Ẩn họa chết người từ “bãi biển” thu nhỏ ở Hà Nội

(PLO) - Lòng đập sâu đến hơn 20m, vậy mà mỗi đợt nắng nóng đập thủy lợi Quán Trăn (xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội) đã trở thành "bãi biển" tự phát thu nhỏ giữa Thủ đô bất chấp bao nguy hiểm chết người rình rập.
Ẩn họa chết người từ “bãi biển” thu nhỏ ở Hà Nội
Đập nước nhộn nhịp như… bãi biển
Mới 3h chiều nhưng đập Quán Trăn đã nhộn nhịp với từng đoàn người, xe nối đuôi nhau đổ về. Khu vực vốn rất yên tĩnh vì dân cư thưa thớt bỗng chốc trở nên ầm ĩ, náo nhiệt với đủ mọi âm thanh. 
Chị Nguyễn Thị Hà bán nước ở đập Quán Trăn cho biết: “Những ngày nắng nóng cao điểm, có đến gần 1000 người đổ về đây để tránh nóng. Ban đầu chỉ là những người dân ở quanh xã, dần dần người nọ bảo người kia nên dân ở các xã khác cũng kéo nhau về đây tắm”. 
Theo quan sát, trong dòng người ngụp lặn dưới đập, khá nhiều trẻ em từ 5 đến 15 tuổi tự đạp xe ra tắm mà không có người lớn đi kèm. Chị Hà cho biết, chị và người em trai vừa bán nước vừa phải để mắt đến bọn trẻ con đi một mình. Có những hôm chúng đến sớm, chị còn phải nhắc nhở chúng xuống tắm trước vì sợ tắm muộn đông người, chị không thể để ý hết được. Nhà chị Hà còn chứa sẵn các phao bơi (là những lốp ô tô) để cho mọi người mượn. 
Lũ trẻ nhỏ thoải mái bơi lội ở đập Quán Trăn.
Lũ trẻ nhỏ thoải mái bơi lội ở đập Quán Trăn. 
Bên kia đập Quán Trăn cũng có 2 hàng nước tự phát mọc lên, quây một khoanh nhỏ làm chỗ cho thuê  “thay quần áo” với giá 2.000 đồng/người, rồi dịch vụ cho thuê phao bơi, áo phao với giá từ 5.000 - 10.000 đồng/người. Chị Liên, một người bán nước, cho thuê phao bơi, áo bơi ở đập kể thêm, người dân vùng Thạch Thất rất thích ra tắm ở đập Quán Trăn. Có những ông vừa đi ăn cưới về, ngang qua đây cũng dừng lại cởi quần áo xuống tắm. Không thuê đồ bơi, họ ra chợ mua quần đùi… dùng tạm. 
Cách đấy không xa, trên cây cầu bắc qua đập, nhiều thanh niên tụ tập nhảy từ trên cầu cao xuống để thử cảm giác mạnh. Ông Trần Văn Thanh (thôn Kim Bông, xã Tân Xã) cho biết: “Cầu chỉ cách mặt nước chừng 5m nhưng khá nguy hiểm bởi dưới đáy đập có nhiều đá tảng. Tôi đã từng phải nhắc các cháu nhiều lần nhưng đám thanh niên thích cảm giác mạnh vẫn không để ý đến”.  
Không sợ tai nạn vì đông người cứu?
Theo ông Thanh, đập nước được thiết kế theo hình lòng chảo, ngay gần chân kè sâu 2-3m, nhưng mực nước trong đập khá sâu, ra giữa đập có đoạn tới 20-25m. Đập dùng trữ nước để phục vụ mùa màng cho bà con, nhưng từ cách đây vài năm đã biến thành bãi tắm công cộng mà không thấy ai có ý kiến gì. Đập Quán Trăn rộng tới 20ha nhưng xung quanh đập không có bất kỳ một biển báo chỉ dẫn hay cảnh báo nào.
Trong lúc đơn vị quản lý đập nước thờ ơ, nhiều người dân cũng chủ quan không hề lo lắng đến những tai nạn có thể xảy ra khi tắm ở đây. Như ông Thanh, mặc dù phản đối đám thanh niên đùa với tính mạng nhưng ông cũng trầm trồ: “Quả thật, nhiều khi ngắm đập vào những lúc hoàng hôn tôi cũng thấy đẹp, giống hệt như ở bãi biển, chỉ khác là ở đây không có những dịch vụ ăn chơi nghỉ mát, không có cứu hộ thường trực thôi”. 
Chị Lê Thanh Trang (thôn 3, xã Tân Xã) thì hồ hởi: “Về đây tắm tiết kiệm được cả một triệu đồng một tháng tiền đi bơi ở các bể, nước lại sạch sẽ hơn, không có hóa chất gì, nên cả nhà tôi thường đưa nhau ra đây”. 
Chị Hà bán nước còn nhận định: “Ở trên con đập này, chưa ai đi tắm mà bị chết đuối, bởi lượng người quá đông, có vấn đề gì xảy ra là mọi người xúm vào giúp ngay. Cũng thi thoảng có người tìm về đây tự tử, nhưng trường hợp này rất hiếm”. 
Thậm chí, một người dân khác còn hy vọng khu vực này sẽ được đầu tư cải tạo thành nơi tham quan trong tương lai: “Tôi được biết đập Quán Trăn nhìn từ trên cao có hình con phượng, mang nhiều ý nghĩa lịch sử, nếu được đầu tư cải tạo cảnh quan sẽ rất tốt cho thế hệ mai sau”. 
Trong lúc đó, một thực tế đau lòng không được nhớ đến là hè năm 2013, tại đập nước Quán Trăn, một bé gái xã Tân Xã đã bị đuối nước, người nhà phải thuê thợ lặn tìm kiếm mấy ngày mới thấy xác. 
Được biết, đập nước Quán Trăn thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích (trụ sở tại thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Trao đổi về thực trạng đập nước đang biến thành bãi tắm công cộng, ông Đặng Tuấn Hùng – Giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy lợi Sông Tích cho biết, đơn vị sẽ có biện pháp quản lý, nhưng bao giờ tiến hành và biện pháp cụ thể như thế nào thì ông Hùng chưa trả lời. 

Đọc thêm