chối bỏ trách  nhiệm, cả xóm phải cưu mang; rồi những mối tình nghèo, những đứa trẻ được sinh ra nơi đây… Sài Gòn đã và đang còn rất nhiều xóm phụ hồ nghèo nhưng ấm tình như thế.

Đọc thêm